GÓC NHÌN: KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA - NHÂN CHỨNG VƯỢT THỜI GIAN, LÀM NÊN BẢN SẮC DÂN TỘC

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra vấn đề cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Để có cái nhìn sâu sắc hơn về nội dung này, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: 'Khơi thông nguồn lực bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa - nhân chứng vượt thời gian, làm nên bản sắc dân tộc' của của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội.

Tôi nhận thấy rằng, kể từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.

Tôi nghĩ, chính di sản văn hóa là yếu tố cơ bản hình thành nên bản sắc văn hóa, giúp chúng ta có được sự tự tin và bản lĩnh để khẳng định những giá trị của dân tộc mình trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì tầm quan trọng như thế nên việc chúng ta quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng là cách chúng ta hình thành sức mạnh tổng hợp của đất nước, bảo vệ chủ quyền văn hóa của quốc gia.

Không phải tự nhiên, bất kỳ động chạm đến một di sản nào đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Mất đi di sản, mất đi dấu ấn thời gian, nơi đó sẽ đánh mất tinh thần, hồn cốt vốn có. Ví dụ đối với một đô thị, di sản gắn bó với ký ức của đô thị, nó là hình ảnh tiêu biểu của đô thị và chúng ta, rất nhiều những thế hệ con người, đã gắn bó với những di sản đó. Những di sản đó kể rất nhiều câu chuyện, không chỉ liên quan đến đô thị đó, mà liên quan đến lịch sử của một đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Chúng ta chỉ cần khoảng 10 năm để có một khu đô thị mới nhưng cần cả trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm để kết tinh nên một di sản. Đó là những nhân chứng vượt thời gian để giáo dục chúng ta về lịch sử, lòng yêu nước, tự hào về vùng đất của một quốc gia. Chính vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn quá khứ, giữ gìn di sản. Ngoài ra, di sản không phải chỉ có dấu ấn của riêng nó, còn liên quan đến nhiều hiện tượng xã hội, hiện tượng văn hóa tổng thể. Mất đi di sản có thể khiến cho một hiện tượng văn hóa không thể hiểu được. Khi một di sản mất đi thì các ký ức khác có liên quan cũng mất đi những ý nghĩa của nó.

Chúng ta phải cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển để giữ gìn được những ký ức của quốc gia, giữ gìn được tâm hồn và tinh thần của quốc gia, để các thành phố của Việt Nam có thương hiệu riêng, không bị lẫn với nhau, không phải chỉ toàn những đô thị mới nhưng lại thiếu bản sắc…

Chúng ta thấy được là có một mâu thuẫn cố hữu, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước trên thế giới, giữa bảo tồn và phát triển. Những người theo quan điểm bảo tồn thường mong muốn giữ lại càng nhiều càng tốt quá khứ. Họ có lý do rằng, quá khứ là những gì mong manh, rất có giá trị. Nếu phá bỏ quá khứ, chúng ta sẽ không có bất kỳ một cơ hội nào để phục hồi lại được. Vì thế, người ta thường hay lấy một câu nói ví von rằng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, để ngụ ý quá khứ là những thứ chúng ta cần trân trọng, giữ gìn, nếu không thì nó sẽ đem lại rất nhiều những hệ lụy, bất lợi cho sự phát triển bền vững đất nước.

Những người theo quan điểm phát triển thì suy nghĩ ngược lại. Người ta cho rằng quá khứ có thể là gánh nặng đối với sự phát triển. Vì giữ gìn quá khứ nhiều khi còn tốn kém hơn so với việc chúng ta tạo ra những tòa nhà mới, con đường mới hay bất kỳ một công trình mới nào đó. Mà đối với một xã hội, quan trọng là phải hướng đến tương lai, chứ không phải níu giữ quá khứ. Thậm chí trong nhiều trường hợp cụ thể, người ta nói rằng nếu bảo tồn, giữ gìn di sản nói riêng, quá khứ nói chung một cách thái quá thì chúng ta đang “vô nhân đạo” với những người đang sống, khiến cho những người đang sống trong khu vực di sản bị kẹt cứng trong những không gian chật hẹp, điều kiện thiếu tiện nghi. Những người đang sống cần một không gian mới, cần một ngôi nhà tiện nghi hơn, xã hội cần những con đường giúp phát triển kinh tế… Chính vì thế, chúng ta phải chấp nhận hy sinh quá khứ để cho mục đích phát triển của xã hội đương đại.

Trên thực tế, hai quan điểm này đều có cái đúng. Giữ gìn quá khứ cũng hợp lý và hướng đến sự phát triển để chúng ta có một cuộc sống tốt hơn, hiện đại hơn, cập nhật với thế giới hơn cũng không phải sai.

