Gỡ vướng tín dụng cho doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các chi nhánh cần phải linh hoạt hơn trong quyết định hạn mức tín dụng, nếu hạn mức vượt quá quy định phải trình lên cấp trên với cơ chế nhanh để xử lý.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phát biểu tại hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long" được Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại thành phố Cần Thơ chiều 15/9, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng tính tới thời điểm hiện tại mới đạt 5,56%, so với mức 9,86% cùng kỳ năm ngoái thì mới đạt gần một nửa, điều đó cho thấy việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh vẫn đang có vấn đề phức tạp.

Chữa bệnh "thừa tiền" khó hơn chữa "thiếu tiền"

Ông Tú cho biết thực trạng hiện nay doanh nghiệp đang tồn kho hàng hóa, còn ngân hàng đang "tồn kho" tiền. Doanh nghiệp thì cần vay vốn, còn ngân hàng thì không cho vay được, điều đó làm ảnh hưởng vấn đề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và mục tiêu tăng trưởng của năm nay.

"Chính phủ rất quan tâm, quyết liệt làm sao đẩy mạnh tín dụng, tăng cường tín dụng hơn nữa. Chủ trương của chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, mong muốn có sự phối hợp với chính quyền các địa phương,” ông Tú nhấn mạnh.

Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược quan trọng được Ngân hàng Nhà nước quan tâm và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng, song tín dụng khu vực này từ đầu năm đến nay chỉ tăng 5,3%.

Lý giải về tình trạng tín dụng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, tín dụng toàn nền kinh tế nói chung tăng chậm, Phó Thống đốc cho biết khó khăn nhất là tiêu thụ sản phẩm, thị trường giảm, đơn hàng thiếu vắng, cầu của thị trường thế giới và trong nước đều giảm. Doanh nghiệp khó khăn tác động trực diện tới các ngân hàng.

“Vốn ngân hàng hiện nay đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền. Chữa bệnh thiếu tiền đã khó nhưng chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn. Nếu thiếu tiền, Ngân hàng Nhà nước có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền thì Ngân hàng Nhà nước cũng không cứu được,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Cũng theo Phó Thống đốc, cách đây một tuần, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các Hiệp hội cùng ngân hàng nhà nước chi nhánh, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm tháo gỡ, đẩy mạnh tín dụng. Việc gỡ này phải gỡ từ hai phía.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Tú cần tạo ra hấp thụ vốn từ doanh nghiệp. Muốn vậy thì cần có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, nếu không tiêu thụ được thì có lộ trình, cách thức nhằm tạm trữ được một thời gian, sau này bán được hàng hóa, thu hồi được nguồn tiền trả ngân hàng thì ngân hàng vẫn cho vay.

Tiếp đến, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ về cơ chế làm sao cho nhiều công trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản cần tháo gỡ được khó khăn về mặt pháp lý. Hiện nay, với nhiều dự án bất động sản, ngân hàng sẵn vốn nhưng không thể giải ngân vì thiếu cơ sở pháp lý.

Về phía ngân hàng, Phó Thống đốc cho rằng cần phải tích cực phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng. Trước đây vẫn có tình trạng một số ngân hàng thương mại chậm giảm lãi vay song hiện nay, tất cả các ngân hàng cùng vào cuộc giảm lãi suất cho vay, thậm chí có ngân hàng đã giảm về mức 5%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng.

“Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác đã tạo sức ép khiến các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ngân hàng tìm cách đẩy tín dụng ra nền kinh tế vì đang thừa tiền. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngân hàng tìm cách đẩy tín dụng ra nền kinh tế vì đang thừa tiền. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dù nỗ lực đẩy mạnh dòng chảy tín dụng, song Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng lần nữa nhấn mạnh “không thể ném tiền qua cửa sổ, dẫn tới mất vốn, mất an toàn của các tổ chức tín dụng” bởi nguồn cho vay của các ngân hàng là tiền huy động của dân, phải trả lại cho người dân. Vì vậy, ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp song không phải là cấp phát, cho vay vẫn phải thu hồi được nợ.

Cần tháo gỡ thêm các thút thắt khác

Phát biểu tại hội nghị, đa số đại diện các doanh nghiệp đều không “kêu” lãi suất cao như các cuộc họp trước đây, có doanh nghiệp còn cho biết hiện không thiếu tiền.

Ông Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gạo Trung An chia sẻ nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng thì doanh nghiệp không thể hoạt động được. Thời gian vừa qua ngành ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất cho vay và nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng đã tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ ngân hàng.

Cũng theo ông Bình, hiện vốn cho ngành hàng lúa gạo đã đủ vốn. Tuy nhiên nếu muốn phát triển thì ngân hàng phải cho vay theo chuỗi giá trị, vì sản xuất phải gắn liền với thị trường, người nông dân phải liên kết với doanh nghiệp mới có hiệu quả.

Còn đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Lộc Vân, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết hiện công ty này đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo và vay vốn ngân hàng với lãi suất dao động từ 7,3%-9%/năm với kỳ hạn 6 tháng.

Sản xuất gạo tại một doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sản xuất gạo tại một doanh nghiệp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng theo vị đại diện này, mặc dù lãi suất đã giảm so với đầu năm 2023 tuy nhiên so với năm 2021 thì mức lãi suất này vẫn ở mức cao (từ 5,5%-6%). Vì vậy, đại diện Công ty Lộc Vân đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ thêm lãi suất cho vay để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó cần linh hoạt cơ chế cho vay theo thời vụ phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh lúa gạo.

Ngoài ra một số doanh nghiệp cũng cho rằng thủ tục vay vốn tại các ngân hàng vẫn rườm rà, cứng nhắc.

Ông Lê Thanh Hạo Nhiên - Giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc trời (An Giang) cho hay, do doanh nghiệp này sản xuất từ khâu giống nên thời gian từ khâu vốn tới thành phẩm cần tới 12 tháng, cộng thêm 6 tháng nữa để đưa trực tiếp hàng hóa tới người tiêu dung, tổng cộng thời gian quay vòng vốn là 18 tháng. Mặc dù vậy, ngân hàng chỉ cho vay chủ yếu ngắn hạn 6 tháng, không đủ để doanh nghiệp quay vòng vốn. Ông Nhiên kiến nghị nên tăng thời hạn vay lên 12 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay.

Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tiếp tục cắt giảm phí và công khai các mức phí. Đặc biệt, nghiêm cấm tình trạng giải ngân tín dụng kèm bán bảo hiểm. Dứt khoát không có chuyện kèm bảo hiểm mới giải ngân vốn. Việc mua hay không là quyền của người dân, doanh nghiệp.

Phó Thống đốc cũng yêu cầu Giám đốc các chi nhánh cần phải linh hoạt hơn trong quyết định hạn mức tín dụng để gắn với mùa vụ, nếu hạn mức vượt quá quy định phải trình lên cấp trên với cơ chế nhanh để xử lý. Nếu một ngân hàng không làm được thì nhiều ngân hàng cùng đồng tài trợ./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/go-vuong-tin-dung-cho-doanh-nghiep-vung-dong-bang-song-cuu-long/894623.vnp