Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: 'Đo' triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng
Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch đầy ấn tượng. Các chuyên gia sẽ dự báo triển vọng đi tiếp của nhóm cổ phiếu vua khi việc dỡ bỏ cơ chế room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng được cởi trói trong hoạt động cấp tín dụng.

Tuần vừa qua đánh dấu giai đoạn sôi động nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm 2025, khi VN Index tăng gần 5% chỉ trong 4 phiên, với giá trị giao dịch mỗi ngày đều vượt mốc 1 tỷ USD giúp chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.400 điểm. Động thái này phản ánh sự đảo chiều hoàn toàn về tâm lý sau khi những lo ngại liên quan đến thuế quan được tháo gỡ. Xu hướng tích cực này liệu có tiếp diễn trong tuần tới, theo ông/bà?
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Diễn biến của thị trường tuần qua cho thấy sự đồng thuận mạnh mẽ cả về dòng tiền và tâm lý, với lực cầu gia tăng từ cả khối nội và ngoại, đẩy VN-Index vượt qua nhiều vùng cản kỹ thuật và tâm lý. Sự tháo gỡ các lo ngại liên quan đến thuế quan, kết hợp với kỳ vọng về nâng hạng thị trường và kết quả kinh doanh quý 2 đang dần được hé lộ, đã tạo nên một “cú hích” mạnh mẽ cho thị trường.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng VN-Index đang tiến dần vào vùng cao trong ngắn hạn – cả về điểm số lẫn định giá – đặc biệt là khi nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng rất nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Điều này tiềm ẩn khả năng xuất hiện các nhịp điều chỉnh kỹ thuật hoặc tái cân bằng danh mục ngắn hạn từ nhà đầu tư.
Với góc nhìn trung hạn, xu hướng tích cực vẫn được duy trì nếu dòng tiền tiếp tục được dẫn dắt bởi các kỳ vọng nền tảng như nâng hạng, chính sách vĩ mô ổn định, và triển vọng cải thiện tăng trưởng nửa cuối năm. Tuy nhiên trong ngắn hạn, tôi cho rằng thị trường có thể sẽ cần thời gian “nghỉ chân” để hấp thụ áp lực chốt lời và củng cố mặt bằng giá mới trước khi có thể tiến xa hơn.
Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tâm thế thận trọng, hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao, đồng thời chủ động tái cơ cấu danh mục để gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản cao, và chưa tăng quá nóng. Việc quản trị rủi ro và lựa chọn điểm mua hợp lý sẽ là yếu tố then chốt trong giai đoạn thị trường đang “nóng” như hiện nay.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
VN-Index tăng mạnh, vượt 1.400 điểm và đang tiến gần 1.500 điểm, cho thấy tâm lý lạc quan nhờ tháo gỡ lo ngại thuế quan và thanh khoản cao.
Triển vọng tuần tới: Về yếu tố tâm lý thị trường, thỏa thuận thuế quan với Mỹ (20% thuế xuất khẩu, 0% thuế nhập khẩu) – đến nay Việt Nam vẫn đang là nước có mức thuế gần như thấp nhất với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Ngoài ra, việc JP Morgan khuyến nghị “tăng tỷ trọng” và khối ngoại quay trở lại mua ròng hơn 11.000 tỷ đã cởi bỏ hoàn toàn tâm lý bi quan của thị trường.
Về yếu tố hỗ trợ vĩ mô: Kinh tế tăng trưởng 7,5% năm 2025, đầu tư công giải ngân tăng 40% so với cùng kỳ, xuất khẩu tăng trưởng hai con số đặc biệt xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng mạnh.
Bên cạnh những yếu tố tích cực trên, rủi ro xuất hiện nhịp chỉnh ngắn mang tính kỹ thuật do: VN-Index đang tiến về vùng 1.500 điểm và theo thống kê quá khứ thì thời điểm ra báo cáo lợi nhuận hay có nhịp chốt lời. Đặc biệt, RSI vượt vùng quá mua (>85) đều có nhịp chỉnh trong quá khứ và NĐT nước ngoài có thể giảm nhiệt mua ròng qua đó thiếu cầu giá cao ở các nhóm đang đẩy giá như ngân hàng, chứng khoán, họ Vingroup.

