Gỡ vướng thủ tục về đất đai: Cần lắng nghe người dân để hoàn thiện chính sách

Hiện nay, nhiều thủ tục đất đai đã được đơn giản hóa quy trình, song việc nhận thừa kế, cho tặng, cấp đổi giấy chứng nhận, chia tách thửa… của người dân vẫn gặp vướng mắc.

Không ít trường hợp bị kéo dài bởi cách hiểu khác nhau giữa các địa phương, sự chồng chéo trong quy định. Bởi vậy, những phản ánh, kiến nghị của người dân rất cần được lắng nghe, kịp thời điều chỉnh để chính sách hoàn thiện hơn.

Hướng dẫn thủ tục về đất đai cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, chi nhánh Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Quang

Hướng dẫn thủ tục về đất đai cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, chi nhánh Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều thủ tục vẫn gặp khó khăn

Ông Đặng Văn Chuyền ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức) chia sẻ: “Tôi vừa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Sau khi nộp đủ tiền theo thông báo thuế, tôi vẫn phải đến cơ quan thuế để xin xác nhận đã nộp, rồi mới được làm tiếp các bước trong khi hệ thống hoàn toàn có thể tự động cập nhật thông tin này".

Còn tại quận Hà Đông, một trong những vướng mắc kéo dài nhiều năm là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Hải ở phường Đồng Mai phản ánh: “Gia đình tôi và nhiều hộ dân khác đã chờ gần 10 năm nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc ghi "tạm thu" trên phiếu xác định nghĩa vụ tài chính đối với các khu đất dịch vụ do Ban Quản lý dự án quận Hà Đông phát hành từ nhiều năm trước càng làm thủ tục rơi vào bế tắc. Nhiều người dân rất vất vả mới tới bước cuối cùng là thực hiện nghĩa vụ tài chính để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì hai chữ "tạm thu" mà nhiều trường hợp trở nên rất phức tạp...".

Thực tế, nhiều bước trong quy trình thủ tục đất đai liên quan chặt chẽ về mặt pháp lý với nhau nhưng lại bị xử lý như các khâu riêng biệt khiến người dân phải chuẩn bị hồ sơ nhiều lần.

Bà Ngô Bích Liên ở phường La Khê (quận Hà Đông) phản ánh, anh chị em trong gia đình bà đều đến văn phòng công chứng từ chối nhận tài sản thừa kế, thống nhất để một người đại diện đứng tên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng khi nộp hồ sơ, mỗi nơi lại yêu cầu một kiểu, như cử đại diện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu sau đó mới thực hiện thủ tục cho tặng, từ chối tài sản... Việc phải lặp lại các bước thực hiện giống nhau khiến người dân tốn thời gian, công sức, chi phí...

Còn theo bà Nguyễn Thị Lý ở huyện Phúc Thọ, việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện còn nhiều vướng mắc, nhất là đối với các thửa đất thay đổi về diện tích, hình dạng so với thời điểm cấp lần đầu. Nguyên nhân có thể do đo đạc chưa chính xác từ trước hoặc do quá trình sử dụng đất có biến động như cho tặng, mua bán, chuyển nhượng. Người dân ở các huyện, thị xã khác cũng gặp vướng mắc liên quan đến việc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chữ T, thửa đất sau hiến đất làm đường...

Cần cơ chế liên thông và xử lý linh hoạt

Từ vướng mắc thực tế, người dân đề xuất một số giải pháp đáng quan tâm. Theo ông Đặng Văn Chuyền ở xã Song Phương (huyện Hoài Đức), khi thực hiện chuyển đổi số, thành phố cần tích hợp, liên thông thông tin để người dân làm nghĩa vụ tài chính tại bộ phận "một cửa" hoặc qua chuyển khoản, đồng thời hệ thống quản lý nên tự động cập nhật số liệu để cơ quan cấp giấy chứng nhận không yêu cầu nộp lại chứng từ. Điều này sẽ giảm tải công việc cho cơ quan thuế; tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho người dân.

Nhiều địa phương đã chủ động vận dụng các quy định theo hướng giảm tối đa thủ tục, chi phí cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, đối với trường hợp có yếu tố thừa kế, huyện chỉ đạo phòng, ban chuyên môn và UBND cấp xã vận dụng linh hoạt, đúng quy định, tránh máy móc...

