Góc nhìn nghị trường: Mở hướng phát triển Hà Nội thành thành phố bên sông
Kết quả rà soát ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật tiến hành cho thấy, một trong 5 nội dung còn ý kiến khác nhau là vấn đề quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê.
Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: Trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Dự thảo luật cũng giao thẩm quyền cho UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND thành phố quy định.
Hà Nội đang nghiên cứu phương án quy hoạch phát triển sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng có đề cập tới mô hình phát triển thành phố hai bên sông Hồng. Phát triển Hà Nội thành thành phố hai bên trục xanh sông Hồng cũng là mong muốn của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Ý tưởng này đã được đưa ra từ rất lâu. Không gian hai bên sông Hồng cũng được coi là dư địa, động lực phát triển rất lớn cho Thủ đô trong thời gian tới. Nhưng đến nay, ý tưởng tốt đẹp ấy vẫn chưa thể triển khai vì còn có nhiều vướng mắc, nhất là về pháp lý và thủ tục pháp lý trong đầu tư, công tác di dân, giải phóng mặt bằng...
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch, Hà Nội rất cần được trao thẩm quyền đặc biệt, đặc thù. Do vậy, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo hướng trao thẩm quyền cho UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND thành phố quy định là hợp lý.
Tất nhiên, Hà Nội cũng cần lưu tâm tới ý kiến của các chuyên gia trong việc xây dựng ở các vùng đất bãi ven sông, giữa sông không được làm dâng mực nước lũ và không làm ảnh hưởng tới việc thoát lũ. Điều này đòi hỏi phải có sự thận trọng trong quá trình ra quyết định. Thông thoáng về thủ tục nhưng phải bảo đảm những nguyên tắc bất di bất dịch.
Hy vọng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua theo hướng tiếp thu như trên, mở hướng để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng thành phố bên sông Hồng như mong ước của người dân bấy lâu nay.