Góc nhìn nghị trường: Thông việc nước, được việc dân
LTS: Trong các kỳ họp Quốc hội, Chuyên mục 'Góc nhìn nghị trường' của Báo Quân đội nhân dân được bạn đọc quan tâm, đón nhận, ủng hộ và đánh giá cao. Tiếp nối sự thành công đó, từ số báo hôm nay, Báo Quân đội nhân dân tiếp tục mở Chuyên mục 'Góc nhìn nghị trường' để đăng tải những bài bình luận, phân tích, ý kiến đóng góp về các vấn đề Quốc hội đang bàn thảo. Bài cộng tác cho chuyên mục xin gửi về: Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: kinhtebqd@gmail.com.
Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Nhiều đại biểu nhắc tới những "nút thắt cổ chai" ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế-xã hội, nhất là vướng mắc về thể chế, chính sách; yếu kém trong công tác tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm...
Thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã vào cuộc để tìm giải pháp tháo gỡ những nút thắt nêu trên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập tổ công tác do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng để tiến hành rà soát hệ thống pháp luật. Thông tin về kết quả rà soát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, 70% số lượng văn bản phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo hiện đã nằm trong các dự án luật đang chuẩn bị được Quốc hội xem xét, thông qua. 30% còn lại sẽ được đề nghị đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ sáu để giao các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Liên quan tới khâu tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, trên từng lĩnh vực cụ thể có vướng mắc, ách tắc đều đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo giải quyết. Gần đây nhất, Thủ tướng chỉ đạo thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính. Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm...
Có thể thấy, thể chế, chính sách ở trạng thái tĩnh, trong khi thực tiễn lại luôn vận động, phát triển nên thể chế, chính sách thường có xu hướng lạc hậu hơn so với thực tiễn, do vậy cần phải thường xuyên rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trong công tác tổ chức thực thi cũng còn những hạn chế, yếu kém dẫn tới nhiều việc không thông. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước ta cũng đang có những tồn tại, yếu kém không nhỏ, cần phải khắc phục ngay. Thời gian qua, người dân, doanh nghiệp và ngay chính cán bộ, công chức đều phàn nàn về sự yếu kém trong công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước. Ngay trong phiên họp sáng 24-10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nêu thực tế có những vấn đề chưa rõ về quyền hạn, gửi văn bản hỏi nhưng 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng sau mới nhận được văn bản trả lời: “Làm theo quy định của pháp luật”. Đây là một ví dụ rất điển hình cho sự yếu kém trong phối hợp công tác giữa các cơ quan.
Có lẽ chúng ta cần một chế định cụ thể hơn, chi tiết hơn quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là trách nhiệm hướng dẫn thực thi thể chế, chính sách. Ngay các cơ quan công quyền còn chưa thông công việc thì rất khó có thể giải quyết việc của người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời!
CHIẾN THẮNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.