Gỡ khó hạ tầng thủy lợi để 'thông' quy trình lúa phát thải thấp
Hạ tầng thủy lợi chưa đồng bộ nên việc áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát vẫn gặp khó khăn, dù kết quả bước đầu được đánh giá khá ổn. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải gỡ khó để quy trình của đề án đi vào cuộc sống thông suốt hơn trong thời gian tới…

Áp dụng quy trình kỹ thuật của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao còn khó khăn. Ảnh: Trung Chánh
Đó là nội dung được nêu ra tại hội nghị “Về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” diễn ra ở thành phố Cần Thơ hôm 13-7.
Vướng rút nước, quy trình lúa phát thải thấp chưa “thông”!
Tại hội nghị nêu trên, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết trên cơ sở kết quả đã đạt được, năm nay đơn vị này triển khai thêm 11 mô hình ở các địa điểm có diện tích và điều kiện đất khác nhau để tiếp tục đánh giá kỹ quy trình canh tác bền vững và đo lượng giảm phát thải.
Theo ông, kết quả tiếp tục đạt được rất tốt, trong đó, cuối tháng 6-2025 vừa qua, một mô hình điểm ở tỉnh Đồng Tháp thu hoạch cho năng suất 7,1 tấn/héc ta, cao hơn bên ngoài 4%; lợi nhuận thu được 27,8 triệu đồng/héc ta, cao hơn bên ngoài 4,6-4,8 triệu đồng/héc ta; giá thành sản xuất thấp hơn bên ngoài 500 đồng/kg lúa và thu nhập tăng thêm từ bán rơm là 400.000 đồng/héc ta.
Đặc biệt, kết quả đo cho thấy lượng giảm phát thải 3,13 tấn CO2/héc ta/vụ. “Đây là những chỉ số một lần nữa khẳng định hiệu quả của đề án sản xuất lúa giảm phát thải”, ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài 11 mô hình của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vụ đông xuân 2024-2025 và hè thu 2025, các địa phương ĐBSCL đã triển khai 101 mô hình, với diện tích 4.518 héc ta. “Kết quả qua đánh giá rất tốt, trong đó, năng suất tăng 5-10%; hiệu quả kinh tế tăng 3-5 triệu đồng/héc ta”, ông Nam cho biết và thông tin, mô hình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là để đo kỹ các chỉ số giảm phát thải, trong khi của địa phương là để “cụ thể hóa” triển khai quy trình canh tác bền vững.
Đến vụ hè thu 2025, các địa phương ĐBSCL đăng ký tham gia đề án với tổng diện tích triển khai là 312.000 héc ta, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu kế hoạch trong đề án đến 2025 đạt 200.000 héc ta.
Một trong những nội dung quan trọng khi áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác bền vững của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao là rút nước 3 lần/vụ và đưa rơm ra khỏi đồng ruộng. Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi nội đồng, bờ bao, kênh trục) chưa được đầu tư đồng bộ nên việc rút nước chưa đáp ứng yêu cầu. “Có những địa phương chỉ triển khai 1 phần của quy trình canh tác này thôi vì vướng rút nước”, ông Nam giải thích.
Trong khi đó, để sản xuất 1 triệu tấn lúa, lượng rơm cần di chuyển ra khỏi đồng ruộng cũng ở con số tương ứng. “Chúng tôi làm việc với Tập đoàn điện lực Việt Nam- EVN (đơn vị triển khai nhà máy điện sinh khối ở thành phố Cần Thơ), đơn vị này đồng ý tiêu thụ 1 triệu tấn rơm và trấu mỗi năm để làm điện sinh khối”, ông Nam cho biết.

Cần đầu tư hệ thống thủy lợi để áp dụng đồng bộ quy trình canh tác 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh
Đề nghị “gỡ vướng” hạ tầng thủy lợi
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhấn mạnh đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng rất quan trọng, bởi vạn sự khởi đầu nan, là đề án đầu tiên trên thế giới.
