Gỡ khó trong phòng, chống sốt xuất huyết
Cùng với những khó khăn trong công tác vận động người dân nâng cao ý thức về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế còn gặp khó khăn về nhân lực, thiết bị, thuốc, vật tư y tế...
Người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết
Tây Ninh đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết (SXH). Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5.087 ca mắc, 112 ca nặng, tăng 1.515 ca so với năm 2021, chủ yếu là trẻ em, trong đó, có 5 ca tử vong.
Ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, chú trọng đến những điểm nóng có nguy cơ bùng phát dịch, đẩy mạnh truyền thông và theo dõi chặt tình hình dịch bệnh đến các khu phố, ấp để đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu lực lượng y tế, cộng tác viên cơ sở, thuốc, vật tư y tế, kinh phí khi triển khai các hoạt động phòng, chống dịch SXH.
TP. Tây Ninh ghi nhận trên 894 ca mắc SXH, 1 ca tử vong, 556 ổ dịch, tăng 739 ca và tăng 458 ổ dịch so với năm 2021. Trong đó, phường Ninh Sơn là địa phương có ca mắc SXH cao nhất, ca tử vong cũng là người dân sinh sống tại đây.
Theo ông Trần Lê Duy- Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Sơn, đến thời điểm hiện tại, phường có 183 ca mắc SXH, tăng 159 ca so với năm 2021 với 100 ổ dịch (tăng 86 ổ dịch), phường được chọn làm điểm tập trung thực hiện các hoạt động phòng, chống SXH trên địa bàn Thành phố. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, theo sát từng nhà dân, khu phố, tuyến đường trên địa bàn.
Bác sĩ Nguyễn Thế Ngọc- Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Tây Ninh cho biết, đơn vị đang gặp khó khăn về nhân lực, do phải bố trí lực lượng cho công tác tiêm ngừa vaccine trong tháng cao điểm tiêm phòng, chống dịch Covid-19.
Một số ổ dịch sau khi xử lý vẫn có ca mắc kéo dài do công tác diệt lăng quăng chưa hiệu quả, phun hóa chất trên diện rộng nhưng nhà ở lại cách xa đường lớn nên độ bao phủ hóa chất không cao. “Tuyên truyền thì đã tuyên truyền rồi, ngành y tế cũng chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn. Còn cần sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và ý thức tự giác của người dân”- bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.
Bác sĩ Lương Chấn Quang- Phó trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh nhận định, sau đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH vừa qua, tình hình dịch trên địa bàn thành phố Tây Ninh có giảm nhưng chưa thực sự hiệu quả, số ca mắc vẫn còn cao, nguy cơ bùng dịch.
Ông đề nghị thành phố Tây Ninh cũng như toàn tỉnh tập trung thực hiện công tác truyền thông các dấu hiệu nhận biết biểu hiện của bệnh trong các khu dân cư, để người dân nâng cao nhận thức, phát hiện sớm ca mắc để được chữa trị kịp thời, hạn chế tử vong.
Ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, ngành Y tế Tây Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, các TTYT trên địa bàn tỉnh đồng loạt ra quân dập dịch. Tuy nhiên, do hạn chế về điều kiện tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực nên công tác triển khai chưa thực sự hiệu quả.
Bác sĩ Biện Văn Tư- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh cho biết, lực lượng y tế mỏng, các đội hình ra quân tuyên truyền, dập dịch không được duy trì thường xuyên, sự chủ quan của người dân khiến tình hình dịch SXH vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.
Hiện tại, Tây Ninh gặp khó khăn trong thực hiện định mức chi cho các hoạt động phòng, chống dịch do Thông tư 26/2018/TT-BTC đã hết hiệu lực, ngành không có cơ sở định mức chi cho các hoạt động đặc thù của giám sát, phòng chống SXH, công phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng để các địa phương có căn cứ xây dựng kinh phí theo quy định hiện hành.
“Ngành Y tế của tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống SXH- nhất là việc mua sắm trang thiết bị và hóa chất diệt muỗi”- bác sĩ Biện Văn Tư nhấn mạnh, đồng thời đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh 20 máy phun STIHL đeo vai, 2.000 lít hóa chất diệt muỗi và 1.000 chai dịch truyền cao phân tử loại Dextran 40, Dextran 70 hoặc 6% HES 200.000 hoặc Gelatin.
Theo nhận định của Bộ Y tế, với những diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch SXH có thể xảy ra. Tây Ninh là tỉnh đứng thứ 6 trong các tỉnh, thành phía Nam có số ca mắc SXH cao. Do đó, địa phương cần tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đề nghị: “Tây Ninh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để chống dịch có trọng tâm, trọng điểm nhằm kiểm soát dịch ngay từ những ngày đầu”.
Mặc dù tỉnh đã thực hiện rất tốt công tác truyền thông, nhưng cần vận động người dân, hộ gia đình tự giác thu gom phế thải, không để vật dụng chứa nước làm cho lăng quăng có nơi trú ngụ. UBND các cấp bảo đảm đủ nhân lực, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên, tăng cường kiểm tra, giám sát, cần thiết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Đối với các kiến nghị liên quan công tác tài chính, hỗ trợ hóa chất, máy phun, ông Thượng cho biết, Viện đã tổng hợp các nội dung trình Bộ Y tế. “Trước mắt, để đối phó với tình hình dịch bệnh, tỉnh cần chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nhất là tập trung diệt lăng quăng. Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế của địa phương về công tác phòng, chống và điều trị bệnh SXH để kịp thời nâng cao chuyên môn cho cán bộ chuyên trách, kịp thời ngăn chặn, kiểm soát dịch SXH”.
Ông đề nghị: “Tỉnh cần ban hành chỉ đạo chung về công tác phòng, chống dịch, nhất là phân công trách nhiệm của các ngành liên quan cùng tham gia. Cần thiết đưa các chỉ tiêu phòng, chống SXH vào chỉ tiêu thi đua của các địa phương để tập trung thực hiện hiệu quả công tác này”.
Để giải quyết triệt để các ổ dịch SXH, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng đề nghị các địa phương mở rộng phạm vi phòng, chống bệnh SXH, diệt lăng quăng, muỗi ở các hộ gia đình và tăng cường tuyên truyền, diệt lăng quăng, muỗi rộng rãi ở các địa điểm công cộng như: cơ quan, công ty, trường học, chợ dân sinh, hàng quán, nơi tập trung đông người.
Ông Thượng nhấn mạnh: “Trên thực tế, muỗi vằn thường hoạt động vào buổi sáng và lúc chiều tối, đây là thời gian người dân hoạt động, sinh hoạt nên nguy cơ bị nhiễm virus gây bệnh SXH Dengue là rất cao. Ngành Y tế và chính quyền địa phương cần chú trọng áp dụng các biện pháp tổng thể, vừa diệt lăng quăng vừa phun hóa chất diệt muỗi để ngăn chặn triệt để dịch SXH bùng phát trở lại. Địa phương có thể tận dụng những kinh nghiệm quý giá từ đợt phòng, chống dịch Covid-19 để làm tốt công tác phòng, chống dịch SXH”.
Ngọc Bích - Tâm Giang
Đoàn công tác của Bộ Y tế do TS. BS Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại tỉnh Tây Ninh. Trong hai ngày 13 và 14.7, đoàn đã kiểm tra thực địa tại một số khu nhà trọ và hộ dân đang sinh sống tại khu phố Ninh Trung (phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh); trao đổi những khó khăn với ngành Y tế, chính quyền địa phương; đồng thời đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/go-kho-trong-phong-chong-sot-xuat-huyet-a147468.html