Ông Vũ Duy Khánh
Góp phần tăng thanh khoản thị trường có sự đóng góp của dòng tiền margin. Có đáng lưu ý gì về thực trạng margin ở giai đoạn hiện tại không?
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Đúng là dòng tiền margin đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thanh khoản cao trên thị trường thời gian gần đây. Tuy nhiên, khác với các giai đoạn tăng nóng trước đây, tôi cho rằng bức tranh margin hiện tại lành mạnh và có tính bền vững hơn nhờ các yếu tố chính.
Thứ nhất, nhiều công ty chứng khoán đã tiến hành tăng vốn điều lệ trong thời gian qua, nâng cao năng lực cho vay ký quỹ và cải thiện năng lực quản trị rủi ro. Điều này giúp thị trường hấp thụ dòng tiền margin một cách chủ động và hiệu quả hơn.
Thứ hai, mặt bằng cổ phiếu hiện tại cho thấy sự phân hóa tích cực. Không còn hiện tượng dòng tiền tập trung vào một số mã đầu cơ như trước, mà thay vào đó là sự lan tỏa vào các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh cải thiện, đặc biệt ở các ngành như ngân hàng, chứng khoán, thép và công nghệ. Điều này góp phần làm giảm rủi ro hệ thống liên quan đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Margin trading là yếu tố chính đẩy thanh khoản vượt 1 tỷ USD/ngày, nhưng có các điểm cần chú ý:
Tăng thanh khoản: Thanh khoản tăng luôn kèm theo margin theo số tuyệt đối có thể tăng nhưng nhìn chung tôi thường xem xét yếu tố mang tính tương đối. Về cơ bản, các công ty chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn thừa nguồn cho vay lúc này. Margin chỉ là vấn đề nếu công ty chứng khoán thiếu nguồn.
Trong đợt tăng điểm này, cá nhân đóng vai trò bán ròng nên chưa chắc margin đã tăng bởi khối ngoại và tổ chức thường không dùng margin.
Trong Công điện số 104/CĐ-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến tới điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho thấy hành trình bỏ room tín dụng đang đến gần đích. Một cách tổng quan, ông/bà đánh giá như thế nào về sự tác động của thông tin này đến thị trường?
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Trong nhiều năm qua, room tín dụng đã đóng vai trò là công cụ điều tiết quen thuộc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ chế này cho phép NHNN phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng hằng năm cho từng ngân hàng thương mại, từ đó kiểm soát tổng lượng tiền được bơm vào nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát và tránh hiện tượng tăng trưởng nóng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang ngày càng lớn mạnh và có sự phân hóa rõ rệt về năng lực quản trị rủi ro, cơ chế “room” truyền thống đang dần bộc lộ nhiều điểm yếu. Một trong những điểm yếu lớn nhất là độ trễ trong việc điều hành và sự thiếu linh hoạt trong phân bổ nguồn lực. Việc áp trần tín dụng đồng loạt không phản ánh đúng khả năng của từng ngân hàng, đồng thời tạo ra hiện tượng tăng trưởng “kỹ thuật”.
Do đó, việc Chính phủ và NHNN tiến tới bãi bỏ room tín dụng và chuyển sang cơ chế giám sát dựa trên mức độ rủi ro của từng ngân hàng là một bước đi tiến bộ. Thay vì quản lý đầu ra bằng hạn mức, cơ quan quản lý sẽ tập trung vào chất lượng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn, khả năng quản trị rủi ro và mức độ minh bạch trong hoạt động tín dụng của từng tổ chức tín dụng.
