Gỡ 'thẻ vàng' IUU - Bài cuối: Nỗ lực của Việt Nam từ góc nhìn quốc tế

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, đợt thanh tra sắp tới của EC dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024 sẽ tiếp tục là một cơ hội để Việt Nam chứng minh cam kết chính trị mạnh mẽ của mình.

Tàu cá của ngư dân hoạt động trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Tàu cá của ngư dân hoạt động trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Qua gần 7 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh báo vi phạm liên quan tới khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để từng bước hoàn thiện các tiêu chí của châu Âu, tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU trong lần kiểm tra mang tính quyết định sắp tới.
EC ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam

Chuyên gia James Borton, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Đối ngoại thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao Paul H. Nitze (SAIS) của Đại học Johns Hopkins, nghiên cứu về tình hình an ninh môi trường tại Biển Đông khẳng định: “Chính quyền Việt Nam đã thể hiện sự thiện ý và sẵn sàng tăng cường các khuôn khổ pháp lý, cũng như cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong việc kinh doanh các sản phẩm thủy hải sản. Những cam kết này cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác để giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến IUU.”

Theo ông Borton, ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam, cho nên việc bị áp “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang châu Âu. Do đó, Việt Nam đã khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU, quản lý chặt chẽ việc khai thác hải sản ở các vùng biển của mình, đặc biệt khi mà Biển Đông - một trong những ngư trường lớn nhất thế giới - hiện đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn cá.

Tàu cá neo đậu trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Tàu cá neo đậu trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan

Giám đốc điều hành WCPFC nhấn mạnh một số yếu tố chính giúp các quốc gia chống lại đánh bắt IUU hiệu quả, bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cho các thế hệ tương lai. Đó là sự phối hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành; sự hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển quốc gia, thanh tra cảng và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực; sự hợp tác với các nước láng giềng để chia sẻ các thông lệ tốt nhất về cách tiếp cận chống đánh bắt IUU và trao đổi thông tin về các mối đe dọa trên biển.

Phó Chủ tịch EuroCham phụ trách chính sách Jean-Jacques Bouflet cho biết EuroCham sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến việc cải thiện giám sát truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và phát triển bền vững, đồng thời mong muốn hợp tác và tham gia tích cực hơn với các bên liên quan như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) để đảm bảo rằng các thành viên của VASEP khi thu mua các sản phẩm để tái xuất khẩu sang châu Âu, họ có thể tự rà soát lại nguồn gốc của các sản phẩm đó có được khái thác hợp pháp hay không. Trong tháng 10/2024, EuroCham sẽ tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm trao đổi những biện pháp giúp phát triển nghề cá một cách bền vững.

Trong khi đó, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao Paul H. Nitze (SAIS) của Đại học Johns Hopkins, James Borton, gợi ý rằng Việt Nam có thể một lần nữa đi đầu trong việc dẫn dắt các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của các Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực (RFMO) và các nước láng giềng trong khu vực tổ chức các hội thảo nhằm chia sẻ các thông lệ tốt nhất trong quản lý phát triển nghề cá bền vững.

Ông Borton nhấn mạnh phát triển ngành thủy sản là ưu tiên hàng đầu để các nước ASEAN đẩy mạnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Đã đến lúc các quốc gia Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam, cần đổi mới trọng tâm phát triển, trong Kế hoạch Hành động Chiến lược về Hợp tác Nghề cá ASEAN 2021-2025.

Xét cho cùng, việc chống khai thác, đánh bắt IUU đòi hỏi sự tham gia nỗ lực chung của tất cả các bên, đặc biệt là ý thức của ngư dân và cộng đồng nghề cá nói chung.

Linh Hà – Bích Hường/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-the-vang-iuu-bai-cuoi-no-luc-cua-viet-nam-tu-goc-nhin-quoc-te/345917.html