Góc nhìn giáo dục: Khi quy định vẫn chừa kẽ hở
Chèn giờ học các môn liên kết vào giờ học chính khóa là một vấn đề nhiều năm nay gây bức xúc dư luận xã hội. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, chấn chỉnh, đồng thời quy định các trường không được chèn giờ liên kết vào giờ chính khóa nếu lớp không đủ 100% học sinh đăng ký.
Quy định tưởng rất chặt chẽ, tưởng như sẽ giải quyết được vấn đề, nhưng thực tế vẫn có những kẽ hở để các trường lợi dụng lách luật. Cuộc trao đổi giữa hai phụ huynh mà tôi tình cờ nghe được cho thấy một thực tế khác.
- Sao từ lãnh đạo bộ đến lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo đều đã nói không được chèn giờ học liên kết vào giờ chính khóa, mà thời khóa biểu của lớp con chúng mình không thay đổi nhỉ, Tiếng Anh liên kết, Toán Tiếng Anh, STEM vẫn nằm ở tiết 1, 2?
- Cơ quan quản lý lên tiếng, nhưng đều có phần mở ngoặc là chỉ không được chèn giờ liên kết vào giờ chính khóa nếu không đủ 100% học sinh tự nguyện. Lớp con mình 100% đều học nên trường không đổi lịch là đúng rồi. Thế hồi đầu năm, chị có ký vào cái đơn đăng ký học cô phát không?
- Tôi có ký, nhưng là bị ép. Chúng ta đều biết giờ học đó không chất lượng nên lúc đầu, tôi không đăng ký. Cô giáo liền gọi điện bảo giờ liên kết vào tiết 1 và 2. Cả lớp đã đăng ký, nếu không học, con tôi phải một mình lên hội đồng trường ngồi đợi, nên tôi mới phải đăng ký. Làm sao có thể coi là 100% phụ huynh, học sinh tự nguyện được.
- Tôi cũng thế. Chúng ta không thật sự tự nguyện, nhưng trường vẫn có “lá chắn” là đơn tự nguyện đăng ký từ đầu năm rồi.
- Đúng ra phải quy định rõ ràng là không được chèn giờ học liên kết vào giờ học chính khóa, không có mở ngoặc nào hết, tránh tạo kẽ hở cho các trường lách luật, bắt chẹt phụ huynh.
Những quy định khi không thật sự chặt chẽ, không bám thực tiễn sẽ chỉ là nửa vời và có tính chất trấn an dư luận, trong khi vấn đề cốt lõi vẫn không được giải quyết. Phụ huynh vẫn bị trường bắt chẹt một cách tinh vi để “mắc kẹt” trong chính những văn bản tưởng là cơ sở giải phóng cho họ khỏi chiêu trò của các trường. Việc quy định một đằng nhưng làm một nẻo không chỉ gây bức xúc cho phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Học sinh phải học thêm nhiều môn liên kết ngoài giờ chính khóa, không có thời gian để học tập các môn chính khóa dẫn đến tình trạng quá tải. Cần sự vào cuộc quyết liệt, tận tâm và có tầm của người đứng đầu các cấp vì quyền lợi của học sinh chứ không vì lợi ích nhóm. Phải rà soát và loại bỏ những chương trình liên kết kém chất lượng. Chỉ khi những chương trình đào tạo này thực sự mang lại giá trị thực cho người học, sẽ không còn kiểu chèn ép mang danh nghĩa tự nguyện như hiện nay.