Góc nhìn hôm nay: Giảm thuế bảo vệ môi trường, có giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu?

Từ 0h ngày 11/7/2022, xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít, sau khi đã trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu. Đây là kết quả từ cuộc họp bất thường ngày 6/7 vừa qua và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu như đề nghị của Chính phủ.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã điều chỉnh tăng 7 lần, giảm 4 lần. Hiện, mỗi lít xăng E5 RON 92 không cao hơn 27.788 đồng/lít, RON 95-III ở mức 29.675 đồng/lít. Dầu diesel ở mức ở mức 26.593 đồng/lít.

Mức giảm tiếp thuế Bảo vệ môi trường do Bộ Tài chính đề xuất và Chính phủ trình, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thông qua, đã giúp giá xăng dầu giảm được hơn 3.000 đồng/lít.

XĂNG DẦU GIẢM MẠNH KHI GIẢM TIẾP THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Cây xăng Trần Quang Khải sáng nay đông hơn thường lệ, do giá xăng đã được điểu chỉnh từ 0h về dưới 30.000 đồng/lít, nhờ giá dầu thế giới hạ nhiệt và chính sách giảm thuế môi trường có hiệu lực. Như vậy, đây là lần giảm thứ 2 sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu. Lần giảm sâu này khiến người dân hết sức vui mừng và hy vọng, với đà này, giá nhiều mặt hàng cũng sẽ giảm theo.

Anh NGUYỄN QUANG HỢP, Quận Long Biên, Hà Nội: “Rất vui vì giá xăng giảm như vậy chi phí đi lại cũng giảm và thứ 2 nó cũng tác động đến lương thực thực phẩm và những nhu cầu thiết yếu của gia đình.”

Anh TRẦN HẢI NAM, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: “Đây là tín hiệu vui đối với nền kinh tế nói chung, xăng dầu giảm đồng nghĩa với các chi phí được giảm xuống bớt sự áp lực đối với toàn bộ người dân bởi thu nhập của mọi người cũng không được cao.”

Còn theo các chuyên gia kinh tế, áp lực tăng lạm phát năm 2022 là rất lớn, với việc giảm giá xăng dầu sẽ kìm đà tăng này, đây là dấu hiệu đáng mừng.

Ông NGÔ TRÍ LONG, Chuyên gia kinh tế: “Đây là giai đoạn hết sức quan trọng, giai đoạn kinh tế tiếp tục phục hồi. Thế nên, điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý phải sát thực tế, linh hoạt, tập trung nhất quán vào mục tiêu làm sao để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người dân có thu nhập tốt. Vì chỉ có thu nhập tốt, hàng hóa rẻ người dân mới chi tiêu, từ đó mới có thể kích cầu tiêu dùng, từ kích cầu chuyển sang kích cung, đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng.”

Như vậy, với mức giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít xăng, hơn 2.000 đồng/lít/kg dầu lần này, người tiêu dùng không những được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng, dầu mà còn được hưởng lợi gián tiếp từ giá các loại hàng hóa, dịch vụ.

Nhiều người dân và doanh nghiệp nói, xăng dầu giảm giá được chút nào hay chút ấy. Theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn dư địa để giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Còn theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức giảm tiếp thuế Bảo vệ môi trường, đã gây hụt thu ngân sách năm nay 32.500 tỷ đồng. Có lẽ, đây là lý do khiến đề xuất giảm các loại thuế như tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng đánh vào mặt hàng xăng dầu, đã không được đưa vào trong báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này.

Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 2% cho nhiều loại hàng hóa đang chịu thuế Giá trị gia tăng 10% kể từ đầu tháng 2 năm nay, nhằm góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó khôi phục lại nền kinh tế sau dịch bệnh, cũng như thực hiện an sinh xã hội. Thế nhưng, xăng dầu lại bị “loại” ra khỏi danh sách các mặt hàng được giảm thuế Giá trị gia tăng trong năm 2022, nên giá liên tục tăng cao theo giá thế giới. Tất yếu, kéo theo hàng loạt hàng hóa tăng giá theo xăng dầu.