Như vậy, chúng ta cần phải tìm ra được tiếng nói chung, để vừa giữ gìn được quá khứ, nhưng cũng đảm bảo sự phát triển, phục vụ nhu cầu xã hội đương đại. Chúng ta đang sống ở thời kỳ hiện tại. Chúng ta phải lấy nhu cầu của hiện tại làm thước đo cho cả quá khứ và tương lai. Một đất nước cũng như một cá nhân, không thể nào mất đi quá khứ của mình. Cá nhân chúng ta cũng thế thôi, bao giờ cũng muốn lưu lại những ký ức đẹp đẽ của mình chứ không ai mong muốn mình chỉ là mình của hiện tại mà không có quá khứ. Một quốc gia cũng thế, cũng cần có quá khứ của mình. Nhưng quá khứ đó phải tạo điều kiện cho sự phát triển của hiện tại và tương lai. Đó là cách thức mà chúng ta muốn giải quyết.

Năm 1890, người Pháp đã xây dựng Nhà máy Bia tên gọi là Hommel tại phố Hoàng Hoa Thám, đây là tiền thân của Nhà máy bia Hà Nội (HABECO) sau này, và là dấu ấn của sự phát triển của Hà Nội..

Năm 1890, người Pháp đã xây dựng Nhà máy Bia tên gọi là Hommel tại phố Hoàng Hoa Thám, đây là tiền thân của Nhà máy bia Hà Nội (HABECO) sau này, và là dấu ấn của sự phát triển của Hà Nội..

Chúng ta có rất nhiều nhà máy đã từng là dấu ấn của sự phát triển của Hà Nội. Ví dụ như Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy cơ khí Gia Lâm, hay hệ thống nhà máy ở khu Cao - Xà - Lá… Không chỉ nhà máy này mà rất nhiều di sản kiến trúc đô thị khác, từ những hệ thống kiến trúc Pháp cổ, rạp hát hay công trình khác nữa… Đó là những kỷ niệm của người dân Hà Nội. Nếu những kỷ niệm đó mất đi, chúng ta nhiều khi sẽ không thể tưởng tượng được Hà Nội trước kia đã như thế nào. Rõ ràng là trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay, việc tìm hiểu về quá khứ của những vùng đất như Hà Nội vẫn rất được quan tâm, thậm chí có thể trở thành những giá trị đem lại lợi ích cho sự phát triển của thành phố. Chúng ta muốn gìn giữ di sản để thể hiện bản sắc của từng đô thị. Nếu mất đi nó, tất cả các đô thị sẽ trở nên giống nhau, sẽ triệt tiêu tính hấp dẫn của các đô thị đó. Trong bối cảnh hiện nay, chính di sản hình thành nên tính hấp dẫn của các đô thị. Nếu biết cách khai thác sẽ tạo ra những giá trị về kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã từng nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế, với tiến bộ và công bằng xã hội. Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa là văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Ở quy mô quốc gia, nhận thức về di sản đã được chuyển biến thành quyết tâm sửa Luật Di sản văn hóa được các đại biểu Quốc hội thúc đẩy và đang được Chính phủ dự thảo, hay Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ở đó, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là một cấu phần chính. Nhiều hội thảo, hội nghị, tập huấn cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các địa phương triển khai trở thành cơ sở triển khai các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa. Ở quy mô địa phương, chúng ta rất vui mừng khi nhận thấy những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Hà Nội có thể xem là ví dụ tiêu biếu nhất khi mảnh đất nhiều di sản này đã đầu tư hơn 14 ngàn tỷ đồng cho phát triển văn hóa, trong đó chủ yếu cho nhiệm vụ liên quan đến di sản văn hóa. Nhiều di sản văn hóa được thổi hồn, có sức sống mới, tạo sự quan tâm của Nhân dân và du khách như Hỏa Lò với Đêm thiêng liêng, Hoàng Thành - Thăng Long với Giải mã Hoàng Thành, hoặc Văn Miếu - Quốc Tử Giám với Tinh hoa đạo học, hay gần đây là cách thức làm mới những di sản công nghiệp như Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay Tháp nước Hàng Đậu… Tất cả cho chúng ta thêm tự tin về việc phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững đất nước.

Hà Nội là một trong những địa phương rất chú ý, có những bước đi đột phá để khai thác nguồn lực di sản cho phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội. Gần đây nhất, việc tái tạo các không gian di sản như Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo thêm sự quan tâm đến di sản văn hóa nói chung, di sản công nghiệp nói riêng. Rõ ràng, chúng ta đang thấy có một mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển trong xã hội đương đại. Dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực, nhưng ở nơi này, nơi kia, lúc này, lúc khác, chúng ta vẫn thấy có những vụ việc di sản văn hóa bị xâm phạm, bị làm sai lệch giá trị hoặc giữ gìn một cách máy móc, thái quá khiến cho việc phát huy giá trị gặp nhiều khó khăn. Vì thế, những ví dụ này để minh chứng tầm quan trọng và giá trị của di sản trong phát triển không chỉ văn hóa, mà còn cả kinh tế - xã hội sẽ giúp chúng ta có thêm quyết tâm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản khác.

