Tín dụng chảy mạnh ngay trong quý đầu năm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 15,9 triệu tỷ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2024 và tăng 17,60% so với cùng kỳ năm 2024.

Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 12/3 đạt 1,24% so với cuối năm 2024. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,74%, tương đương quy mô hơn 115.000 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng trên, nhiều khả năng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế sẽ vượt mức 16 triệu tỷ ngay trong quý I/2025 hoặc đầu quý II/2025.

Ngay từ đầu năm NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Chỉ thị yêu cầu các TCTD ổn định lãi suất huy động để giữ vững ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Đến ngày 20/3, lãi suất cho vay bình quân của các TCTD giảm 0,4% so với cuối năm 2024.

NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện, cung ứng vốn ra nền kinh tế ngay từ đầu năm. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng hợp tác xã và các TCTD phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025.

Tại các ngân hàng cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Cụ thể, tại VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch nhà băng này cho biết, tính đến ngày 20/3, dư nợ toàn hệ thống tăng gần 2%, trong khi dư nợ của VIB tăng xấp xỉ 3%. Vì thế, lợi nhuận quý I/2025 của VIB đạt 20-22% kế hoạch 11.000 tỷ đồng trước thuế trong năm nay và dự kiến các quý sau tăng 30-40% so với quý đầu năm, do tín dụng cải thiện dần trong các quý tới, nhất là về cuối năm.

Dư nợ cho vay của Nam A Bank đạt gần 175.000 tỷ đồng trong các tháng đầu năm nay, tăng gần 4% và hoạt động đầu tư giấy tờ có giá đạt gần 27.400 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2024. Kết quả, riêng trong 2 tháng đầu năm, lợi nhuận Nam A Bank đạt hơn 900 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ và thực hiện 18% mục tiêu 5.000 tỷ đồng của cả năm.

TPBank dự kiến lợi nhuận đạt 2.100 tỷ đồng vào cuối quý I/2025, tương đương mức tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo TPBank, động lực tăng trưởng này đến từ sự mở rộng hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa hiệu quả tài chính và kiểm soát chi phí hiệu quả. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 2.800 tỷ đồng trong hai tháng đầu năm và dự kiến chạm mốc 4.300 tỷ đồng vào cuối quý I/2025. Dư nợ cho vay khách hàng cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, đạt 263.920 tỷ đồng và dự báo sẽ lên khoảng 269.000 tỷ đồng vào cuối quý I/2025 khi lãi suất thấp.

Các chuyên gia phân tích MBS còn dự báo, năm 2025, tăng trưởng tín dụng của TPBank được dự báo đạt 16% nhờ vào việc tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập khá và các hộ kinh doanh với hai sản phẩm chủ chốt là cho vay mua ô tô và vay thế chấp nhà.

Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý I/2025 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, nhất là tín dụng. Vì thế, để đạt được mục tiêu lợi nhuận đặt ra hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí lên đến hàng tỷ USD trong năm nay, các nhà băng cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Theo kế hoạch đưa ra trong năm nay, có gần chục ngân hàng dự phóng tăng trưởng tín dụng trên 16%, trong đó có 4 nhà băng tăng trưởng tín dụng trên 20% gồm: Techcombank (20,5%), VPBank (24,1%), VIB (25,2%), HDBank (25,6%).

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, phấn đấu tăng trưởng hai con số, tạo tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo. Để đạt mục tiêu này, ngành ngân hàng cũng có trách nhiệm rất lớn trong vấn đề tạo điều kiện để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, muốn tăng trưởng cần mở rộng đầu tư mà muốn mở rộng đầu tư thì có hai vấn đề: Một là nguồn vốn đầu tư và hai là tăng khả năng, điều kiện hấp thụ vốn doanh nghiệp.

NHNN đã chủ trương và đề ra những giải pháp, cung ứng vốn cho nền kinh tế để tăng tín dụng ngay từ đầu năm 2025. Đồng thời, đại diện nhà điều hành cho biết, đến thời điểm hiện nay tín dụng đã tăng gần 1%, trong khi thời điểm này của năm 2023, 2024 tín dụng âm 0,74%. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu tín dụng, tạo đà thuận lợi để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của ngành ngân hàng trong năm 2025.

Các chuyên gia tài chính dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2025 đạt 17-18% nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất và tiêu dùng, nhất là tín dụng bán lẻ.

Thùy Vinh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tin-dung-chay-manh-ngay-trong-quy-dau-nam-post366602.html