Gỡ vướng xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu cho ngân hàng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng đang được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng...

Việc xử lý tài sản bảo đảm bị kéo dài cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của việc xử lý nợ xấu.

Việc xử lý tài sản bảo đảm bị kéo dài cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả của việc xử lý nợ xấu.

Dự thảo Luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Một nội dung trọng tâm của dự thảo Luật là tiếp tục luật hóa các quy định đã được thực hiện hiệu quả tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 với 3 nội dung cơ bản: (i) Luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm; (ii) quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án và (iii) quy định hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự hoặc là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Các nội dung này sẽ được quy định rõ ràng trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc luật hóa nhằm tạo lập khung pháp lý đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc và khó khăn đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán và xử lý nợ trong việc thực hiện các quyền hợp pháp của mình đối với nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Điều này góp phần nâng cao khả năng xoay vòng vốn và tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp. Chính sách xây dựng cần đảm bảo cân bằng quyền lợi giữa các bên: tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán xử lý nợ và bên bảo đảm tài sản, nhằm tránh bất đối xứng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho tất cả các bên.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu gia tăng đang gây áp lực lên ngành ngân hàng, nhất là trong bối cảnh năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 2021-2025.

Nguyên nhân chủ yếu khiến nợ xấu tăng gồm: (i) Kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, kinh tế trong nước còn khó khăn, chịu ảnh hưởng từ biến động quốc tế và thiên tai; (ii) Thị trường chứng khoán, trái phiếu và bất động sản phục hồi chậm; (iii) Thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng, một số nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 chưa được luật hóa, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng và đơn vị mua bán nợ; (iv) Năng lực quản trị của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế so với quy mô hoạt động, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro ngày càng cao.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, thẩm quyền quyết định các khoản vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm và không có tài sản bảo đảm sẽ được chuyển từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước. Việc phân cấp này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, điều hành hoạt động cho vay đặc biệt. Qua đó, giảm bớt khâu trung gian, rút ngắn thời gian xử lý và bảo đảm việc triển khai thực hiện được kịp thời, hiệu quả, an toàn hệ thống.

Kỳ Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/go-vuong-xu-ly-tai-san-bao-dam-cua-cac-khoan-no-xau-cho-ngan-hang.htm