'Gỡ vướng' quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách nào?

Thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 75% sau 3 quý, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi quy định theo hướng tổng số tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 4 quý không thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm.

Theo Nghị định 126 ban hành tháng 10/2020, doanh nghiệp phải tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của 3 quý đầu năm không thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cả năm.

Tuy nhiên, chính sách này khiến phía doanh nghiệp rất e ngại. Bởi, cuối tháng 10, doanh nghiệp vẫn còn mùa kinh doanh cao điểm vào cuối năm nên rất khó ước tính được doanh thu cũng như thuế phải nộp của cả năm.

Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi quy định theo hướng tổng số tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 4 quý không thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm.

Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi quy định theo hướng tổng số tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 4 quý không thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm.

Sau khi ghi nhận phản hồi từ doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đánh giá quy định này chưa hợp lý và gây nhiều vướng mắc. Vì thế, trong dự thảo Nghị định mới, cơ quan này đề xuất sửa đổi thành: tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế còn lại khi trích lập các quỹ đã tạm nộp của 4 quý không thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021 trở đi.

Bên cạnh đó, dự thảo của Bộ Tài chính cũng điều chỉnh một số nội dung khác liên quan đến hóa đơn điện tử, thu thuế thương mại điện tử và thu thuế với cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu...

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất lùi thời hạn áp dụng chính sách "tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức, nhận thưởng bằng chứng khoán" sang đầu năm 2023.

Dù mới chỉ là đề xuất của Bộ Tài chính, nhưng khi tiếp nhận thông tin này, các doanh nghiệp “giải tỏa” được lo lắng. Trao đổi với VnBusiness, chị Mai Thị Loan, Kế toán trưởng một công ty cổ phần chuyên về thiết bị điện ở Hà Nội chia sẻ, chi phí kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận suốt 2 năm nay gần như do... dịch COVID-19 quyết định. Nếu nộp ít, doanh nghiệp lo bị phạt chậm nộp, còn nếu xoay tiền nộp nhiều sẽ bị thiệt. Trong khi đó, doanh nghiệp đang cần tiền để đầu tư, khôi phục sản xuất kinh doanh giai đoạn hậu dịch.

"Nếu quy định tạm nộp thuế thu nhập được “gỡ bỏ” sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh mà không còn lo bị phạt tiền chậm nộp", chị Loan nói.

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Minh Hưng cho hay, dù hiện nay nền kinh tế đang phục hồi, các hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại, tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 lớn, nhưng dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Doanh thu của doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh, ngay cả nhân công cũng bị tác động rất lớn do dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh rất khó lường.

“Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 75% sau 3 quý và sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn là tin vui đối với các doanh nghiệp”, ông Minh nói.

Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế), cho biết Tổng cục Thuế cũng đang soạn thảo để trình Bộ Tài chính, từ đó trình Chính phủ sửa đổi quy định tạm nộp thuế theo hướng lùi thời hạn tạm nộp đến thời điểm nộp báo cáo tài chính quý IV của doanh nghiệp, thay vì ngày 30/10 như quy định hiện hành.

Bà Hải cho rằng, lấy mốc nộp báo cáo tài chính của quý IV để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của một năm theo đúng kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế. Thông thường, báo cáo tài chính quý IV có hạn nộp là 20/1 năm sau hoặc là ngày cuối cùng của tháng 1 nếu là các tổ chức tín dụng.

Do vậy, về "đạo lý", Cục Thuế các tỉnh sẽ không hối thúc doanh nghiệp, bởi các doanh nghiệp vừa mới hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại sau khi trải qua đợt dịch COVID-19 kéo dài.

Nhìn nhận những bất cập này, hồi cuối năm ngoái, Hội Tư vấn thuế đã đưa ra giải pháp "gỡ vướng" cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo hài hòa và phù hợp với luật. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tính toán số thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý thực tế phát sinh. Đối với những doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính quý thì căn cứ vào báo cáo tài chính quý và pháp luật về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý.

Đối với những doanh nghiệp không phải lập báo cáo tài chính quý thì căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp từng quý theo quy định.

“Số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý tối thiểu bằng 80% số thuế phát sinh quý theo các dữ liệu trên. Trường hợp doanh nghiệp nộp thấp hơn 80% thì tính tiền chậm nộp theo thời hạn nộp thuế của từng quý (ngày cuối cùng của tháng đầu tiên quý tiếp theo...) nhằm tránh doanh nghiệp cố tình dồn nộp vào cuối năm, đầu năm sau hoặc bị tính tiền chậm nộp trên số thuế chưa phát sinh”, đại diện Hội Tư vấn thuế đề xuất.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/go-vuong-quy-dinh-tam-nop-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-bang-cach-nao-1083764.html