Điều hành lạm phát 'trong tầm tay' nhưng không chủ quan
Điều hành lạm phát năm 2024 không quá áp lực, 'trong tầm tay' của nhà quản lý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, từ nay tới cuối năm còn nhiều biến số khó lường tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như tăng lương, điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường… Do đó, cần thận trọng trong điều hành, đảm bảo CPI bình quân theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 6/2024 tăng 1,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý 2/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024” do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế trích dẫn con số nêu trên và bày tỏ lo ngại về thách thức điều hành CPI từ nay tới cuối năm.
Chủ động đề xuất phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý
"Các bộ ngành nên chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào các tháng cuối năm 2024 (thời điểm chuẩn bị tết âm lịch 2025), hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát" - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính Vũ Duy Nguyên.
Theo PGS,TS. Ngô Trí Long, lạm phát mặc dù được kiểm soát trong ngưỡng mục tiêu nhưng lạm phát cơ bản có xu hướng tăng cao suốt từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2023 và từ giữa năm 2022 đến nay. Công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, sức ép, như việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu (điện, nước…), giá dịch vụ công; điều chỉnh tăng lương..., đòi hỏi chính sách điều hành giá, công tác kiểm soát lạm phát phải luôn chủ động, bám sát, thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng thời, phải sẵn sàng các kịch bản và giải pháp ứng phó cho từng tình huống phát sinh; xác định trọng tâm, trọng điểm ưu tiên để linh hoạt lựa chọn thứ tự ưu tiên phù hợp với từng trường hợp phát sinh nhằm ban hành chính sách điều hành phù hợp.
Theo ông Ngô Trí Long, nhiều tổ chức quốc tế dự báo lạm phát Việt Nam ở mức từ 4,2% - 4,5%. CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,26% - 0,39% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4% - 4,5%.
Tính toán kỹ mức độ, liều lượng hàng hóa do Nhà nước định giá
Tăng lương “đe dọa” lạm phát cũng là vấn đề được dư luận quan tâm. Theo một số chuyên gia kinh tế, việc tăng lương cũng không quá lo ngại những tác động tiêu cực tới lạm phát, bởi theo tính toán việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%).
Đối với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công và mặt hàng Nhà nước quản lý nửa cuối năm, theo bà Vũ Hương Trà - Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), với dịch vụ khám chữa bệnh dự kiến được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở. Dịch vụ giáo dục cũng có lộ trình điều chỉnh năm 2024-2025 với khu vực ngoài công lập, theo đó, sẽ tăng khung còn mức độ cụ thể phải theo dõi diễn biến thực tế.
Bên cạnh đó, Luật Giá có hiệu lực từ tháng 7/2024, danh mục Nhà nước định giá do Nhà nước kiểm soát sẽ được tổng hợp lại, thay vì được quy định rải rác tại các văn bản chuyên ngành. Bà Vũ Hương Trà cho biết, lương tăng nhưng không phải hoàn toàn mặt hàng do Nhà nước định giá đều tăng, mà mức độ, liều lượng tăng ra sao sẽ được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp để kiểm soát lạm phát.
Đưa ra 2 kịch bản dự báo, PGS,TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng ở kịch bản 1: CPI bình quân ở mức 3,95% (+0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới. Kịch bản 2, CPI bình quân ở khoảng 3,95% (-0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt 6% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
Với 2 phương án nêu trên, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, không chủ quan, ông Vũ Duy Nguyên cho rằng cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung, hiệu quả kinh doanh và gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân. Bên cạnh đó, bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đi ngược với xu hướng chính sách các nước trên thế giới.
Đồng thời, chuẩn bị trước kịch bản ứng phó hiệu quả trước khả năng ngân hàng trung ương các nước lớn có chính sách hạ lãi suất. Thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.
TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ - TÀI CHÍNH (HỌC VIỆN TÀI CHÍNH): Áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn
Trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Chỉ số lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023. Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.
Nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy bức tranh khác cho thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải, vì chưa tính giá dịch vụ y tế, giáo dục đã điều chỉnh từ quý III/2023. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,4%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây.
Không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024; ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô, thời điểm và giới chuyên gia đang chờ đợi. Có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024, nếu không có các đợt điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn.
PGS,TS. NGUYỄN BÁ MINH - GIẢNG VIÊN CAO CẤP (HỌC VIỆN TÀI CHÍNH): Lạm phát giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 5
6 tháng cuối năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 5/2024 nhờ nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như lạm phát toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2024 với mức điều chỉnh không quá lớn, CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 4,2 - 4,5% dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra hoàn toàn khả thi.
Nhận định đó dựa trên một số yếu tố, như: tăng trưởng cung tiền vẫn ở mức thấp; dư địa giảm 0,5 - 1% lãi suất điều hành, hạ nhiệt mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2024 trước tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ của một số Ngân hàng Trung ương trên thế giới trong quý III/2024 nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Cùng với đó, sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ hỗ trợ cho VND. Đây sẽ là những nhân tố có tác động kiềm chế lạm phát trong năm 2024.
TS. LÊ QUỐC PHƯƠNG - NGUYÊN PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI (BỘ CÔNG THƯƠNG): Điều hành tránh gây hiện tượng cộng hưởng giá
Dự báo cuối năm, có một số yếu tố thuận lợi trong điều hành đó là: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát; cung hàng hóa dồi dào không gây biến động lớn về giá. Cùng với đó, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm hạ nhiệt (dưới 3%); việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% giúp giảm giá hàng hóa, là các yếu tố thuận lợi trong điều hành.
Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố gây sức ép lên CPI cuối năm đó là: CPI 6 tháng đầu năm đã vượt mốc 4%; đồng loạt tăng lương từ 1/7; tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện…
2 kịch bản từ nay tới cuối năm, cụ thể đó là: Trong trường hợp, các nền kinh tế lớn giữ nguyên lãi suất hoặc hạ chậm, kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ, giá hàng hóa thế giới không tăng, CPI bình quân cả năm tăng khoảng 4%. Nếu trường hợp các nền kinh tế lớn hạ lãi suất, kinh tế thế giới khởi sắc, giá hàng hóa thế giới tăng nhẹ, CPI bình quân cả năm vượt 4%.
Để đạt được mục tiêu đó, cần điều hành thận trọng, theo đó, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý (đặc biệt giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục), tránh hiện tượng cộng hưởng giá. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình điều phối không để tăng giá, đáp ứng nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu, tác động lớn đến CPI. Đảm bảo cung ứng, lưu thông phân phối đầy đủ, kịp thời không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, làm tăng giá đột biến.