Gỡ 'nút thắt' về tài sản công dôi dư sau sáp nhập

Một trong những vấn đề đông đảo cử tri tỉnh Thanh Hóa quan tâm là phương án cụ thể khắc phục tình trạng chậm trễ, lãng phí trong sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Khóa XVIII, trước những câu hỏi trực diện, thẳng thắn của đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính cùng một số sở, ngành liên quan đã chỉ rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp gỡ 'nút thắt' trong thời gian sớm nhất.

Chậm trễ do “vướng” luật

“Chậm trễ” và “lãng phí” có lẽ là từ khóa được nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa sử dụng khi chất vấn Giám đốc Sở Tài chính về vấn đề sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính. Cụ thể, chất vấn và truy vấn về tình trạng phê duyệt phương án sắp xếp tài sản dôi dư sau sáp nhập có nơi còn chậm, phải điều chỉnh nhiều lần, đại biểu Đỗ Ngọc Duy chỉ rõ cá biệt có trường hợp kéo dài gần 2 năm mới được phê duyệt. Hay, chất vấn về tình trạng 83 cơ sở nhà đất dôi dư đã được phê duyệt phương án điều chuyển, đại biểu Lê Hữu Quyền chỉ rõ thực trạng, đến nay mới thực hiện được 5 cơ sở. Còn đại biểu Trịnh Thị Hoa không ngại “điểm mặt” cụ thể một số cơ sở nhà đất dôi dư, bỏ không, dẫn đến hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố Thanh Hóa... Từ thực tế đó, các đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp cụ thể khắc phục.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ khẳng định, tình trạng chậm trễ diễn ra trong thời gian dài do quy định của pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, những bất cập, khó khăn, vướng mắc tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP là nguyên nhân chủ yếu khiến việc sắp xếp, xử lý tài sản công rất khó thực hiện. Điển hình, quy định tại Nghị định số 167 không cho phép phá dỡ, thanh lý tài sản trên đất. Tuy nhiên, khi thực hiện đấu giá các dự án thì giá trị còn lại của tài sản phải được tính vào giá trị khi đấu giá quyền sử dụng đất. Đặc biệt, tài sản dôi dư sau sáp nhập ở các huyện miền núi lại nằm ở các vùng khó khăn nên không có tính thương mại, trong khi lại phải trả tiền mua tài sản trên đất nên rất khó thu hút nhà đầu tư.

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Minh Hiếu

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Minh Hiếu

Giám đốc Sở Tài chính cũng khẳng định: Để xảy ra tình trạng chậm trễ, trách nhiệm chính thuộc về các địa phương, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản chậm rà soát tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, hoàn chỉnh hồ sơ để thực hiện sắp xếp, xử lý. Bên cạnh đó, chậm phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở thực hiện phương án “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Theo đó, Sở Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất tỉnh cũng có thiếu sót khi chưa kịp thời đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai và báo cáo kết quả thực hiện - Giám đốc Sở Tài chính thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Chủ động xây dựng các phương án xử lý tài sản công

Trong thời gian chờ các quy định của pháp luật được sửa đổi, bổ sung, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tứ cho rằng: Cấp ủy, chính quyền cấp huyện cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan rà soát lại các tài sản công dôi dư ở cấp xã, huyện, đánh giá kỹ tính khả thi của việc xử lý từng tài sản công theo phương án được duyệt hoặc đang trình duyệt. Đối với các tài sản công đã đầy đủ các điều kiện thực hiện theo phương án được duyệt thì tập trung chỉ đạo xây dựng phương án cụ thể cho từng tài sản để thực hiện. Đối với các tài sản công qua rà soát đang vướng mắc về trình tự, thủ tục, UBND cấp huyện phải chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện.

Để sớm khắc phục tình trạng chậm sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà đất dôi dư sau sáp nhập, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị: UBND tỉnh báo cáo, đề xuất các cơ quan Trung ương tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình xử lý tài sản công, như: kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP cho phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý tài sản công dôi dư theo hình thức thu hồi thuộc các dự án đấu thầu dự án có sử dụng đất; các tài sản công dôi dư của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; có quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bằng hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất khi trên đất có tài sản công; quy định hình thức thanh lý, phá dỡ sau sắp xếp đối với các tài sản công; quy định đấu giá đất sau khi đã thanh lý tài sản trên đất.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh: UBND tỉnh cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý các tài sản công trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập; Quy định về đấu giá đối với các cơ sở nhà, đất là nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố mà đất làm nhà văn hóa và tiền xây dựng từ nguồn ngân sách kết hợp nguồn đóng góp của Nhân dân, hoặc hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa; Quy định việc sử dụng tiền thu được từ đấu giá, đề xuất cơ chế hỗ trợ lại khu dân cư sau khi thực hiện tổ chức đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, phê duyệt phương án xử lý cụ thể với từng tài sản, chỉ đạo làm tốt một số trường hợp “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” để làm điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các huyện, thị, thành phố

Mỹ Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/go-nut-that-ve-tai-san-cong-doi-du-sau-sap-nhap-i380110/