Giá xăng dầu hiện nay cõng khoản thuế, phí lên gần 40%, là quá cao. Đây là mặt hàng thiết yếu, không thể chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt như bia, rượu, ô tô là những hàng hóa xa xỉ, hay không khuyến khích tiêu dùng. Về nguyên tắc, xăng dầu đã chịu thuế nhập khẩu từ 0 - 8%, thuế Giá trị gia tăng 10%, nếu chịu thêm thuế Tiêu thụ đặc biệt 10%, là không đúng.

GIẢM THUẾ VAT VÀ THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỂ GIẢM GIÁ XĂNG DẦU

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm 1.000 đồng thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn - mức giảm “kịch khung” theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm thuế Bảo vệ môi trường vẫn quá nhỏ và cần xem xét các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Giảm 1000 kịch khung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quyền rồi, đề nghị Ban tổ chức nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế như VTA, tiêu thụ đặc biệt."

TS.NGUYỄN THANH TRỌNG, Đại học Kinh tế, Luật TP. Hồ Chí Minh: “Tính toán lại các khoản thuế trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt. Chúng ta có thể tạm hoãn thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm thuế VAT vì hiện nay thuế VAT với xăng dầu vẫn là 10%."

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian sớm nhất sẽ nghiên cứu giảm các loại thuế này để bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Chúng tôi đang nghiên cứu về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT để bám sát biến động của giá xăng dầu để điều hành giá hợp lý, giảm chi phí đầu vào cho doang nghiệp và áp lực tăng giá lên các mặt hàng cho người dân.”

Tại phiên họp điều hành về giá tháng 7 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Bộ Tài chính xử lý nhanh giải pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT nếu còn dư địa, bởi như hiện nay tuy có sự điều chỉnh nhưng giá xăng RON95 vẫn neo rất cao,tới 32.763 đồng/lít.

Phó Thủ tướng LÊ MINH KHÁI: “Vừa qua chúng ta đã tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường, nhưng nếu còn dư địa thì có thể đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội giảm thêm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt. Phải xử lý nhanh chính sách tài khóa này, để kiểm soát giá vì xăng dầu tác động lớn đến CPI.”

Giá xăng dầu đang gây áp lực lớn đến lạm phát, cũng như khả năng duy trì tỷ lệ lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội. Không chỉ về giá xăng, mà còn bảo đảm được nguồn cung, nhất là nguồn cung trong nước.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Xăng dầu có tính chất rất quan trọng nên 1 là phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Đây là yếu tốt then chốt, giá cao hay thấp cũng quan trọng nhưng không có xăng dầu thì nguy hiểm. Thứ 2 là vấn đề bình ổn giá. Từ nay đến 1/1/2023 nếu có biến động nữa thì chúng ta xử lý thế nào.”

Bên cạnh việc điều chỉnh các sắc thuế, phí liên quan đến giá xăng dầu, Chính phủ cần nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao.

Sau khi “áp” thời gian giảm thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 11/7, Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu ngay những vấn đề liên quan đến giảm thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu. Đây là gợi ý xác đáng, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp cực kỳ khó khăn vì giá cả tăng. Giá xăng dầu tăng mạnh từ tháng 3 đến nay, khiến hàng hóa đội giá, người dân giảm chi tiêu, tiết kiệm hơn. Doanh nghiệp thì không dám mở rộng sản xuất, lại bị tác động kép trong đợt tăng lương từ tháng 7 này. Nếu không mạnh dạn giảm mạnh giá xăng dầu, tuy thuế thu từ xăng dầu có thể tăng, nhưng ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng do nền kinh tế bị thu hẹp, hoặc không được mở rộng như kỳ vọng. Về vĩ mô, giảm mạnh giá xăng dầu sẽ giúp giảm áp lực của lạm phát.

Theo tính toán hiện nay, chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế, gas chiếm khoảng 1,45%. Nếu giá xăng dầu tăng khoảng 10%, thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Nếu giảm thuế Bảo vệ môi trường kỳ này, chỉ số tiêu dùng (CPI) bình quân năm nay khoảng 0,16%, chi phí của doanh nghiệp vận tải sẽ giảm tương đương khoảng 5%. Nếu giảm tiếp thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt, chi phí vận tải giảm khoảng 10%, tác động đến nền kinh tế mạnh hơn.