Đây là một tín hiệu tích cực cho nhóm ngân hàng có nền tảng tài chính vững chắc, quy mô lớn, tuân thủ tốt Basel II/III, bởi họ sẽ có nhiều dư địa hơn để mở rộng tín dụng theo nhu cầu thị trường, đồng thời gia tăng hiệu quả kinh doanh. Nhìn dài hạn, chính sách này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các ngân hàng cải thiện quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Công điện 104/CĐ-TTg yêu cầu NHNN bỏ hạn mức tín dụng, chuyển sang cơ chế thị trường, tác động như sau:
• Tích cực:
Tăng thanh khoản: Ngân hàng cho vay tự do hơn, tăng dòng tiền vào thị trường, hỗ trợ các ngành bất động sản, sản xuất, và hạ tầng.
Hỗ trợ tăng trưởng: Phù hợp mục tiêu GDP 7,5% năm 2025, cải thiện nhuận doanh nghiệp, đặc biệt ngành chu kỳ.
• Rủi ro:
Nợ xấu: Tín dụng mở rộng làm tăng nợ xấu (+34 nghìn tỷ VND), gây áp lực lên hệ thống tài chính.
Lạm phát: Tín dụng tăng mạnh có thể đẩy lạm phát, dẫn đến nâng lãi suất, ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu.
Theo tôi, bỏ room tín dụng là tín hiệu tích cực, thúc đẩy thanh khoản và tâm lý thị trường, nhưng cần theo dõi nợ xấu và lạm phát để tránh rủi ro dài hạn. Chúng ta cần phải có hệ thống kiểm tra và theo dõi đúng tình hình tăng trưởng tín dụng, tránh trường hợp phanh gấp khi hệ thống vượt ngoài tầm kiểm soát sẽ gây ra đứt gẫy chuỗi.
Việc dỡ bỏ cơ chế “room tín dụng” được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng được “cởi trói” trong hoạt động cấp tín dụng. Điều này tác động như thế nào đến diễn biến cổ phiếu ngân hàng, theo kỳ vọng của ông/bà?
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi

Ông Lương Duy Phước
Khi trần tín dụng không còn là rào cản hành chính, tốc độ tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực nội tại, đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro và mức độ tuân thủ các chuẩn mực.
Trong bối cảnh đó, một cuộc chạy đua giữa các ngân hàng trong việc hoàn thiện bộ khung quản trị theo Basel III, tăng cường vốn tự có và cải thiện chất lượng tài sản nhiều khả năng sẽ diễn ra mạnh mẽ. Đây không chỉ là yêu cầu từ phía cơ quan quản lý, mà còn là lợi thế cạnh tranh trong việc mở rộng tín dụng, thu hút khách hàng, và đặc biệt là tận dụng cơ hội từ sự thay đổi trong chính sách điều hành.
Dư địa tăng trưởng sẽ tập trung cao nhất ở nhóm ngân hàng có chỉ số an toàn vốn (CAR) cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tốt, thanh khoản ổn định và bộ máy quản trị rủi ro ở mức chuẩn hóa. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, hoặc chưa đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực an toàn tài chính sẽ buộc phải hạn chế đà tăng tín dụng để tránh vượt ngưỡng rủi ro.
Từ đó, có thể kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ bước vào một giai đoạn phân hóa rõ rệt: nhóm ngân hàng mạnh tiếp tục mở rộng quy mô và tăng trưởng lợi nhuận, trong khi nhóm yếu sẽ phải tái cấu trúc hoặc chấp nhận mất dần thị phần, từ đó phản ánh vào diễn biến giá của từng nhóm.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Bỏ hạn mức tín dụng giúp ngân hàng linh hoạt hơn, tác động đến cổ phiếu ngân hàng:
Cụ thể, về mặt tích cực, tăng lợi nhuận: Các ngân hàng quốc doanh như VCB, BID, CTG sẽ tăng cho vay, cải thiện thu nhập lãi; Các ngân hàng ngoài quốc doanh tập trung các sản phẩm có biên lãi cao như VPB, HDB, TCB... sẽ được hưởng lợi do có thể đẩy tăng tín dụng, trong khi CAR ở mức cao và sản phẩm cho vay có NIM lớn.
Tâm lý thị trường: Ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index, được hưởng lợi từ chính sách.
Hỗ trợ liên ngành: Tín dụng tăng giúp bất động sản, sản xuất giảm rủi ro vỡ nợ, gián tiếp lợi cho ngân hàng.
