Góc nhìn mới về chân dung qua 'Ký sự nhân vật' của nhà văn Nguyễn Cao Thâm

Cuốn sách giới thiệu 68 nhân vật với nhiều phát hiện mới và góc nhìn mới. Phần thứ nhất cuốn sách kể những chuyện ít người biết về các chính khách và thân phận của những người nổi tiếng.

Đó là chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm diễn ca rồi dịch ra tiếng Tày, tiếng Dao; Chuyện về đức tính giản dị, thanh liêm và ấm áp của Thủ tướng Phan Văn Khải; Chuyện cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê chỉ đạo làm đường dây tải điện siêu cao áp Bắc - Nam; Chuyện quyền Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than Trần Anh Vinh giải cứu nạn thiếu gạo cho thợ mỏ những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước…

Phần thứ hai của cuốn sách kể về các nhà khoa học bậc thầy của những giáo sư đầu ngành nhưng ít người biết. Đó là GS - Viện sĩ Trần Đình Long, nhà nông học “cha đẻ” của nhiều giống đỗ tương, lạc; PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về ngành sản phụ khoa... Nhiều nhà sáng tạo với những công trình khoa học mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng, xã hội cũng được giới thiệu ở phần này như GS.TS Hoàng Xuân Thảo, người viết nhiều phần mềm áp dụng trong giảng dạy và chấm thi trong nhà trường.

“Chuyện các văn nghệ sĩ” trong phần thứ ba của cuốn sách là những câu chuyện thú vị về thân phận các nhà văn, nhà thơ, đạo diễn phim, ca sĩ... Đó là chuyện đạo diễn Long Vân làm những bộ phim lừng danh nhưng chưa hề được giải thưởng; Chuyện tình của nhà thơ Lưu Quang Vũ với Tố Uyên - nguồn cảm hứng mãnh liệt để Lưu Quang Vũ sáng tác những tác phẩm xuất sắc; Chuyện nhà văn Nguyễn Vinh Tú, bạn viết cùng thời với những nhà văn lớn như Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Trọng Oánh... nhưng gặp Ách giữa đàng (tên tác phẩm của ông) nên không “ngóc” đầu lên được. Mãi đến những năm cuối đời, ông mới lại thăng hoa, phát tiết. Đó là chuyện vui về nhà thơ Trần Nhuận Minh. Phần này còn cung cấp nhiều tư liệu mới của các văn nghệ sĩ.

Có những nhân vật tài hoa nổi tiếng ở lĩnh vực khác nhưng thơ mới là máu thịt, là cuộc sống của họ. Đó là nhà báo Đoàn Mạnh Phương được nhiều người biết là Tổng Biên tập Tạp chí Năng động. Họa sĩ Lê Tiến Vượng nổi tiếng về thiết kế logo và minh họa tranh cho các báo nhưng ông làm thơ như... đánh răng rửa mặt hằng ngày vậy.

Phần “Cảm ơn cuộc đời” đặt cuối cuốn sách là những câu chuyện về bạn bè, đồng nghiệp của tác giả. Đó là chuyện về nhà thơ Đặng Vương Hưng “giải cứu” thân phận Đa mang; nhà văn Nguyễn Khắc Trường lên vùng cao tìm chất liệu viết tiểu thuyết… Phần này còn giới thiệu các nhân vật là người khuyết tật viết những tác phẩm nổi tiếng; những trẻ tự kỷ được huấn luyện theo phương pháp đặc biệt đã trở thành những “Biệt tài tí hon”, những Kỷ lục gia, Kỷ lục Guinness thế giới.

Bằng những câu chuyện “người thật, việc thật”, nhà văn Nguyễn Cao Thâm đã khắc họa chân dung nổi bật của 68 nhân vật mang những vẻ đẹp nhân văn và những cống hiến của họ với đất nước.

Nhà văn Nguyễn Cao Thâm, bút danh: Minh Cao, sinh năm 1957, tại Hồng Thành, Yên Thành, Nghệ An, thường trú tại Hà Nội. Ông đã xuất bản 22 đầu sách nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu - điện ảnh, phóng sự; chủ biên hơn 30 bộ sách lịch sử, nghiên cứu văn hóa... cho các tỉnh và các ngành: Than - Khoáng sản, Giao thông - Vận tải, Bưu điện, Y tế, Giáo dục - Đào tạo...

H.M

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202411/goc-nhin-moi-ve-chan-dung-qua-ky-su-nhan-vat-cua-nha-van-nguyen-cao-tham-8051ca7/