Gỡ rào cản trong nghiên cứu khoa học
Nghị quyết 193/2025/QH15 (NQ 193) được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW vào thực tiễn, tháo gỡ các 'điểm nghẽn' đối với nhà nghiên cứu.

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sẽ giúp nhà khoa học giảm áp lực trong nghiên cứu
Kích thích nghiên cứu sáng tạo
TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố chia sẻ: Nghiên cứu khoa học luôn tiềm ẩn rủi ro. Đôi khi chúng ta chỉ nhìn khía cạnh thành công mà không chấp nhận các khía cạnh khác là độ trễ và sự thất bại. Trên thực tế, vẫn còn nhiều nghiên cứu không đạt như kỳ vọng hoặc không đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu đặt ra. Về mặt khoa học, đó vẫn là kết quả và có giá trị tham khảo rất cao, nhưng với xã hội và thị trường sản phẩm KHCN thì đó không phải là sản phẩm và được coi như thất bại. Theo TS. Hoàng, việc chấp nhận, "thấu hiểu" về sự rủi ro trong nghiên cứu khoa học sẽ kích thích và tạo sự hưng phấn cho những nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến.
NQ 193 được Quốc hội thông qua ngày 19/2/2025 có nêu quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Điều 4 NQ này nêu rõ, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình nghiên cứu, nội dung thuyết minh nhưng không đi đến kết quả theo dự kiến sẽ không phải trả lại kinh phí đã sử dụng. Điều này khuyến khích các nhà khoa học dám thử nghiệm những ý tưởng mới mẻ, giảm bớt lo ngại về thất bại trong nghiên cứu.
Liên quan đến quy định "mở" này, một số nhà khoa học cho rằng cần có quy định mức độ đánh giá rủi ro một cách rõ ràng, cụ thể để tránh "đánh đồng" cũng như đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. Ngay cả câu chuyện quản lý, bàn giao lại tài sản được trang bị để triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước lâu nay cũng làm các nhà nghiên cứu khoa học phải... đau đầu. Theo quy định tại khoản 1, Điều 7, NQ 193, đối với tài sản này, sau khi hoàn thành mục đích sử dụng, không chờ đến thời điểm kết thúc nhiệm vụ được xác định là tài sản được Nhà nước giao cho tổ chức chủ trì quyền sở hữu mà không cần thực hiện thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và bàn giao tài sản. Điều này giúp tháo gỡ vướng mắc, cải cách trong giải quyết các thủ tục đối với việc xử lý tài sản trang bị sau khi hoàn thành nhiệm vụ KH&CN.
Khơi thông hoạt động nghiên cứu khoa học
Một trong những đổi mới mang tính "mở" đối với nhà khoa học là khoán chi trong thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, theo Điều 6 của NQ 193 về thực hiện khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức chủ trì tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc sử dụng kinh phí khoán. Có nghĩa theo quy định này, việc khoán chi công được thực hiện trọn gói nhiệm vụ đề tài chứ không khoán chi từng hợp phần như lâu nay. Điều này giúp đơn giản hóa thủ tục tài chính và tăng tính linh hoạt cho các nhà nghiên cứu. Kinh phí này được thực hiện khoán chi, trừ kinh phí chi mua tài sản được trang bị để triển khai nhiệm vụ KH&CN, thuê dịch vụ thuê ngoài và đoàn đi công tác nước ngoài.
Nhiệm vụ KH&CN được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN có cam kết về sản phẩm của nhiệm vụ với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt được. Trên cơ sở mức kinh phí được khoán, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ còn có thể tự điều chỉnh các nội dung chi, được quyết định việc sử dụng kinh phí từ công lao động để thuê chuyên gia trong và ngoài nước theo mức kinh phí thỏa thuận...; chịu trách nhiệm giải trình khi cơ quan chức năng yêu cầu. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, chính sách mới này giúp các nhà khoa học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện, tạo thuận lợi trong hồ sơ thanh quyết toán cho việc khoán chi công thuê chuyên gia và công lao động.
NQ 193 còn quy định ưu tiên việc cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước thông qua các quỹ phát triển KH&CN, thay vì phân bổ trực tiếp. Thực tế, từ năm 2016 đến nay, thành phố Huế đã triển khai cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo cơ chế quỹ trước khi NQ 193 ra đời. Chính sách mới này sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu tiếp cận nguồn tài trợ từ các quỹ phát triển KH&CN của Nhà nước để triển khai nhiệm vụ KH&CN. Đồng thời, cơ chế này giúp việc quản lý và phân bố kinh phí trở nên hiệu quả và minh bạch hơn, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của KH&CN thành phố Huế nói riêng và cả nước nói chung.