Gỡ 'nút thắt' giao khoán đất lâm nghiệp

Để tháo gỡ những vướng mắc kéo dài và khơi thông tiềm năng to lớn của ngành lâm nghiệp, các cấp, ngành đang gấp rút triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện hành lang pháp lý, đơn giản hóa thủ tục đến tăng cường hỗ trợ người dân nhận khoán.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Ngày 25/4, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức hội thảo "Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp".

Chính sách giao khoán đất lâm nghiệp vẫn còn điểm nghẽn

Theo báo cáo mới nhất từ Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp tại các công ty lâm nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực, thu hút nguồn lực xã hội và thúc đẩy các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp.

Nghiên cứu được thực hiện từ ngày 5/2 đến 23/3/2025 tại 26 công ty lâm nghiệp thuộc 7 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm Bắc Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai và Cà Mau. Tổng diện tích đất lâm nghiệp do các công ty này quản lý lên tới 290.008,19 ha trên tổng số 292.632,47 ha.

Đáng chú ý, đã có 21 công ty thực hiện giao khoán 121.722,59 ha đất lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ 41,59%. Hình thức khoán đa dạng, trong đó khoán hàng năm chiếm tỷ lệ cao nhất (52,51%), tiếp theo là khoán 20 năm (28,04%), khoán theo chu kỳ sản xuất (8,13%), khoán theo công đoạn sản xuất (8,18%) và khoán 50 năm (3,1%).

Kết quả khảo sát và phỏng vấn cán bộ quản lý cùng người dân tại các địa phương cho thấy, đa số đều ghi nhận chính sách giao khoán đã tạo động lực mạnh mẽ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao. Đồng thời, chính sách này cũng mở ra nhiều mô hình trồng rừng và sản xuất nông lâm kết hợp hiệu quả, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân và bảo vệ tài nguyên rừng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị, sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, các công ty lâm nghiệp toàn quốc đã thực hiện khoán trên 458.000 ha, tương đương khoảng 27% tổng diện tích được quản lý.

Chính sách giao khoán đã tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội, đặc biệt là người dân địa phương. Sự tham gia của cộng đồng cùng các công ty lâm nghiệp nhà nước và ban quản lý rừng đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đồng thời cải thiện đời sống người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách này vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế, đặc biệt trong quản lý đất đai và rừng, nhất là khi gắn với việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, quy định giao khoán đất rừng hiện tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn trên thực tế. Sự thiếu nhất quán về phạm vi, đối tượng, thời hạn, cùng với việc thiếu nguồn lực tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho người nhận khoán, đang cản trở hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp thường xuyên thay đổi, chồng lấn càng làm phức tạp tình hình.

Đáng chú ý, việc chuyển đổi diện tích rừng nông lâm kết hợp sang rừng phòng hộ chưa có hướng dẫn rõ ràng, dẫn đến tranh chấp. Nhiều công ty lâm nghiệp chưa được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tính chủ động. Tình trạng tranh chấp, sử dụng đất sai mục đích, các vấn đề về hợp đồng khoán vẫn tiếp diễn. Nhiều hộ nhận khoán còn thiếu đất ở, đất sản xuất, đời sống khó khăn.

Đẩy nhanh chuyển giao đất lâm nghiệp

Để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, các cấp, ngành đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng. Theo đó, ông Nguyễn Bá Ngãi, Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các tỉnh có công ty nông, lâm nghiệp đang phối hợp chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý thông thoáng và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình chuyển giao đất lâm nghiệp về địa phương quản lý.

Các địa phương được yêu cầu khẩn trương hoàn thành kiểm kê đất đai, thống kê người sử dụng, xây dựng phương án sử dụng đất được bàn giao và giải quyết dứt điểm các tranh chấp, lấn chiếm đất. Đồng thời, cần xử lý triệt để tình trạng cấp đất trùng, xây dựng phương án quản lý, giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends nhấn mạnh rằng, cơ hội phát triển chỉ thực sự hiện hữu khi những tồn tại trong khâu sử dụng đất, đặc biệt là các hình thức khoán, được giải quyết một cách căn bản.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, cần đổi mới công tác khoán, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý công ty lâm nghiệp Nhà nước, trao quyền chủ động giao khoán và tổ chức sản xuất kinh doanh cho các công ty, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của rừng và đất đai.

Bên cạnh đó, việc đặt hàng nhiệm vụ công ích trong bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng là yếu tố then chốt để đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái rừng. Các chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho người nhận khoán cũng cần được triển khai mạnh mẽ, giúp họ nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả.

Một giải pháp quan trọng khác là khuyến khích sử dụng đất lâm nghiệp đa mục đích và thúc đẩy hợp tác công-tư (PPP) trong phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, cần rà soát, cắm mốc và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động khoán đất.

Đối với các hợp đồng khoán 01, khoán 135 đã hết thời hạn, cần rà soát toàn bộ, xử lý dứt điểm các hợp đồng khoán ổn định lâu dài và khoán không đầu tư, đảm bảo quyền lợi của người nhận khoán.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các công ty lâm nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, rà soát các điều khoản hợp đồng theo quy định pháp luật dân sự và giải quyết tranh chấp hợp đồng khoán một cách công bằng, minh bạch.

Cuối cùng, theo ông Nguyễn Văn Tiến, việc tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng đất đai, cũng như việc thực hiện hợp đồng khoán, là vô cùng cần thiết để đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/go-nut-that-giao-khoan-dat-lam-nghiep-163372.html