Gỡ khó thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng
Mặc dù cơ quan thi hành án dân sự hai cấp trong tỉnh đã khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ trên tất cả các mặt công tác và đạt nhiều kết quả tích cực, song kết quả giải quyết về tiền còn thấp, khoản thu cho các tổ chức tín dụng ngân hàng có thay đổi tích cực nhưng chưa đột phá.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng Xương tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản trong một vụ liên quan đến tín dụng ngân hàng trên địa bàn xã Quảng Định. Ảnh: Hương Lan
Bước sang năm công tác 2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời tập trung chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thi hành án kinh tế, tham nhũng, vụ việc có giá trị thi hành lớn thuộc diện Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, đặc biệt tập trung xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng (trong 1.040 việc) theo Kết luận số 618/KL-HĐND ngày 11-11-2022 của Thường trực HĐND tỉnh. Nhờ đó, toàn ngành đã đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt công tác. Tuy nhiên, việc giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng vẫn chưa có sự đột phá.
Cụ thể, trong năm 2023 số việc phải thi hành liên quan đến tín dụng ngân hàng là 648 việc, tương ứng với số tiền hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Mặc dù cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và trong 10 tháng (tính từ 1-10-2022 đến 31-7-2023), đã thi hành xong 69 việc, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành trong cả nước. Số tiền thi hành đạt trên 207 tỷ đồng, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, kết quả trên mới đạt tỷ lệ 19,55% về việc và 32,25% về tiền.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hoàng Văn Truyền cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng thời gian qua tuy đã có thay đổi tích cực nhưng chưa đột phá. Trong đó có tình trạng, sau khi thụ lý việc, cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh thì tài sản bảo đảm chưa rõ ràng, chồng lấn, không đúng với hiện trạng tài sản như hợp đồng thế chấp. Cá biệt có những loại tài sản thế chấp là công trình xây dựng xây chồng lấn sang đất của người thứ ba liền kề (loại việc rất khó xử lý khi không có sự thỏa thuận của người thứ ba); một số vụ việc tài sản thế chấp là xe ô tô, máy móc thiết bị công trình xây dựng không xác định được tài sản đang ở đâu và do ai quản lý...
Bên cạnh đó, công tác quản lý, chỉ đạo của một số tổ chức tín dụng vẫn còn chưa chặt chẽ. Vẫn còn xảy ra tình trạng tổ chức tín dụng chưa làm tốt công tác thẩm định lúc cho vay. Còn trường hợp tổ chức tín dụng không xác định kỹ hiện trạng, nguồn gốc tài sản mà chủ yếu dựa vào các giấy tờ tài liệu do khách hàng cung cấp. Quá trình cho vay lại thiếu theo dõi, quản lý tài sản thế chấp, nên để xảy ra tình trạng khách hàng tự ý chuyển dịch tài sản, hoặc tẩu tán, hủy hoại tài sản, nhất là tài sản là động sản. Trong khi sau quyết định của tòa, nhiều tổ chức tín dụng còn chưa phối hợp giải quyết, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của riêng cơ quan thi hành án dân sự.
Cũng theo Cục trưởng Hoàng Văn Truyền, việc thi hành các bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn do quá trình xét xử các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng chủ yếu dựa trên các căn cứ là tài liệu, hồ sơ do các bên cung cấp, không tiến hành xác minh thẩm định tại chỗ thực trạng tài sản thế chấp... Thực tế, trong quá trình xác minh tài sản, cơ quan thi hành án dân sự rất khó thực hiện, thậm chí không xác định được mốc giới đối với tài sản là bất động sản.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa có sự đột phá trong thời gian qua, còn có một phần từ ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự còn hạn chế, thiếu tính chủ động trong việc đề xuất các phương án xử lý. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cơ chế pháp lý cũng như hướng dẫn cụ thể phương án xử lý các vụ việc thuộc diện tài sản bảo đảm không phù hợp giữa hợp đồng thế chấp với thực trạng tài sản. Do đó các chấp hành viên chưa mạnh dạn đưa ra phương án xử lý.
Đáng nói, đa số tổ chức, cá nhân thuộc diện phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng gần như đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản, nên họ cố tình chống đối bằng nhiều cách, như: cố tình vắng mặt khỏi nơi cư trú, không nhận quyết định thi hành án, cản trở cơ quan thi hành án tiến hành xác minh, kê biên tài sản, hoặc có lời lẽ, hành vi nhằm đe dọa chấp hành viên... Bên cạnh đó, nhiều tài sản được thế chấp của doanh nghiệp không còn đảm bảo giá trị để thu hồi khoản nợ cho tổ chức tín dụng. Trong số này có những doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, thay đổi người đại diện theo pháp luật, hoặc không hợp tác, thường xuyên thay đổi địa chỉ, trốn tránh không làm việc, nhằm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự.
Nhiều trường hợp người phải thi hành án khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại vượt cấp. Cá biệt có vụ việc đã qua nhiều cấp, nhiều lần giải quyết đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án. Một số trường hợp tài sản bảo đảm của người thứ ba (mà bản thân họ không phải là người phải thi hành án) tỏ rõ thái độ chống đối quyết liệt, thậm chí tìm mọi cách để chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng cho người khác, thay đổi hiện trạng, hủy hoại tài sản nhằm mục đích trốn tránh việc thi hành án.
Trước thực trạng này, trong 10 tháng năm 2023, cơ quan thi hành án đã phải tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với 168 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên không phải vụ việc cưỡng chế nào cũng thành công. Điển hình là vụ việc liên quan đến ông N.V.M. ở phường An Hưng (TP Thanh Hóa). Theo các quyết định của Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa và Chi cục Thi hành án dân sự TP Thanh Hóa, ông M. bị buộc phải thanh toán cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Do ông M. không tự nguyện thi hành nên Chi cục Thi hành án dân sự TP Thanh Hóa đã ban hành quyết định và tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản đối với ông. Tuy nhiên, trong quá trình bị cưỡng chế, ông M. đã chống đối, lực lượng tham gia cưỡng chế không đảm bảo an toàn, nên cuộc cưỡng chế bị dừng lại.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hoàng Văn Truyền cho biết thêm, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án dân sự nói chung và các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và cần sự phối hợp, vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị. Thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ công chức thi hành án dân sự. Đồng thời xác định rõ và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao... Qua đó nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ thi hành án dân sự liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng.