Gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công

Theo số liệu thống kê về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đến hết tháng 8, kết quả giải ngân đạt 39,15% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (40,6%), trong đó, 42/51 cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.

Tại Diễn đàn Kinh tế- Xã hội diễn ra mới đây, thông tin về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ cũng tổ chức hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình trọng điểm quốc gia.

Ảnh: baochinhphu.vn

Ảnh: baochinhphu.vn

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng tiến hành giám sát, khảo sát đối với vấn đề này. Trong đó, đối với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến nay vẫn còn một số đoạn chưa giải phóng mặt bằng; một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa bàn giao cho nhà thầu, khối lượng giải ngân đạt trên 50%, chậm so với tiến độ đề ra. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là định mức đơn giá kỹ thuật lạc hậu, giá nguyên vật liệu tăng cao, có những nguyên vật liệu tăng tới 20-25%. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tổng hợp về sự biến động của giá nguyên vật liệu để có giải pháp không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản kiến nghị gửi tới Chính phủ, trong đó nhấn mạnh đây là bài học để triển khai các công trình quan trọng quốc gia của giai đoạn 2021 -2026. Các địa phương phải công bố định mức các đơn giá hằng tháng, thay vì 3 tháng như hiện nay để đơn giá sát với thực tế, tạo điều kiện cho công tác thanh quyết toán, tháo gỡ khó khăn của nhà thầu. Đối với những lĩnh vực chưa có đơn giá, định mức kỹ thuật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ đề nghị Bộ Xây dựng sớm xây dựng và ban hành.

Chia sẻ từ phía nhà thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam chỉ ra nghịch lý là tại sao các doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng khá mạnh nhưng giải ngân đầu tư công lại không thể nhanh mặc dù tiền có dư. Ông Hiệp cho rằng đây là điều tưởng chừng như vô lý nhưng lại đang tồn tại trong thực tế hiện nay, vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét để có giải pháp vướng mắc về thủ tục đầu tư và thanh toán. Ông Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc khá quyết liệt; gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải có cơ chế chỉ định thầu với gói thầu trên 3.000 tỷ nhưng hiện nay, số nhà thầu Việt Nam có thể thực hiện được các tiêu chí để thực hiện cơ chế chỉ định thầu cũng không quá được 50 nhà thầu.

“Cho nên, dù chúng ta có nhiều gói thầu nhưng nhà thầu đạt được tiêu chí cũng không nhiều. Các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn hết sức cồng kềnh mà chưa có cơ chế, quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn. Vấn đề thứ hai là hiện nay, các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang rất khó khăn do đơn giá định mức còn quá lạc hậu, bất cập. Có những đơn giá đưa ra chỉ bằng 1/3 so với thực tế thực hiện”, ông Hiệp cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hiện đang có tâm lý e ngại không muốn nhận các gói đầu tư công. Đây là một nghịch lý, bởi vì không có nhà thầu, công ty xây dựng nào lại chê công ăn việc làm nhưng vì cơ chế, vì giá, định mức rất khó thực hiện. Bởi vậy, cần sớm có cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên. Được biết, trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công của cả nước còn thấp, Chính phủ đã phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó nghiêm khắc phê bình 12 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch; yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định, đồng thời khẩn trương có giải pháp khắc phục. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách cụ thể các bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân 8 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Theo đó, Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022 giải ngân tối thiểu đạt 50%. Để đạt được mục tiêu này, nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, có nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/go-vuong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-i668452/