Mặt khác, rủi ro là nợ xấu: Tín dụng mở rộng làm tăng nguy cơ nợ xấu, đặc biệt ở ngân hàng quốc doanh; và lãi suất: Lạm phát tăng có thể buộc NHNN nâng lãi suất, giảm biên lợi nhuận ngân hàng.
Nhiều khuyến nghị cho rằng, sau một thời gian tăng mạnh, thị trường khó tránh khỏi những nhịp điều chỉnh. Việc chủ động gia tăng tỷ trọng ở những nhóm ngành có nền tảng vĩ mô hỗ trợ rõ ràng trong các nhịp điều chỉnh sắp tới cũng là điều cần tính đến. Còn đâu là chiến lược phù hợp, theo góc nhìn của ông/bà?
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Sau một nhịp tăng khá mạnh và kéo dài, áp lực điều chỉnh trên thị trường chứng khoán đang hiện hữu rõ nét. Chỉ số chung đã tiệm cận vùng kháng cự tâm lý quan trọng, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã tăng đáng kể so với vùng nền tích lũy. Với tôi, việc chốt lời và cơ cấu khi danh mục có lãi không chỉ là hành động hợp lý, mà còn là chiến lược quản trị rủi ro cần thiết trong giai đoạn hiện tại.
Trên quan điểm thận trọng, việc chuyển hướng sang trạng thái phòng thủ, cơ cấu lại danh mục là cần thiết. Thay vì tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đã tăng nóng, chúng ta có thể ưu tiên các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, được hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô như đẩy mạnh đầu tư công, cải cách chính sách tiền tệ, hoặc phục hồi tiêu dùng. Những cổ phiếu này thường chưa tăng quá mạnh nên còn dư địa về định giá, đồng thời ít chịu tác động khi thị trường điều chỉnh ngắn hạn.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ như điện, nước, dược phẩm hoặc nhóm có dòng tiền ổn định cũng nên được đưa vào tầm ngắm. Đây là những lựa chọn phù hợp để duy trì trạng thái quan sát, vừa đảm bảo giữ nhịp đầu tư, vừa bảo toàn thành quả trong giai đoạn thị trường hiện tại.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Theo tôi, nửa cuối năm nhóm bất động sản cơ bản có nhiều tiềm năng tăng giá. Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán và ngân hàng cũng có lợi thế nếu được nâng hạng.
Nhóm thị giá thấp cần được chú ý.
(i) Với tín dụng lỏng, pháp lý được cởi trói, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải tìm cách kích tổng tài sản lên nhằm tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Cách tốt nhất là mua bán sáp nhập tạo lãi khủng. Cách này tốt cho 3 bên là Nhà nước, bên bán thoát nạn ngắn và bên mua kích tổng tài sản. Phần lớn chuỗi hoạt động của doanh nghiệp bất động sản là theo đuổi quy mô tổng tài sản. Do vậy, quy mô tăng họ sẽ sống được.
(ii) Việc mở bán dự án trong nửa cuối năm sẽ rất nhiều. Trong 2 tháng qua, các sàn đang hoạt động hết công suất để chào mua bán. Điều này cũng cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp dù có thể chưa ghi nhận lãi ngay.
(iii) Xét yếu tố chu kỳ, giá bất động sản cũng tăng 2 năm và có thể tới giai đoạn tạo nhiều kỳ vọng cho thị trường (Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều hưởng lợi nhưng nhìn chung sóng cổ phiếu có thể tạo sự khác biệt).
(iv) Với nhóm ngân hàng, vì phần lớn nằm trong rổ VN30 sẽ có lợi khi thị trường nâng hạng. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và giá bất động sản tăng cao sẽ giảm việc trích lập dự phòng, về cơ bản sẽ đẩy tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
(v) Nhóm cổ phiếu chứng khoán sẽ luôn tới từ kỳ vọng.
(vi) Ngoài ra, nhóm cổ phiếu nhỏ có thể tạo sóng do hiệu ứng về thị giá thấp.