Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Chiều 29.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tham dự hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Văn hóa, giáo dục; đại diện Kiểm toán Nhà nước, các Bộ Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo điều hành hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo điều hành hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã có nhiều nội dung mới, đáp ứng đúng đòi hỏi của thực tế, đặc biệt có nhiều quy định giúp đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Điều 14 về căn cứ lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, bổ sung quy định về căn cứ lập quy hoạch này dựa trên các quy hoạch đã được phê duyệt theo Luật Quy hoạch, tránh để xảy ra tình trạng có hai loại quy hoạch “chạy” song song.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội thảo

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội thảo

Về vấn đề các loại và các cấp độ quy hoạch, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần thể hiện theo hướng không phân loại quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn hay đơn vị hành chính đô thị, mà quy định trực tiếp các loại quy hoạch đô thị và nông thôn gồm quy hoạch được lập cho thành phố, thị xã, huyện, xã, thị trấn. Các ý kiến cũng nhấn mạnh, bên cạnh sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thì cũng cần rà soát quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở… để bảo đảm sự đồng bộ, khả thi khi lập các quy hoạch này.

Các đại biểu cũng góp ý về tỷ lệ bản vẽ các quy hoạch đô thị và nông thôn đối với từng đối tượng quy hoạch; về sự thống nhất giữa thời hạn và thời kỳ quy hoạch chung đô thị, nông thôn với các quy hoạch khác… Đối với thẩm quyền phê duyệt các nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn của UBND cấp tỉnh (khoản 2, Điều 41, một số ý kiến đề nghị cần quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn, quy hoạch nào thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương thì nên để địa phương chịu trách nhiệm, không phải xin ý kiến Bộ Xây dựng; Bộ Xây dựng ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn lập các loại quy hoạch, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm việc tuân thủ của các địa phương trong thực hiện công tác lập quy hoạch.

Toàn cảnh hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Toàn cảnh hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Một số ý kiến cho rằng, khi đã quy định chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước là một nguồn kinh phí để phục vụ việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thì cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát để loại bỏ cụm từ “dự án quy hoạch” trong dự thảo Luật. Bởi, theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, khi sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện công tác này thì sẽ trở thành nhiệm vụ quy hoạch.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Nguyễn Thành Công phát biểu

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Nguyễn Thành Công phát biểu

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã phát biểu làm rõ một số vấn đề được các đại biểu quan tâm. Theo Bộ trưởng, quy hoạch đô thị và quy hoạch chung đô thị có những điểm giao thoa với nhau, nhưng nếu thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 cũng đã có những điểm khác nhau giữa hai bản quy hoạch này về vị trí, vai trò của các quy hoạch; các tiêu chí kinh tế kỹ thuật được áp dụng; nội dung, thời hạn, thời kỳ của quy hoạch… Mặt khác, tại Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy cũng quy định việc xây dựng, phát triển Thủ đô phải thực hiện theo quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô; Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định quy hoạch chung đô thị là cơ sở để phân bổ kế hoạch sử dụng đất, tức là quy hoạch này không chỉ giúp phân bổ không gian cho một đô thị mà còn là cơ sở xác định các chỉ tiêu sử dụng đất. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng trao đổi, làm rõ hơn các nội dung về thời hạn, thời kỳ của các loại quy hoạch; quy hoạch xã, quy hoạch chung xã; giải thích một số khái niệm tại dự thảo Luật; kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị, nông thôn…

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - kiến trúc, Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng giới thiệu về 10 nội dung lớn được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật mới nhất

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - kiến trúc, Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng giới thiệu về 10 nội dung lớn được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật mới nhất

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án luật khó, có tính chất chuyên ngành sâu, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới. Do vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các hiệp hội, chuyên gia, cơ quan chức năng ở địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật, trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp thu, nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng và yêu cầu, mục tiêu ban hành luật.

Tin và ảnh: Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/hoi-thao-lay-y-kien-ve-du-thao-luat-quy-hoach-do-thi-va-nong-thon-i382473/