Theo Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Phạm Văn Tình, trong bối cảnh Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 và văn bản hướng dẫn triển khai đã có hiệu lực, việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng sự phát triển và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự cẩn trọng: Cần phân loại nhóm thủ tục có thể đơn giản hóa và nhóm thủ tục cần duy trì chặt chẽ nhằm bảo đảm tính pháp lý, tránh phát sinh tranh chấp, khiếu kiện... Thực tiễn cho thấy, nhiều thủ tục như đăng ký biến động đất đai, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể thông qua dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian xử lý, giảm phiền hà cho người dân. Song, với một số trường hợp vướng mắc vẫn cần tuân thủ đầy đủ các bước thẩm định, kiểm tra hiện trạng, xác minh nguồn gốc sử dụng đất… để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các bên.

"Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố luôn xác định rõ tinh thần “lấy người dân làm trung tâm phục vụ”. Văn phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường tập huấn cán bộ chuyên môn, bảo đảm áp dụng thống nhất quy định mới; thường xuyên lắng nghe phản ánh từ người dân, tổ chức; kịp thời điều chỉnh quy trình thực hiện, tạo sự minh bạch, góp phần đưa chính sách đất đai vào cuộc sống thiết thực, hiệu quả hơn", ông Phạm Văn Tình cho biết.

Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Công ty Luật TNHH Song Anh:
Chính sách đất đai cần đặt người dân vào trung tâm phục vụ

Những vướng mắc được người dân chia sẻ trong quá trình thực hiện thủ tục về đất đai hiện nay không phải là hiện tượng cá biệt, mà là những tình huống phổ biến ở nhiều địa phương. Điều này phản ánh thực tế đáng lưu tâm: Vẫn còn khoảng cách lớn giữa các quy định trong luật và việc áp dụng vào thực tế.

Luật Đất đai năm 2024 đã có hiệu lực, các hướng dẫn đã có, tuy nhiên vào từng trường hợp cụ thể, chính sách cần thực sự đặt người dân vào trung tâm phục vụ, cần thể hiện rõ trong từng thủ tục hành chính, biểu mẫu, quy trình xử lý hồ sơ. Thủ tục nào có thể rút gọn, tích hợp thì cần được cắt giảm quyết liệt. Địa phương nào tồn tại cách hiểu máy móc, áp dụng thiếu linh hoạt cũng cần được rà soát và tháo gỡ kịp thời. Lắng nghe người dân không chỉ giúp chính sách gần hơn với cuộc sống mà còn là cách tốt nhất để chính sách đạt hiệu quả bền vững và đưa pháp luật đi vào cuộc sống.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:
Bóc tách thủ tục rườm rà, giao quyền rõ hơn cho cấp cơ sở

Thực tiễn triển khai thủ tục hành chính về đất đai hiện nay còn nhiều điểm nghẽn, gây khó khăn không nhỏ cho người dân, doanh nghiệp. Không ít trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần chỉ để bổ sung một giấy tờ hoặc bị yêu cầu thực hiện các bước không cần thiết, kéo dài thời gian, chi phí tốn kém...

Nguyên nhân sâu xa là do quá trình chuyển từ quy định pháp luật đến thực tiễn còn thiếu đồng bộ; một số văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau ở từng địa phương. Bên cạnh đó, mô hình phân cấp hiện hành đôi khi chưa thật sự đi kèm với trách nhiệm giải trình rõ ràng, khiến cấp dưới lúng túng hoặc “né” trách nhiệm trong tình huống phức tạp.

Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, các đơn vị được phân cấp, phân quyền thực hiện thủ tục cần thiết, mạnh dạn cắt giảm khâu rườm rà; nên tăng quyền chủ động cho chính quyền cấp cơ sở. Cốt lõi là xây dựng hệ thống thủ tục đơn giản, dễ hiểu để người dân đọc là có thể áp dụng thực hiện được dễ dàng, thuận lợi...

Ông Lê Văn Minh, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai):
Không thể để quyền sử dụng đất của người dân bị “treo”

Thực tế hiện nay còn vướng mắc liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên “hộ gia đình”. Đây là hệ quả của các quy định trước đây, nếu không có cơ chế xử lý rõ ràng dễ dẫn đến hệ lụy là quyền sử dụng đất của người dân bị “treo”, không thể thực hiện giao dịch chuyển nhượng, thừa kế, sang tên... chỉ vì cách ghi tên không phù hợp với quy định hiện hành.

Với giấy chứng nhận đã cấp mang tên hộ gia đình, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong cả nước để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Đặc biệt, trong trường hợp hồ sơ cấp giấy chứng nhận ban đầu bị thất lạc, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm xác minh, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục tiếp theo. Các cơ quan quản lý đất đai không thể vì ngại trách nhiệm mà từ chối xử lý, né tránh, đẩy phần rủi ro về phía người dân...

Thanh Bạch ghi

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/go-vuong-thu-tuc-ve-dat-dai-can-lang-nghe-nguoi-dan-de-hoan-thien-chinh-sach-701867.html