GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KHÁT VỌNG, TRÁCH NHIỆM VÀ TẦM NHÌN GÓP PHẦN TẠO NÊN VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Khi các mối quan hệ kinh tế ngày càng trở nên phức tạp, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trở thành chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu hết sức quan tâm. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chỉ có sự gắn kết hài hòa giữa khát vọng, trách nhiệm và tầm nhìn mới giúp hình thành nên văn hóa của doanh nghiệp

Trong thời kỳ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các mối quan hệ kinh tế ngày càng trở nên phức tạp với lợi ích chồng chéo đan xen. Đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trở thành chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu hết sức quan tâm.

Bàn về đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương khẳng định, văn hóa doanh nghiệp không phải là đạo đức, mà văn hóa của một doanh nghiệp được hình thành bởi các giá trị cốt lõi từ người lãnh đạo các doanh nghiệp cùng với chiến lược, định hướng, thói quen và đạo đức được chi phối bởi những người xung quanh. Còn đạo đức có phạm trù khác, có thể đạo đức sẽ một phần chi phối trong văn hóa. doanh nghiệp hướng đến cộng đồng, làm việc thiện, việc tốt mới là đạo đức.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, có những việc buộc doanh nhân phải đứng trước sự lựa chọn hoặc là được lợi nhiều nhưng cộng đồng được ít thì có thể sẽ làm hoặc không làm. Nhưng người kinh doanh có đạo đức sẽ biết cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp với cộng đồng và những người có trách nhiệm xã hội đồng nghĩa với kinh doanh có đạo đức. Đây là xu thế sẽ phải làm, vì kinh doanh không có trách nhiệm, không có đạo đức sẽ bị cộng đồng xa lánh, đối tác, bạn hàng ít hợp tác.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng cho rằng, trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bản thân mỗi doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và đạt được khát vọng phải có được tầm nhìn xuyên suốt và kiên định đi theo tầm nhìn đó. Doanh nhân phải xác định sứ mệnh của mình, trách nhiệm của doanh nhân đối với những người không thuộc doanh nghiệp của mình, bản thân mình, gia đình vợ con mình, cán bộ nhân viên của mình. Khi doanh nhân có được sứ mệnh đó thì sẽ có được ý tưởng và trách nhiệm xã hội rất rõ ràng. Khát vọng, tầm nhìn và trách nhiệm nếu gắn kết được với nhau mới xác định được giá trị văn hóa của doanh nhân, con người có tính cách như thế nào thì doanh nghiệp có nét văn hóa như vậy.

Đại biểu nhấn mạnh, đạo đức phải được lồng ghép vào trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nhân. Bản thân khi kinh doanh, các doanh nhân phải tính đến sinh lời cho doanh nghiệp và xã hội, làm ra được nhiều của cải vật chất cho cuộc sống. Nhưng nếu doanh nhân chỉ luôn suy nghĩ về đạo đức trong kinh doanh sẽ làm mất đi tính cạnh tranh và tính “chiến đấu” của mỗi doanh nghiệp.

Doanh nhân nào cũng mong muốn phát triển, nhưng đi kèm là bền vững, sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp phải gắn với sự phát triển của đất nước. Là người đứng đầu doanh nghiệp, bản thân mỗi doanh nhân đã có khát vọng được làm giàu và kinh doanh thì phải có lợi nhuận. Nếu doanh nhân nào có tầm nhìn xa sẽ tính đến sự gắn kết của bản thân với lợi ích của cộng đồng, coi đây là con đường dài giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nhắc lại câu danh ngôn: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, đi xa đông người có thể chậm nhưng chắc và với đội ngũ doanh nhân cũng vậy, cùng với khát vọng chung là làm giàu, trong số đó sẽ có những doanh nhân có đạo đức, có tầm nhìn xa, nhạy bén và có trách nhiệm với xã hội họ sẽ đến đích với kết quả hoàn mỹ và trọn vẹn hơn.

Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, nhận thức về thực hiện đạo đức kinh doanh trong xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ, từ đó dẫn đến việc vi phạm đạo đức kinh doanh ở những mức độ khác nhau. Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, để xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần xác lập đạo đức kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, trong đó chú trọng các vấn đề như:

Thứ nhất, đạo đức kinh doanh phải được thể hiện trong triết lý kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có những đặc trưng riêng, do đó có các triết lý kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, triết lý kinh doanh cần có nguyên tắc chung, đó là sự tôn trọng các giá trị đạo đức trong kinh doanh. Lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu cần thấm nhuần các nguyên tắc này, từ đó trở thành động lực dẫn dắt doanh nghiệp thực hiện.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Thứ hai, doanh nghiệp cần xây dựng bộ quy tắc đạo đức thống nhất để cụ thể hóa những vấn đề thường gặp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cần nêu rõ những yêu cầu thực hiện đạo đức của doanh nghiệp; cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp với chính quyền, nhân viên và cộng đồng; đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm mà nhân viên phải thực hiện đối với đồng nghiệp, lãnh đạo, khách hàng; và các phương án giải quyết các vướng mắc liên quan đến đạo đức trong doanh nghiệp.

Thứ ba, triển khai thực hiện bộ quy tắc đạo đức trong doanh nghiệp, tổ chức các buổi tập huấn, huấn luyện để hướng dẫn nhân viên xử lý vấn đề, không lúng túng khi gặp sự cố phát sinh. Doanh nghiệp có thể thành lập riêng một bộ phận về vấn đề bộ quy tắc đạo đức hoặc giao nhân viên chuyên trách để xử lý các nội dung liên quan.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhấn mạnh: “Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, Chính phủ đã xác định doanh nhân, doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Trong thế giới ngày càng hội nhập và cạnh tranh, đạo đức kinh doanh trở thành yếu tố tạo ra sự khác biệt, ghi dấu ấn của một doanh nghiệp đối với cộng đồng, khách hàng. Đạo đức kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp có sự gắn bó hữu cơ, bổ trợ lẫn nhau. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhận thức rõ ràng về mối quan hệ gắn bó hữu cơ này để xây dựng văn hóa kinh doanh, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Sự phát triển doanh nghiệp nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng là điều kiện tiền đề căn bản để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=73172