Góc nhìn từ báo cáo mới của VCCI: Gỡ vướng cho doanh nghiệp và kỳ vọng đột phá chính sách
Trước bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động lớn, VCCI vừa công bố hai báo cáo 'Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024' và 'Đánh giá tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật' . Đây là những tài liệu phản ánh tiếng nói thực tiễn từ doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia gửi tới các cơ quan nhà nước, đồng thời chỉ rõ những điểm nghẽn pháp lý tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Gỡ điểm nghẽn pháp lý, tạo đà phục hồi kinh tế
Sáng ngày 22/4, tại Hà Nội, Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo công bố “Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2024” và “Báo cáo đánh giá về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đại diện nhiều bộ, ban ngành, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp liên quan.

Toàn cảnh diễn ra Hội thảo.
Nhằm phản ánh những nghị quyết quan trọng trong năm và đánh giá chuyên sâu về một số vấn đề pháp lý, báo cáo tổng thể pháp luật kinh doanh đã nêu bật những điểm sáng và các quan ngại hiện hữu trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp đối với các chính sách tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đi sâu vào việc đánh giá các vấn đề cụ thể như tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật một cách toàn diện bao gồm quá trình triển khai các dự án đầu tư và kiểm soát chất lượng. Từ đó, đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của các tiêu chuẩn này nhằm thúc đẩy hoạt động cải cách và tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Tấn Công (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận định năm 2024 là thời điểm kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, song doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều thách thức. Trước áp lực đó, nhiều nỗ lực cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật đã được triển khai. Tuy nhiên, ông cho rằng quá trình xây dựng chính sách vẫn còn bất cập, từ khâu lựa chọn vấn đề, soạn thảo đến lấy ý kiến. Do vậy, các doanh nghiệp cần tập trung thảo luận về các vấn đề pháp lý ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất.

Ông Phạm Tấn Công (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam - VCCI) phát biểu khai mạc Hội nghị.
Khi mặt hàng truyền thống như mắm tôm cũng bị “mắc kẹt” cùng sản phẩm công nghiệp quy mô lớn
Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc như hệ thống văn bản pháp luật phức tạp, thời gian thực hiện thủ tục hành chính không rõ ràng khiến chủ đầu tư khó xác định mốc triển khai dự án, cùng với đó là những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định và năng lực thực thi tại địa phương còn chậm trễ.
Bổ sung thêm về những bất cập trong thực tiễn, TS. Nguyễn Xuân Dương (Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi) chỉ ra vấn đề trong công bố hợp quy và hợp chuẩn. Theo ông, nhiều tiêu chuẩn hiện nay được xây dựng từ các đề tài nghiên cứu khoa học, phù hợp với sản phẩm công nghiệp quy mô lớn, nhưng lại áp dụng cứng nhắc cho cả những mặt hàng truyền thống như mắm tôm. Trong khi đó, nhiều sản phẩm thủ công từ người nông dân có chất lượng tốt nhưng không thể thương mại hóa do không đáp ứng được những quy định mang tính hình thức, điều này đặt ra chưa sát thực tế.

TS. Nguyễn Xuân Dương (Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi) trình bày tham luận.
“Không chỉ dừng lại ở những thủ tục hành chính rườm rà hay các tiêu chuẩn áp dụng chưa phù hợp, nhiều lĩnh vực đầu tư cũng đang vướng mắc bởi khoảng trống pháp lý. Đơn cử, nhiều dự án điện rác tại Việt Nam hiện đang gặp khó khăn do các rào cản pháp lý chưa được tháo gỡ”, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink) phát biểu trong Hội thảo.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink) đưa ra ý kiến.
\Về phần mình, luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và cơ sở xử lý chất thải còn chồng chéo, thiếu thống nhất; cơ quan nhà nước hiện cũng chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để cam kết khối lượng rác đầu vào cho dù đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tính toán hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ tài chính, cơ chế chia sẻ doanh thu và bảo lãnh vốn vay cho mô hình này đến nay vẫn chưa được ban hành. Quy hoạch chất thải rắn giữa các cấp chính quyền còn thiếu đồng bộ, dẫn đến nhiều bất cập trong vận hành và triển khai dự án.
Trước những ý kiến thảo luận sôi nổi đến từ các doanh nghiệp, bà Phạm Chi Lan (Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI) bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành. Theo bà, tình trạng quy định chồng chéo, thiếu nhất quán đang trở thành rào cản lớn cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong khi, đó những yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.
Đề xuất giải pháp cải cách hành chính, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng Nhà nước cần tinh gọn bộ máy, tập trung vào những chức năng cốt lõi, thực chất của quản lý nhà nước, thay vì ôm đồm xử lý các công việc mang tính nhỏ nhặt. Theo bà, việc phân quyền, ủy quyền tối đa cho các tổ chức xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp không chỉ giúp giảm tải cho bộ máy hành chính, mà còn tạo điều kiện để xã hội tự giám sát, minh bạch hơn trong hoạt động thực thi chính sách.
Hội nghị đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thẳng thắn, phân tích sâu sắc từ các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp. Các ý kiến thống nhất cho rằng, việc hoàn thiện khung pháp lý và tháo gỡ các rào cản hiện nay là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển các dự án điện rác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xử lý chất thải bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.