Gỡ khó đưa lao động ra nước ngoài làm việc

Ngoài lo ngại về thời gian và địa điểm học tiếng, số tiền ký quỹ khá lớn vượt quá khả năng của người lao động

Ngày 29-8, tại TP Cần Thơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy đưa người lao động (NLĐ) phía Nam làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận".

Khó tuyển lao động

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay hiện có khoảng 580.000 NLĐ Việt Nam làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tập trung ở các thị trường: Nhật Bản (khoảng 250.000 người), Đài Loan (Trung Quốc) với khoảng 230.000 người, Hàn Quốc (50.000 người); còn lại ở các thị trường châu Âu, Trung Đông và Malaysia.

NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài ở nhiều ngành nghề, công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc gia đình).

NLĐ làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc được bảo đảm; cụ thể: khoảng 1.200 - 1.500 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; 600 - 1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề và 400 - 600 USD/tháng với lao động phổ thông ở Trung Đông, Malaysia. Trong những năm gần đây, số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng lên đáng kể: Năm 2019 gần 153.000 người; do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 2 năm 2020 và 2021 chỉ khoảng 78.000 người và 45.000 người; năm 2022 tăng trở lại với 143.000 người; trong 8 tháng đầu năm 2023 có 97.223 người.

Theo ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (gọi tắt là Trung tâm, thuộc Bộ LĐ-TB-XH), từ khi thành lập vào năm 2004 đến nay, Trung tâm đã đưa được hơn 133.000 NLĐ đi làm việc tại nước ngoài. Chi phí thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ tiếp cận các chương trình, đặc biệt là NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách. "23 tỉnh, thành phía Nam có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn, hầu hết các địa phương đều có chính sách hỗ trợ đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, NLĐ các địa phương phía Nam tham gia các chương trình còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài" - ông Hồng thông tin.

Qua thống kê, số lượng NLĐ của 23 tỉnh, thành phía Nam đi làm việc tại nước ngoài thông qua Trung tâm là 13.859 người, trong khi cả nước là 133.064 người, chỉ chiếm hơn 10%. Một số tỉnh như Đồng Tháp, Long An có tỉ lệ NLĐ tham gia các chương trình do Trung tâm thực hiện chỉ chiếm 3%-4%. Bên cạnh đó, tỉ lệ lao động là sinh viên, học viên các trường cao đẳng nghề của các tỉnh, thành phía Nam tham gia tuyển chọn lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Từ năm 2018 đến nay, qua 4 kỳ tuyển chọn thí điểm lao động tay nghề đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, Trung tâm không tuyển được sinh viên nào từ các trường dạy nghề phía Nam.

Người lao động tìm hiểu các chương trình làm việc ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NGỌC TRINH

Người lao động tìm hiểu các chương trình làm việc ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NGỌC TRINH

Tạo thuận lợi cho người lao động

Ông Nishizawa Hidekazu - Trưởng Văn phòng IM Japan tại Việt Nam - thông tin từ năm 2006 đến nay, văn phòng đã tiếp nhận hơn 8.500 thực tập sinh, trong đó có khoảng gần 1.200 thực tập sinh ở các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM. Ông Nishizawa Hidekazu đánh giá: "Mặc dù chương trình IM Japan có rất nhiều ưu điểm nhưng vẫn chưa thật sự thu hút được sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương cũng như của ứng viên. Số lượng thực tập sinh chúng tôi đã phái cử, tiếp nhận ở khu vực phía Nam, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng của vùng".

Tại TP Cần Thơ, năm 2022 chỉ có 27 người đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và 8 tháng đầu năm nay là 25 người, chiếm tỉ lệ lần lượt là 5,23% và 5,48% so với tổng số lao động TP Cần Thơ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong 2 mốc thời gian này, không có NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan.

"NLĐ chưa mặn mà với 2 chương trình này là vì lo ngại thời gian và địa điểm học tiếng Hàn và tiếng Nhật ở tận Hà Nội mà không phải tại Cần Thơ. Khi tham gia 2 chương trình trên, NLĐ phải trải qua nhiều vòng thi, tạo tâm lý lo lắng: không biết mình đạt không, thời gian chờ đợi là bao lâu, trong khi NLĐ chưa có việc làm và thu nhập trong thời gian chờ đợi này" - bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Cần Thơ, phản ánh.

Ngoài ra, tuy chi phí tham gia chương trình thấp nhưng NLĐ phải ký quỹ với số tiền khá lớn - 100 triệu đồng - là điều vượt khả năng của họ. Tương tự, tại Đồng Tháp, tính từ năm 2014 đến nay, địa phương có 273 lao động đi theo chương trình EPS, riêng 8 tháng đầu năm 2023 có 17 người. Chương trình có hiệu quả cao, mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ nhưng chưa thu hút được nhiều người tại Đồng Tháp tham gia.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan nhận xét NLĐ các địa phương phía Nam tham gia những chương trình của Trung tâm còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Để nâng cao hiệu quả số lượng tham gia các chương trình của NLĐ ở khu vực này, lãnh đạo Bộ LĐ-TB -XH giao Trung tâm phối hợp với các sở LĐ-TB-XH, trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành tăng cường thông tin, quảng bá các chương trình; thông tin kịp thời kế hoạch tuyển chọn lao động cho NLĐ biết để tham gia.

"Trung tâm cần trao đổi với đối tác và triển khai mở các lớp đào tạo tiếng Nhật, đào tạo định hướng cho NLĐ tham gia chương trình IM Japan, EPS; đặt phòng thi tiếng Hàn tại khu vực ĐBSCL để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ tham gia các chương trình. Đồng thời, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu NLĐ với các đơn vị chức năng thuộc bộ, trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tiếp nhận lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp" - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan yêu cầu.

Tận dụng nguồn lực từ nước ngoài về

Nhu cầu tuyển dụng trong nước khá cao nhưng dữ liệu về NLĐ khi hết hợp đồng từ nước ngoài về gần như không có. Đây là nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao mà doanh nghiệp trong nước rất cần. "Tỉnh có chủ trương xây dựng chính sách hỗ trợ và thu hút NLĐ trên địa bàn đi lao động, học tập ở nước ngoài về tỉnh lập nghiệp, sản xuất, kinh doanh. Dự kiến trong thời gian tới, hằng năm Hậu Giang sẽ đón 500 - 700 lao động có tay nghề trở về tỉnh sau khi kết thúc hợp đồng" - ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hậu Giang, cho biết.

CA LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/go-kho-dua-lao-dong-ra-nuoc-ngoai-lam-viec-20230829194749346.htm