Chuyển đổi tư duy là then chốt cho nông nghiệp Việt Nam

Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng 'xanh', ít phát thải và bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, vai trò của các đối tác quốc tế, trong đó có FAO, là vô cùng quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm việc với đoàn lãnh đạo cấp cao của FAO

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm việc với đoàn lãnh đạo cấp cao của FAO

Ngày 6/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO).

Trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, các nguồn hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính quốc tế cho ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng ít và khó khăn, sự ủng hộ, hỗ trợ của FAO cho các dự án, các chương trình, sáng kiến khu vực và toàn cầu, các hợp tác kỹ thuật trực tiếp của FAO cho Việt Nam là rất cần thiết.

FAO là đối tác quan trọng

Tại cuộc Hội đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã khẳng định, FAO là "đối tác quan trọng" trong số các cơ quan hợp tác kỹ thuật của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cho ngành nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

Trong suốt tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam đã có một phần to lớn đóng góp tích cực của các đối tác, bạn bè quốc tế, trong đó có tổ chức FAO, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là mục tiêu SDG1 và SDG2.

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 11,86% GDP của quốc gia và tạo việc làm cho gần 30 % lao động.

Theo ông Khuất Đông Ngọc, chuyển đổi tư duy chính là yếu tố then chốt để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Các bước tiếp theo cần hướng đến phát triển đồng bộ các ngành hàng, từng bước xây dựng nền kinh tế nông nghiệp xanh, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Ông Khuất Đông Ngọc cho rằng, mỗi nền nông nghiệp thịnh vượng đều bắt đầu từ các sản vật địa phương như OCOP, nâng cao giá trị ngành hàng, rồi tiến tới xây dựng những “đô thị xanh” tại làng quê. Đó là ba những cột mốc quan trọng giúp cải thiện an sinh xã hội cho người dân nông thôn.

Hiện Việt Nam đang tiến hành quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, có tính đến các yếu tố mới nảy sinh như tự do hóa thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh và kiểm soát thất thoát lương thực.

Trong khuôn khổ Ngày Lương thực Thế giới 2024, 45 đối tác trong và ngoài nước đã cùng ký kết Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm tại Việt Nam, khẳng định cam kết chung vì một nền nông nghiệp bền vững.

Nông nghiệp Việt Nam đang tích cực chuyển đổi theo hướng “xanh”, ít phát thải và bền vững. Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", với mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Ông Khuất Đông Ngọc khuyến nghị rằng, sau bước đầu thành công chuyển đổi xanh ngành hàng lúa gạo, Việt Nam có thể nhân rộng mô hình sang các ngành hàng khác như nông sản, lâm nghiệp và thủy sản.

Hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào Hợp tác Nam-Nam

Ông Lê Minh Hoan đề nghị FAO phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng các dự án, chương trình hợp tác cụ thể nhằm huy động nguốn vốn từ các nhà tài trợ, các Quỹ tài chính khí hậu, góp phần hỗ trợ triển khai các chương trình, kế hoạch của Chính phủ trong các lĩnh vực canh tác lúa, trồng trọt, phát triển thủy sản bền vững, chăn nuôi, lâm nghiệp.

FAO và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Nam - Nam

FAO và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Nam - Nam

Sát cánh cùng Việt Nam trong việc triển khai Kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, phát triển nông nghiệp sinh thái, ít phát thải.

Việt Nam cũng muốn muốn FAO chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và ứng dụng khoa học công nghệ trên toàn chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực, nhất là trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch nông nghiệp, quản lý dịch bệnh, quản lý tài nguyên, quản lý nguồn nước xuyên biên giới; hỗ trợ xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm của Việt Nam.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình hợp tác Nam – Nam, hợp tác Ba bên với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế song phương và đa phương. Đề nghị FAO là cầu nối để huy động tài chính cho các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam có thể hướng dẫn, làm mô hình trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm với các nước Châu Phi thông qua hợp tác Nam-Nam. Việt Nam sẵn sàng thành lập Trung tâm hợp tác Nam – Nam cho vùng châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Khuất Đông Ngọc khẳng định, FAO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào Hợp tác Nam-Nam, bởi điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho cả các quốc gia thuộc khu vực Nam bán cầu.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-tu-duy-la-then-chot-cho-nong-nghiep-viet-nam-160277.html