Theo Thủ tướng, dù khó khăn bước đầu, nhưng có ý nghĩa rất lớn trong đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các nước đối tác trong khu vực. “Đây là cách đảm bảo cho chúng ta có được đầu ra, tránh được mùa mất giá được giá mất mùa”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, đề án cũng góp phần chống biến đổi khí hậu (như cam kết của Việt Nam với quốc tế), tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, để đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp được thông suốt, vấn đề quan trọng cần được tháo gỡ, đó là cơ chế chính sách và nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi.
Ông Nam của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ chế tài chính để hỗ trợ phát triển thủy lợi, đảm bảo rút nước theo đúng lịch thời vụ. “Chúng tôi đã trình các bộ, ngành đề án nâng cao năng lực kỹ thuật và hạ tầng cho 1 triệu héc ta và đề xuất vốn vay 340 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng thế giới (WB)”, ông cho biết.
Theo ông Nam, diện tích vùng 1 triệu héc ta chủ yếu là nâng cấp hệ thống kênh trục và đê báo từng thửa, tức thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của địa phương, không phải của Trung ương. “Nhưng chúng tôi thống nhất với Bộ Tài chính và các địa phương do đây là đề án có tính chất đặc biệt, triển khai quy trình giảm phát thải, đảm bảo lịch thời vụ nên nhiệm vụ chi cần chuyển về Bộ Nông nghiệp và Môi trường”, ông Nam kiến nghị.
Từ vấn đề nêu trên, ông Nam đề nghị Bộ Tài chính có công thư gửi WB để tiếp nhận nguồn vốn vay 340 triệu đô la Mỹ và đồng ý phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai các bước tiếp theo.
Liên quan vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết sẽ rà soát và làm việc lại với Bộ Nông nghiệp và Môi trường. “Bộ Tài chính sẽ phối hợp giải quyết dứt điểm việc này”, ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng nhà nước có chính sách ưu đãi cho 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao; Bộ Tài chính khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan đến vay vốn quốc tế, trong đó có WB. “Họ cam kết 500 triệu đô la, trong đó, trước mắt hỗ trợ (không hoàn lại) 50 triệu đô la Mỹ”, Thủ tướng nói.
Rõ ràng, việc tháo gỡ khó khăn về chính sách cũng như nguồn vốn cho hạ tầng thủy lợi sẽ là cơ sở để quy trình của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đi vào cuộc sống thực chất hơn thời gian tới.
Năm 2025 phía Nam hoàn thành 13 dự án, dài 354 km
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, cho biết ở khu vực phía Nam hiện đang triển khai 21 dự án giao thông trọng điểm, trong đó, có 13 dự án hoàn thành năm 2025 với tổng chiều dài 354 km; 8 dự án hoàn thành sau năm 2025, với tổng chiều dài 294,6 km.
Một số dự án quan trọng hoàn thành năm 2025, gồm cao tốc Cần Thơ- Hậu Giang- Cà Mau dài 110,87 km; cao tốc Cao Lãnh- Lộ Tẻ dài 28,8 km; cao tốc Lộ Tẻ- Rạch Sỏi dài 51,5 km; cầu Rạch Miễu 2 dài 17,6 km; cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu (dự án thành phần 2) dài 18,2 km…
Có 8 dự án hoàn thành sau năm 2025 với tổng chiều dài 294,6 km, trong đó, có dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi- Bến Nhất, Gò Quao- Vĩnh Thuận dài 51,94 km (hoàn thành 2026); cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh dài 26,6 km, dự kiến khởi công tháng 8-2025 và hoàn thành 2028; dự án cầu Đại Ngãi dài 15,14 km, hoàn thành 2028; cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, hoàn thành tháng 7-2026…
Theo ông Minh, ngoài ra còn có các dự án chuẩn bị khởi công, gồm dự án cao tốc Cà Mau- Đất Mũi dài 91 km, khởi công ngày 19-8-2025; dự án đường kết nối ra cảng Hòn Khoai dài 17 km, khởi công ngày 19-8-2025...