Gỡ vướng về tài sản thế chấp cho doanh nghiệp vay vốn

Không chỉ lãi suất, tài sản đảm bảo luôn là câu chuyện 'đau đầu' của doanh nghiệp (DN) mỗi khi cần vay vốn, nhất là với các DN nhỏ và vừa.

Theo số liệu từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để có thể đạt 1 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế (GDP) sẽ cần trung bình hơn 2 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng. Như năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Vì vậy, trong năm 2025 NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Điều này đồng nghĩa với khoảng 2,5 triệu tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế.

Đây là một con số lớn, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ ráo riết chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để DN tiếp cận vốn tín dụng, như giảm lãi suất, đa dạng hóa các gói tín dụng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính…, cùng với sự vào cuộc sát sao của NHNN, "nút thắt" về vốn tín dụng đang dần được nới lỏng.

Mô hình hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất giúp bảo lãnh tín chấp cho DN vay vốn.

Mô hình hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất giúp bảo lãnh tín chấp cho DN vay vốn.

Tuy nhiên hiện nay, bên cạnh lãi suất, một số DN phản ánh vẫn khó tiếp cận vốn, nguyên nhân chính là thiếu tài sản thế chấp. Ông Ngô Văn Khánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang cho biết, việc vay vốn đã thuận lợi hơn trước, song khó khăn vẫn còn. Cụ thể, ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản thế chấp; dù công ty đã có bề dày lịch sử, doanh số xuất khẩu lên tới 50 triệu USD, nhưng vẫn khó vay tín chấp.

Tương tự, bà Đinh Thị Thu Hà - TGĐ Công ty CP Giải pháp công nghệ CNC thuộc Tập đoàn CNCTECH - cho biết, các dự án tiêu biểu của DN có tổng mức đầu tư gần 1.800 nghìn tỷ, trong đó vốn vay là 1.000 tỷ đồng chiếm 55%. Hiện, tất cả các dự án đều được triển khai và đi vào hoạt động kinh doanh hiệu quả cao, tỷ lệ lấp đầy đạt tới 80% đem lại doanh thu và dòng tiền tốt cho công ty. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, DN cũng gặp phải một số vấn đề và thách thức liên quan đến việc tiếp cận vốn, trong đó có khó khăn vì thiếu tài sản đảm bảo.

"Chúng tôi kiến nghị NHNN xem xét việc triển khai các cơ chế bảo lãnh tín dụng linh hoạt hơn, bao gồm cả việc bảo lãnh cho các DN có mô hình sản xuất kinh doanh tiềm năng nhưng chưa có đủ tài sản thế chấp", bà Hà cho hay.

Cũng có đề xuất "nới" hạn mức tín dụng trên tài sản đảm bảo, ông Lương Quốc Toản - Phó Tổng giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Phú Giang cho biết, hiện các ngân hàng chỉ ưu tiên nhận tài sản thế chấp là bất động sản, nên nhiều DN thiếu tài sản thế chấp bất động sản gặp khó khăn khi đề xuất tăng hạn mức tín dụng. Do đó, ông Toản kiến nghị ngân hàng áp dụng tỷ lệ tối thiểu là bất động sản, tăng tỷ lệ nhận tài sản thế chấp là máy móc thiết bị, hàng tồn kho…

Trước những ý kiến từ phía DN, tại Hội nghị kết nối ngân hàng - DN, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, thực tế còn khá nhiều công ty, đặc biệt DN nhỏ và vừa vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do không có tài sản đảm bảo.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các DN cần nhìn nhận ở góc độ ngân hàng khi cho vay, đặc biệt là cán bộ thẩm định, bởi những ràng buộc pháp lý, quy trình, trách nhiệm. DN vừa và nhỏ thường không có kế hoạch kinh doanh cụ thể, rõ ràng, không tính toán được đầu ra - đầu vào khiến ngân hàng gặp rủi ro cao nếu cho vay. Ngoài ra, việc không có tài sản đảm bảo càng thu hẹp khả năng vay vốn.

Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cũng chia sẻ áp lực đối với các cán bộ thẩm định của ngân hàng trong quá trình xác định tính khả thi của khả năng vay - trả của DN và cho biết hiện một số ngân hàng đã linh hoạt đưa ra các gói vay không tài sản đảm bảo nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay vẫn còn "dè dặt", sợ trách nhiệm. "Ngân hàng cần cởi bỏ sự cứng nhắc, nên linh hoạt trong khâu thẩm định hơn đối với các hình thức cho vay, chủ động hợp tác với DN để tạo điều kiện giúp DN tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn", ông Nam nêu.

Phía cơ quan quản lý là NHNN thì cho biết để hỗ trợ DN tiếp cận vốn, bên cạnh nỗ lực hạ lãi suất, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động.

Về cho vay tín chấp, NHNN cho rằng, việc cho vay tín chấp hay thế chấp thuộc quyền tự quyết của ngân hàng thương mại, NHNN không can thiệp. DN muốn được vay tín chấp thì không còn cách nào khác là phải đạt được sự tín nhiệm của ngân hàng. Về lâu dài, để ngân hàng yên tâm cho vay tín chấp, cần có nhiều giải pháp hỗ trợ về chính sách, đặc biệt là huy động sự vào cuộc của quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa.

Góp ý thêm, nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện các chính sách về bảo lãnh tín dụng và huy động vốn là yếu tố then chốt để hỗ trợ DN phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần hình thành các chuỗi liên kết, các hợp tác xã để bảo lãnh cho DN vay vốn.

"Cần phát triển các mô hình hợp tác xã hoặc liên kết sản xuất để tập trung nhu cầu vốn và nâng cao khả năng vay mượn thông qua cơ chế bảo lãnh tín chấp. Thay vì từng hộ kinh doanh tự đứng ra vay vốn, các hợp tác xã có thể đại diện cho nhiều hộ, từ đó tăng tính tín nhiệm và khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính", TS Nguyễn Quốc Việt, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/go-vuong-ve-tai-san-the-chap-cho-doanh-nghiep-vay-von-i763706/