Gỡ thẻ vàng, bảo đảm sinh kế ngư dân là nhiệm vụ cấp thiết

Để nguồn lợi hải sản được bảo vệ, duy trì, Việt Nam cần có nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng khai thác tận diệt, hủy diệt, ô nhiễm môi trường biển…

Việt Nam (VN) đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản. Một trong những khuyến nghị quan trọng của châu Âu và các chuyên gia là phải bảo vệ và tái tạo nguồn lực hải sản đang có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, “bài toán” bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng rất quan trọng và cấp thiết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo VN, đề xuất một số giải pháp thực hiện các nhiệm vụ này.

PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo VN

PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo VN

Nguồn lực hải sản đang cạn kiệt

. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc đánh bắt hải sản hiện nay ở VN?

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Chúng ta đều biết rằng những năm 1970-1980 biển VN nhiều tôm, cá và các loài hải sản khác ra sao, hiện nay biển của ta cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ra sao.

Trước đây, tàu công suất nhỏ đánh bắt được rất nhiều cá và cá rất to. Bây giờ chúng ta phải đóng các tàu mới, đắt tiền, tàu của chúng ta phải đi rất xa, tốn rất nhiều dầu mà chỉ khai thác được rất ít hải sản. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, năm 1991, năng suất khai thác thủy sản của VN là 1,1 tấn/CV/năm, đến năm 2010 giảm còn 0,37 tấn/CV/năm và đến năm 2020 còn có 0,26 tấn/CV/năm.

Ngoài đánh bắt quá mức, một số người còn sử dụng các ngư cụ và hình thức đánh bắt trái phép, bị cấm như nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông) tại vùng ven bờ và vùng nước nội địa, sử dụng lưới có mắt quá nhỏ. Thậm chí một số người còn sử dụng thuốc nổ, đèn pha công suất lớn, xiệc điện, te điện, thuốc độc xyanua để đánh bắt hải sản. Các hình thức đánh bắt hải sản sử dụng ngư cụ như thế này gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản, hệ sinh thái. Ngoài ra, nhiều loài thủy sản bị đánh bắt vào mùa chúng đẻ trứng, trứng nở ra con non nên tận diệt các thế hệ thủy sản mới.

Chúng ta khai thác cả những loài hải sản khi chúng còn rất nhỏ, ví dụ con ghẹ chỉ nhỏ bằng đồng xu; con cá thu, cá hố chỉ nhỏ bằng hai ngón tay. Khai thác như vậy thì còn đâu hải sản để chúng ta đánh bắt?

Đánh bắt vượt quá 1,5 lần nguồn lực cho phép Theo tính toán của Tổng cục Thủy sản, lượng hải sản có tiềm năng khai thác hằng năm ở vùng biển VN chỉ 2,27-2,63 triệu tấn/năm. Lượng hải sản đánh bắt ở vùng biển VN hiện nay đang ở mức lớn gấp gần 1,5 lần lượng hải sản có thể đánh bắt. Việc đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy sản đã làm biển VN cạn kiệt cá, tôm và các loại hải sản khác.

Để bảo đảm sinh kế cho bà con ngư dân, các cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt hơn việc quản lý nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Ảnh: THANH NHẬT

Để bảo đảm sinh kế cho bà con ngư dân, các cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt hơn việc quản lý nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Ảnh: THANH NHẬT

Cân bằng sinh kế và bảo vệ hệ sinh thái biển

. Để nguồn lực hải sản có thể được duy trì và phát triển ổn định, hoạt động đánh bắt hải sản cần phải lưu ý vấn đề gì?

+ Muốn phát triển trong biển, hải sản cần có các bãi đẻ an toàn, có thể che giấu trứng, con non, có đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng các con non cũng như các con trưởng thành, có nơi sống để trốn khi bị các loài khác săn mồi và để nấp rình, săn mồi. Có rất nhiều loài cá, tôm và các hải sản khác trong biển; mỗi loài có vai trò khác nhau để duy trì một hệ thống khỏe mạnh, tức là các loài hải sản khỏe mạnh, phát triển bình thường. Các loài hải sản cùng với môi trường xung quanh tạo ra các hệ sinh thái biển. Có nhiều hệ sinh thái biển khác nhau.

Các hệ sinh thái biển quan trọng nhất là rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển. Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy rằng nếu ta có các hệ sinh thái rừng ngập mặn, san hô, thảm cỏ biển khỏe mạnh, có đầy đủ các loài sinh vật biển sống thì ta sẽ có nhiều cá, tôm và các loài hải sản khác ở vùng biển lân cận. Như vậy, công tác bảo tồn biển, bảo vệ các hệ sinh thái sẽ giúp chúng ta duy trì nguồn lợi thủy sản.

Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 trực tiếp phát tờ rơi tuyên truyền các quy định tới ngư dân. Ảnh: TTXVN

Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 trực tiếp phát tờ rơi tuyên truyền các quy định tới ngư dân. Ảnh: TTXVN

. Vậy để bảo đảm sinh kế cho bà con ngư dân trong quá trình VN đang giải quyết các vấn đề nhằm tháo gỡ thẻ vàng hải sản, đâu là những giải pháp quan trọng?

+ Tôi đã rất vui mừng khi Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển thủy sản VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rất cảm ơn các đồng nghiệp tại Tổng cục Thủy sản, tại Bộ NN&PTNT đã xây dựng chiến lược này.

Để bảo đảm sinh kế cho bà con ngư dân, các cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt hơn việc quản lý nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Việc quản lý nguồn lợi thủy sản chỉ có thể thực hiện được nếu có sự tham gia tích cực của bà con ngư dân. Các quy định luật pháp, các chính sách khai thác thủy sản bền vững của VN hiện nay đã khá đầy đủ.

Nếu bà con tuân thủ tốt các quy định pháp luật về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, không sử dụng các ngư cụ và các hình thức đánh bắt thủy sản bị cấm, không đánh bắt các loài thủy sản được bảo vệ trong mùa sinh đẻ của chúng, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển theo quy định của pháp luật VN thì chắc chắn nguồn lợi hải sản VN sẽ phục hồi. Từ đó, bà con có thể khai thác, nuôi trồng thủy sản ở thế hệ này và các thế hệ mai sau.

. Xin cảm ơn ông.

. Phóng viên: Theo ông, đâu là vấn đề cần chú tâm liên quan đến việc ô nhiễm môi trường biển hiện nay?

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Vấn đề ô nhiễm môi trường biển do chúng ta chưa quản lý tốt các nguồn thải trên bờ. Nhiều người vứt rác xuống biển. Hiện tượng này không chỉ xảy ra với người sinh sống trên bờ biển mà còn xảy ra với nhiều ngư dân. Ô nhiễm biển, mà quan trọng nhất là ô nhiễm rác thải nhựa và chất dinh dưỡng đã tàn phá các hệ sinh thái biển, làm chết nhiều loài sinh vật biển và làm nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Ô nhiễm biển cũng bị gây ra bởi thức ăn thừa sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Ô nhiễm biển thường tạo ra hiện tượng thiếu ôxy, làm hải sản nuôi trồng chết hàng loạt. Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay ở VN cũng rất nghiêm trọng. Nếu không có các biện pháp quyết liệt, chúng ta sẽ chẳng còn gì để đánh bắt cho tương lai và con cháu chúng ta sẽ rất khó khăn.

*****

“Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với Bà Rịa-Vũng Tàu:

Tọa đàm chung tay tháo gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt

Hôm nay (10-6), chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” sẽ đến với bà con ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Điểm nhấn của chương trình lần này là báo Pháp Luật TP.HCM sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức buổi tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt” tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tọa đàm là diễn đàn để các ngư dân, chuyên gia hàng đầu về Luật Biển, nhà quản lý và lực lượng thực thi luật pháp trên biển phân tích thực trạng, đóng góp ý kiến, kiến nghị các giải pháp để hưởng ứng kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng đã ban hành.

Tọa đàm còn có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về Luật Biển như GS-TS - đại sứ Nguyễn Hồng Thao (thành viên Ủy ban Lập pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc), PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo VN, thành viên nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên Hợp Quốc), ThS Hoàng Việt (chuyên gia Luật Biển quốc tế, ĐH Luật TP.HCM) và đông đảo bà con ngư dân địa phương.

Cùng ngày, ban tổ chức chương trình cũng có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, tặng 200 bộ quà tặng cho ngư dân (gồm: Bình ắcquy + đèn Led + túi thuốc với những loại thuốc cần thiết, cùng cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” do báo Pháp Luật TP.HCM chủ biên).

Chương trình còn trao tặng 30 suất học bổng (mỗi suất 2 triệu đồng) cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó, học giỏi. Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực, Chủ tịch danh dự của chương trình; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Nghề cá Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan thực thi pháp luật trên biển.

Cùng với đó là sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; đại diện các sở, ban ngành, huyện, TP trong tỉnh.

