Gỡ khó, để những con tàu tiếp tục vươn khơi

Trong bối cảnh ngành khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, tỉnh Kiên Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho ngư dân, để những con tàu tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản của Kiên Giang năm 2022 là 488.100 tấn.

SẢN LƯỢNG GIẢM MẠNH

6 tháng đầu năm 2022, ngành khai thác thủy sản của tỉnh Kiên Giang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do chi phí vật tư đầu vào phục vụ hoạt động khai thác tăng, thiếu nhân lực nguồn lao động lĩnh vực khai thác thủy sản xa bờ.

Theo đó, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 402.921 tấn, bằng 97,79% so cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, sản lượng khai thác chỉ đạt 269.403 tấn, bằng 94,04% so cùng kỳ năm 2021.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 9.808 tàu cá, trong đó tàu đánh bắt xa bờ 3.896 chiếc. Từ đầu năm 2022 đến nay, ước có khoảng 1.000-1.900 tàu cá tạm ngưng hoạt động, neo đậu tại các cảng cá trong tỉnh.

Tàu cá chuẩn bị lương thực cho chuyến biển đánh bắt dài ngày.

Tàu cá chuẩn bị lương thực cho chuyến biển đánh bắt dài ngày.

Đồng chí Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, sản lượng thủy sản khai thác sụt giảm mạnh trong 6 tháng qua, nguyên nhân chủ yếu do chi phí sản xuất tăng. Trong đó, giá nhiên liệu, ngư lưới cụ, vật tư... đều tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả của mỗi chuyến biển.

Thứ hai, nguồn lợi thủy sản giảm. Ước tính sản lượng khai thác bình quân trong 30 ngày của một cặp tàu có công suất 1.400 CV được khoảng 18-22 tấn thủy sản các loại, giảm 10-12% so cùng kỳ năm 2021.

Ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội nghề cá TP. Rạch Giá cho rằng, khó khăn lớn nhất của các đội tàu đánh bắt xa bờ hiện nay chính là thiếu vốn lưu động để ra khơi. Phần lớn các chủ tàu đều đã thế chấp tài sản vào ngân hàng. Hoạt động đánh bắt những năm gần đây hiệu quả thấp, thậm chí lỗ, do nguồn lợi thủy sản suy giảm, chi phí đầu tư cho chuyến biển tăng trong khi giá các mặt hàng thủy sản ít biến động. Do đó, một số ngư dân tạm ngừng hoạt động đánh bắt xa bờ.

Sản lượng khai thác thủy sản giảm mạnh, trong khi sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Kiên Giang chưa thể bù đắp được. Dự báo trong các tháng cuối năm 2022, tình hình sản xuất của ngành khai thác thủy sản tiếp tục gặp khó do thời tiết vào mùa mưa bão, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và khai thác thủy sản sẽ còn ở mức cao, do đó khả năng sản lượng khai thác của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra.

GỠ KHÓ

Theo đồng chí Quảng Trọng Thao, trong tình hình khó khăn như hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh hết sức chia sẻ với ngư dân. Đồng thời mong ngư dân sẽ tiếp tục cố gắng phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất để vượt qua khó khăn.

Công nhân bốc dỡ cá tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Thời gian qua, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngư dân trong đánh bắt thủy sản, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh nhiều giải pháp để giúp chủ tàu, ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa ban hành nghị quyết về việc quy định chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh, giúp chủ tàu, ngư dân giảm bớt chi phí cho hoạt động khai thác thủy sản trong thời gian tới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đang tham mưu đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án khảo sát đánh giá lại thực trạng và đề xuất tái cấu trúc lại nghề khai thác thủy sản tỉnh theo hướng bền vững. Kết quả đề xuất của đề án là cơ sở để ngành khai thác thủy sản triển khai các chương trình, dự án chính sách liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản và các đối tượng chịu tác động bao gồm chủ tàu cá, ngư dân.

Hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất của chủ tàu chính là nợ vay ngân hàng, việc vay vốn phục vụ khai thác thủy sản còn gặp nhiều hạn chế. Để tháo gỡ khó cho ngư dân và chủ tàu về vấn đề này, đồng chí Trần Văn Phước - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kiên Giang thông tin, cùng với các giải pháp căn cơ lâu dài là xây dựng các đề án để chuyển đổi ngành nghề theo sự chỉ đạo và định hưởng của tỉnh.

"Chúng tôi đã và đang tập trung giải quyết những khó khăn của ngư dân theo khả năng, thẩm quyền và giải quyết tối đa các cơ chế chính sách hiện có để hỗ trợ chủ tàu, ngư dân", đồng chí Trần Văn Phước nói.

Theo đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ đối với chủ tàu đang vay vốn ngân hàng hiện nay; chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục xem xét cho vay mới đối với những chủ tàu đủ điều kiện ra khơi với phương án sản xuất có hiệu quả.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện để chủ tàu được thụ hưởng chính sách lãi suất ưu đãi 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Về phía ngân hàng, nếu như trong điều kiện cân đối nguồn lực có thể, rà soát lại lực lượng khai thác hiện nay, những chủ tàu còn có thể khai thác được, đề nghị tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu, kêu gọi từ phía doanh nghiệp chế biến thủy sản chia sẻ thông qua cơ chế giá thu mua thủy sản, giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

Bài và ảnh: GIA BẢO

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/go-kho-de-nhung-con-tau-tiep-tuc-vuon-khoi-9401.html