Có tuổi đời gần 130 năm, Tháp nước Hàng Đậu (bốt Hàng Đậu) được coi là một di tích kiến trúc cổ của Hà Nội. Sau nhiều năm gần như không được sử dụng, tháp nước này đã được chỉnh trang, cải tạo và mở cửa cho khách tham quan.

Có tuổi đời gần 130 năm, Tháp nước Hàng Đậu (bốt Hàng Đậu) được coi là một di tích kiến trúc cổ của Hà Nội. Sau nhiều năm gần như không được sử dụng, tháp nước này đã được chỉnh trang, cải tạo và mở cửa cho khách tham quan.

Thêm vào đó, di sản đô thị, di sản công nghiệp là những khái niệm mới, chưa có trong Luật Di sản văn hóa, và là một khoảng trống mà chúng ta cần có giải pháp phù hợp trong giai đoạn mới. Tôi cho rằng, đô thị nào cũng có quá khứ và cần phải lưu giữ để vừa kể về lịch sử của mình để tạo dựng bản sắc và tinh thần đoàn kết, gắn kết với đô thị, vừa tạo thành những sản phẩm văn hóa, tinh thần để phát triển du lịch, lan tỏa sáng phát triển kinh tế - xã hội từ chính sự hấp dẫn trong lịch sử của chính đô thị.

Quá trình đô thị hóa đang gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ là quá tải về hạ tầng đô thị với nạn tắc đường, ô nhiễm… mà còn cả tình trạng lãng quên nguồn gốc của chính mình bởi sự mọc lên như nấm của các khu chung cư, siêu thị. Nhiều người dân đô thị đã rất luyến tiếc quá khứ thân quen, gần gũi này. Chúng ta rất cần lưu giữ, dù không phải tất cả, nhưng ít ra cũng là những mảnh vỡ của quá khứ để thế hệ hiện tại (và cả tương lai) có thể hình dung về lịch sử của đô thị.

Những ví dụ khôi phục không gian của Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm giúp chúng ta hiện thực hóa giấc mơ kể lại câu chuyện quá khứ đó, đồng thời biến giấc mơ này trở nên sống động, hấp dẫn hơn, đồng thời có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống hạnh phúc, đáng sống ở đô thị. Ví dụ này sẽ truyền cảm hứng cho các đô thị khác gìn giữ những di sản công nghiệp của mình, góp phần đưa đi sản trở thành một trong những trọng tâm trong quy hoạch, phát triển các đô thị hiện tại cũng như trong tương lai.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thành lập năm 1905 dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp. Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, trở thành nơi “đánh thức” các di sản, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển văn hóa Thủ đô. (ảnh: Báo điện tử Tổ quốc)

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thành lập năm 1905 dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp. Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, trở thành nơi “đánh thức” các di sản, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển văn hóa Thủ đô. (ảnh: Báo điện tử Tổ quốc)

Dù khái niệm di sản công nghiệp không mới trên thế giới, thậm chí UNESCO đã có những văn bản hướng dẫn cho loại hình di sản đặc biệt này nhưng ở ta, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả quy định về pháp luật, di sản công nghiệp chưa được chú ý đầy đủ. Chính khoảng trống về nhận thức về nhận thức và pháp lý này khiến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng ta chứng kiến nhiều di sản công nghiệp từng là biểu tượng của nhiều đô thị đã bị phá bỏ, biến mất, trở thành nỗi luyến tiếc của rất nhiều người, làm mất bản sắc đô thị. Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa trong việc bảo vệ các di sản này, và những ví dụ như Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm cùng với việc sửa Luật Di sản văn hóa sẽ đem đến những cơ hội mới để chúng ta làm tốt hơn việc này.

Chúng ta đã rất quan tâm đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản, và mong muốn thu hút nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ quan trọng này, tuy nhiên, so với kỳ vọng, việc huy động nguồn lực xã hội cho di sản văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có liên quan đến di sản công nghiệp.

Đầu tiên vẫn là một nhận thức đúng đắn, đầy đủ về việc đầu tư bảo vệ cho di sản là đầu tư cho phát triển, có tác động lan tỏa cho sự phát kinh tế - xã hội chung của đất nước. Bên cạnh đó, tôi nghĩ điều quan trọng hơn là từ quan điểm đúng đắn, chúng ta cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho quan điểm này.

Điều đó có nghĩa là, bên cạnh Luật Di sản văn hóa, việc huy động nguồn lực xã hội cần có sự hỗ trợ của các hành lang pháp lý như luật thuế, luật đất đai, đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công. Chúng ta phải làm cho các doanh nghiệp, cá nhân quan tầm đầu tư cho di sản thấy được lợi ích thực sự của họ, cả lợi ích vật chất và tinh thần, thì mới huy động nguồn lực một cách bền vững được.

Những ví dụ gần đây của sự phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho chúng ta niềm tin rằng, nguồn lực xã hội rất lớn. Không những thế, nguồn lực đó còn đến từ tình yêu dành cho văn hóa, đi sản của đất nước, vì thế, nếu biết cách khơi thông nguồn lực, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cũng là cho sự phát triển bền vững đất nước./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83286