Gỡ vướng dạy học tích hợp
Sau 2 năm dạy học tích hợp ở bậc THCS theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ GD&ĐT thừa nhận có 'điểm khó, vướng, nghẽn' và dự kiến điều chỉnh trong thời gian sắp tới.
Chương trình GDPT 2018 áp dụng ở bậc THCS, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử - Địa lý trở thành môn học tích hợp. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai đối với lớp 6, lớp 7 và năm học 2023-2024 áp dụng lớp 8 đã có nhiều ý kiến kêu khó từ giáo viên, nhà trường. Giáo viên đơn môn không thể dạy kiến thức đa môn, gây thiệt thòi cho học sinh.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), bà Văn Liên Na, cho rằng, với thực tế “đi chợ đến giữa đường” như hiện nay quay về đơn môn hay tiếp tục duy trì, chờ đào tạo đội ngũ đều là việc rất khó khăn. Các trường sư phạm đào tạo đội ngũ mất khoảng 3-5 năm mới có các lứa giáo viên dạy tích hợp ra trường. Cách dạy “giật gấu vá vai” như hiện nay không đạt được mục tiêu, ý nghĩa của dạy học tích hợp.
“Bộ GD&ĐT cần phải tính toán sửa nội dung SGK, thậm chí cả chương trình phù hợp tình hình thực tiễn bao gồm cả yếu tố đội ngũ, cơ sở vật chất. Khi chỉnh sửa, các tác giả cần có thực nghiệm ở các trường học, lắng nghe ý kiến của các nhà giáo để hiểu rõ thực tế”, bà Na nói.
Thúc đẩy giáo viên tự đổi mới
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống giáo dục Học mãi cho rằng: “Không thể có ngay hàng trăm ngàn giáo viên mới để thay thế, cũng không thể thay thế bằng cách cho cả trăm ngàn giáo viên nghỉ việc. Do đó, chỉ có phương án là giáo viên phải thông suốt để bắt nhịp với đổi mới”.
Theo thầy Ngọc, nguyên nhân dạy học tích hợp không hiệu quả thời gian qua là do tập huấn đội ngũ tương đối hình thức, chưa hiệu quả. Chương trình mới nhưng mỗi tỉnh cử đội ngũ cốt cán đi tập huấn trong thời gian ngắn sau đó về tập huấn lại cho đội ngũ ở cơ sở. Kiến thức cũng theo từng cấp bị rơi rụng hoặc “tam sao thất bản”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, dạy học tích hợp là điểm mới, điểm khó, vướng, nghẽn trong việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thời gian qua. Căn cứ vào thực tế, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS theo hướng tốt hơn, hiệu quả hơn cho chương trình mới.
Thầy Ngọc cho rằng, SGK hiện tổ hợp kiến thức 3 môn, người viết sách viết theo đơn môn, riêng lẻ. Như vậy, ngay cả SGK cũng chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu tích hợp. Tuy nhiên, đặc thù của khoa học tự nhiên là dù có cố gắng đến đâu các môn học cũng có sự phân tách, không tích hợp một cách nhuần nhuyễn, hòa trộn vào nhau được. “Trường hợp Bộ GD&ĐT nghiên cứu để có chỉnh sửa một cách hợp lý về SGK, nên chăng nên điều chỉnh ở lớp 9, bậc cuối cấp trong năm học tới, tuy nhiên vẫn nên giữ phương thức dạy tích hợp. Khi nghiên cứu SGK ở bậc THCS, chương trình lớp 6, lớp 7 kiến thức khá đơn giản, chỉ có lớp 8 bắt đầu chuyên sâu. Song song đó, cần có chính sách khuyến khích đội ngũ học tập, bồi dưỡng như: cho tiền đi bồi dưỡng, dạy tích hợp 3 môn sẽ có thêm phụ cấp… Đồng thời, các địa phương, trường học phải tăng cường đầu tư thiết bị dạy học, hỗ trợ mới mang lại hiệu quả cao”, thầy Ngọc nói.
Trao đổi về vấn đề dạy học tích hợp thế nào cho hiệu quả, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho biết, hầu hết các chương trình tiên tiến trên thế giới đối với giáo dục phổ thông hiện nay chọn cách dạy học tích hợp.
Nội dung dạy học tích hợp hay môn học tích hợp sẽ không thực sự hiệu quả, nếu cách dạy của giáo viên không thay đổi và điều kiện dạy học không được đảm bảo. Bà Thơ cho rằng, cần quyết liệt đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho giáo viên. Đặc biệt, tạo niềm tin, động lực cho học sinh và giáo viên về ý nghĩa của việc dạy học tích hợp.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/go-vuong-day-hoc-tich-hop-post1564107.tpo