Vấn đề bây giờ là thời gian. Cần tính toán gấp, có phương án và đề xuất giảm tiếp giá xăng dầu. Quốc hội vẫn có thể có cuộc họp bất thường để thông qua càng sớm càng tốt, giúp cho nền kinh tế phục hồi và tăng tốc 6 tháng cuối năm.Nếu chờ đến tháng 10 khi Quốc hội họp kỳ cuối năm, Chính phủ mới trình đề xuất này, e là sẽ bị lỡ nhịp.

Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ngắn qua điện thoại với ông Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế độc lập

CÓ THỂ HỌP BẤT THƯỜNG ĐIỀU CHỈNH THUẾ XĂNG DẦU

Xăng dầu giảm hơn 3.000đ/lít, là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay chỉ sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm kịch sàn thuế Bảo vệ môi trường. Quan điểm của ông như thế nào, thưa ông?

Ông BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia Kinh tế: “Thực ra hơn 10 ngày nay giá xăng dầu thế giới cũng giảm khoảng 13-14% nên việc này theo tính toán của cơ chế chúng ta là cứ 10 ngày điều chỉnh một lần thì cũng là bình thường thôi.”

Quốc hội đã “bật đèn xanh” giảm tiếp thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Bộ Tài chính đã tiếp thu ý này nhưng cho rằng, phải chờ kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới. Theo ông, lý do này có thuyết phục không, hay là do sợ hụt tiếp nguồn thu ngân sách?

Ông BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia Kinh tế: “Câu này hơi phức tạp một chút. Theo quan điểm của tôi phải nhìn rộng ra một chút tức là công thức tính phí và thuế xăng dầu của chúng ta là vận hành không mềm mại. Bởi vì cứ cho là giá xăng dầu theo tỷ lệ nhất định. Như vậy là giá xăng càng tăng thì thu ngân sách càng tăng theo, thì bộ Tài chính sẽ có thành tích thu ngân sách. Như vậy cách thức làm là không đúng. Tôi cho là làm thế sẽ gây ra xung đột lợi ích tức là ngân sách thành công thì nền kinh tế và doanh nghiệp bị thiệt hại và cái này phạm vào nguyên tắc của tài chính ngân sách là ngân sách giảm chi thậm chí thâm hụt khi nền kinh tế khó khăn và ngân sách sẽ tăng lên khi nền kinh tế tốt thì mới là đúng. Còn đây nếu làm thế sẽ gây ra mâu thuẫn xung đột lợi ích giữa ngân sách và nền kinh tế, là không đúng. Tóm lại ta phải giải quyết cái khâu mà như thế nghĩa là Bộ Tài chính không thể nói phải chờ đến tháng 10 họp mới quyết định được. Cái đó là không đúng.”

Bộ Tài chính có đưa các phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nhưng chưa cụ thể. Phương án giảm hai sắc thuế trên vẫn phải đợi Chính phủ xem xét cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2022.
Theo quy định, khi Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu, thì Quốc hội sẽ họp bất thường. Ở trường hợp này, Chính phủ có thể trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định một kỳ họp bất thường, nhằm điều chỉnh 2 sắc thuế này.

Giá xăng dầu thế giới liên tục ở mức cao như hiện nay, là vấn đề bất thường, cần có giải pháp cấp bách. Như vậy, cũng nên xem xét tổ chức phiên họp bất thường ngắn, có thể trong một ngày để Quốc hội quyết định việc giảm thuế. Và tại phiên họp Thường vụ bất thường tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp. Tinh thần là "nếu tình hình bình thường thì xử lý theo tình huống bình thường, cần cấp bách thì xử lý theo tình huống cấp bách". Nghĩa là, Quốc hội đã bật đèn xanh, vấn đề ở Bộ Tài chính và Chính phủ sớm đưa phương án mà thôi.

Có như vậy, mới kịp thời cũng như sẽ hạn chế được chuyện nghị quyết sau những cuộc họp bàn kéo dài, tốn công sức, nhưng lại chậm thực thi hoặc không thực thi nghiêm túc.

Thực hiện : Ngọc Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-giam-thue-bao-ve-moi-truong-co-giam-thue-vat-va-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-xang-dau