Gỡ những chế tài cản trở doanh nghiệp
Một điểm mới của Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về phát triển doanh nhân trong thời kỳ mới đã quy định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ phải 'bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế'.
Để hiểu rõ hơn những nội dung mới này cũng như những giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân cống hiến và phát triển, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh còn hạn chế. Ông có suy nghĩ gì về thực tế này?
Hiện, một số doanh nghiệp phát triển đã đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy vậy, đội ngũ doanh nhân Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, vẫn thiếu vắng những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng sâu, rộng trong nước và quốc tế là do các nguyên nhân nội tại của nền kinh tế.
Đó là, doanh nghiệp trong nước phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng suất và năng lực cạnh tranh thấp; chậm đổi mới công nghệ và phương thức sản xuất; hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Cơ cấu doanh nghiệp theo các ngành kinh tế không hợp lý. Nguyên vật liệu sản xuất phụ thuộc vào bên ngoài; sản xuất kinh doanh dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài. Cùng với đó, quá trình mua bán, sáp nhập, đầu tư nước ngoài có thể lấy đi quyền kiểm soát sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt.
Không những thế, cộng đồng doanh nhân phải đối mặt với nhiều rào cản trong chính sách và thực thi chính sách. Mặc dù đã có những đột phá về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh, tuy vậy hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vẫn chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định. Môi trường pháp lý thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI cho thấy, tỷ lệ dự đoán được của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực thi pháp luật có chiều hướng suy giảm. Đa số doanh nghiệp không dự đoán được việc thay đổi và thực thi pháp luật của bộ máy quản lý nhà nước.
Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động, đó là lý do ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức tại các bộ, cơ quan, địa phương; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn; đồng thời xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực, nhằm tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nhân.
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-TW về phát triển doanh nhân trong thời kỳ mới. Theo ông, Nghị quyết này có những điểm gì mới nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng mạnh trong thời gian tới?
Trước hết tôi cho rằng, đây là bước ngoặt trong nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân không chỉ trong làm kinh tế với mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ mà còn đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.
Theo đó, một điểm mới được doanh nhân vui mừng, đón đợi đó là Nghị quyết đã quy định thành nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ phải “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế”. Điều này đã được Đảng đề cập nhiều lần trước đây, nhưng lần đầu tiên được chính thức hóa trong Nghị quyết.
Điểm mới quan trọng của Nghị quyết số 41/NQ-TW được nêu trong nhiệm vụ, giải pháp: “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển các doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”. Nội dung này rất quan trọng và cần thiết trong mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất định, khó lường.
Những nội dung mới của Nghị quyết số 41/NQ-TW sẽ là điểm tựa và đòn bẩy trong xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, góp phần đưa đất nước đạt được mục tiêu mới trong thời kỳ mới.
Thưa ông, Chính phủ cần thực hiện những giải pháp gì để phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực, trình độ; có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu?
Với những rào cản hiện nay về thể chế; với sự xuống cấp về đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ trong bộ máy nhà nước và đạo đức kinh doanh của một bộ phận doanh nhân là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Theo tôi, Chính phủ cần ưu tiên triển khai thực hiện nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân cống hiến và phát triển.
Việc hoàn thiện môi trường pháp lý theo quan điểm chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia đối với doanh nghiệp, với phương thức quản lý bằng thể chế, cơ chế, quy trình, trên cơ sở tương tác, phối hợp dân chủ giữa Nhà nước với doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc gia.
Cùng với việc hoàn thiện và đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách, Chính phủ khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực thi nghiêm các chế tài. Điều này để cảnh báo, ngăn ngừa, trừng phạt mọi hành vi gây nên rào cản hành chính, nhũng nhiễu, trục lợi và tham nhũng của một bộ phận cán bộ các cấp trong hệ thống quản lý nhà nước. Đồng thời, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tạo niềm tin, sự yên tâm cho đội ngũ doanh nhân, góp phần công khai minh bạch và lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trong thế giới biến động, khó lường; toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng vẫn là dòng chảy chính, tác động mạnh tới tất cả nền kinh tế. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, mọi biến động của kinh tế thế giới đều tác động rất mạnh tới kinh tế trong nước. Chính phủ chủ động dự báo các biến cố, xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới; nhận diện, đánh giá tác động của những cơ hội và thách thức đến từ các thay đổi này đối với kinh tế nước ta. Cùng đó, xác định những yếu tố ngoại sinh tạo ra sự đổi mới để chủ động đưa ra các giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức giữ vững ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất.
Thực hiện vai trò nhà nước kiến tạo trong bối cảnh đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, Chính phủ tìm kiếm, hướng dẫn đội ngũ doanh nhân mở rộng không gian phát triển. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào những ngành, lĩnh vực mới của kinh tế thế giới để doanh nghiệp nhanh chóng hòa vào dòng chảy mới của kinh tế toàn cầu, không bị chậm và bỏ lại phía sau.
Chính phủ cũng thực thi các chính sách tài khóa và tiền tệ để ưu đãi, hỗ trợ vốn, công nghệ và lao động có kỹ năng, tay nghề phù hợp cho các doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh trong những ngành và lĩnh vực mới...
Xin cảm ơn ông!