*****

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

GS-TS NGUYỄN HỒNG THAO

Nỗ lực hoàn thiện pháp lý của Việt Nam trong chống đánh bắt cá trái phép

Hệ thống pháp luật về thủy sản của Việt Nam (VN) đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Trong đó, Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017 nêu rõ 14 hành vi bị coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đây được coi là khung pháp lý để thực thi và hợp tác cùng các nước trong khu vực, các tổ chức nghề cá khu vực đấu tranh phòng, chống IUU. Từ đó, giúp VN chủ động tránh các thẻ đỏ, thẻ vàng IUU, nâng cao năng suất khai thác và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác có nguồn gốc, phát triển nền thủy sản VN một cách bền vững.

Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, VN đã ban hành 11 văn bản liên quan đến xuất nhập khẩu thủy sản khai thác phù hợp với các quy định phòng, chống IUU. Việc triển khai bước đầu đã có nhiều cố gắng, tiến bộ.

VN cũng tăng cường kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ tàu nước ngoài cập cảng vào VN; cải thiện quy trình để đảm bảo kiểm soát quy trình truy xuất nguồn gốc tại nhà máy chế biến và giám sát nguyên liệu được chứng nhận được sử dụng trong các nhà máy… Những điều này đã giúp làm giảm các lô hàng bị cảnh báo từ phía Ủy ban châu Âu (EC).

Chúng ta đã rất tích cực trong đàm phán phân định biển với các nước; tăng cường tuyên truyền về biển, đảo, về các vùng biển chồng lấn, giáp ranh hoặc đang có tranh chấp để ngư dân không vi phạm vùng biển của nước khác khi đánh bắt hải sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tàu vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, VN đã ký bốn điều ước quốc tế và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến thủy sản và hợp tác hàng hải với các nước trong và ngoài khu vực. Các thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng trong hoạt động khai thác thủy sản cũng được ký kết, như thỏa thuận với Úc và Brunei về phòng, chống IUU; thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc năm 2013, Philippines năm 2015 về các sự cố bất ngờ trong hoạt động khai thác trên biển…

VN còn tích cực tham gia vào các sáng kiến khu vực, các diễn đàn đa phương để trao đổi thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống IUU. Chính những điều này đã thể hiện thiện chí và quyết tâm của VN trong việc giảm thiểu và tiến tới loại bỏ IUU…

Dù vậy, vẫn còn một số hạn chế như công tác phối hợp thực hiện giữa các địa phương, bộ, ngành còn chậm; một số địa phương, người dân, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống IUU. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác giữa các địa phương chưa đồng đều; việc kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu còn hạn chế trong khâu kiểm tra thực tế trên tàu. Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống IUU vẫn chưa toàn diện nên còn gặp nhiều khó khăn...

****

ThS HOÀNG VIỆT, ĐH Luật TP.HCM:

Nguyên nhân VN bị xếp hạng IUU cao

Là một quốc gia ven biển đang phát triển, cũng giống như nhiều quốc gia khác, VN bị đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cao trên thế giới. Theo đánh giá của IUU Fishing Index 2021, hiện VN có chỉ số IUU là 2,48, cao hơn mức bình quân 2,24 của thế giới và đứng thứ sáu trên thế giới.

Nguyên nhân là do VN còn có các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định rõ ràng với các quốc gia láng giềng và hiện VN chỉ có một số thỏa thuận về khai thác thủy sản chung trên các vùng biển chồng lấn với các nước láng giềng, còn đa phần là chưa có. Chưa kể, khi được phép khai thác thủy sản trên các vùng biển chồng lấn, ngư dân phải tuân thủ những quy định chung về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trên nguyên tắc phát triển bền vững.

Một nguyên nhân khác là các vùng biển chồng lấn này là một phần trong các ngư trường truyền thống, trọng điểm trong khai thác và đánh bắt xa bờ của ngư dân VN. Tuy nhiên, do những tranh chấp về chủ quyền nên nhiều trường hợp ngư dân VN đánh bắt cá trong vùng biển mà VN tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán nhưng vẫn bị các quốc gia láng giềng cho là đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của họ.

Theo thống kê của Lực lượng Cảnh sát biển, chỉ trong tháng 4 và tháng 5-2020 đã có 108 tàu cá VN khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý, trong đó chủ yếu là tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang và Tiền Giang. Khu vực bắt giữ thường xảy ra ở các vùng biển giáp ranh với Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Nguồn PLO: https://plo.vn/go-the-vang-bao-dam-sinh-ke-ngu-dan-la-nhiem-vu-cap-thiet-post737247.html