Góc thiêng giữa chốn học đường
Ngôi đình sừng sững trong khuôn viên Trường Tiểu học Phúc Thành (Kim Thành) không chỉ là chứng nhân của bao đổi thay mà còn là mái trường đầu đời của học sinh biết bao thế hệ.

Không chỉ nằm trong khuôn viên trường học, đình Dưỡng Thái hiện là một phần trong chương trình giáo dục địa phương, được lồng ghép vào nội dung học tập
Lớn lên cùng mái đình
Đình Dưỡng Thái nằm ở xã Phúc Thành (nay là thị trấn Phú Thái, Kim Thành) được xây dựng từ năm 1884. Đình mang kiến trúc chữ Đinh truyền thống, là nơi thờ Thành hoàng Nguyễn Thụy Hường và ba vị tướng thời Lý có công đánh giặc Tống. Không chỉ được công nhận là di tích cấp tỉnh, đình còn là cơ sở cách mạng, nơi cán bộ Việt Minh từng hội họp, in ấn tài liệu thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Năm 1959, ngôi đình được trưng dụng làm nơi dạy học. Trước đó, nơi đây từng là địa điểm tổ chức các lớp bình dân học vụ, góp phần xóa mù chữ cho người dân trong thời kỳ đầu xây dựng chính quyền cách mạng.
Thầy Đỗ Trọng Lâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Thành, là một trong những học sinh đầu tiên học dưới mái đình ấy. Gần 70 năm đã qua, khi nhắc lại những ngày tháng xưa, giọng nói của thầy vẫn đầy xúc động.

Thăm lại ngôi đình nơi từng là mái trường thời thơ ấu, thầy Đỗ Trọng Lâm còn nhớ như in từng vị trí ngồi học
"Cơ sở vật chất lúc đó còn thiếu thốn, chỉ vài bộ bàn ghế xộc xệch. Khuôn viên đình chia làm hai lớp, tiếng đọc bài vang vọng khắp gian thờ. Được học trong đình là niềm tự hào, không gian ấy uy nghiêm, linh thiêng, như chính sự trân trọng dành cho chữ nghĩa", thầy Lâm trầm ngâm.
Năm 1991, thầy Lâm được điều động về làm hiệu trưởng ngôi trường này. “Khi ấy đứng giữa sân đình, tôi như sống lại cả tuổi thơ. Mỗi viên gạch, mỗi cột lim đều gợi lên bao kỷ niệm, nơi tôi từng học cái chữ làm người”, thầy bồi hồi chia sẻ.

Ngôi đình nằm yên bình trong khuôn viên trường Tiểu học Phúc Thành
Năm 1996, khi trường học mới được xây dựng, một vài lớp vẫn học trong đình. Anh Trần Văn Hải, một trong những lứa học sinh cuối cùng còn nhớ rõ cảm giác ngồi học dưới mái đình, tiếng chim ríu rít ngoài bờ hồ và lúc nô đùa dưới gốc đa đã trở thành ký ức không thể quên.
“Lũ trẻ chúng tôi lúc đó không biết mình đang sống trong một không gian đặc biệt đến thế", anh Hải kể.
Với nhiều người dân Dưỡng Thái, mái đình không chỉ là nơi linh thiêng thờ Thành hoàng làng, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại mà còn là chốn gắn bó suốt hành trình trưởng thành, từ ngày đầu tập viết đến lúc nên người. Trong nhiều thập kỷ, đã có hàng nghìn học sinh được học hành và trưởng thành từ chính mái đình này, để rồi mang theo ký ức ấy đi khắp mọi miền đất nước.
Khi mái đình tiếp tục "gieo chữ"

Ngôi đình hiện nay là địa chỉ giáo dục truyền thống cho học sinh
Hiện đình làng Dưỡng Thái đã trở thành di tích cấp tỉnh nhưng vẫn tiếp tục “dạy học” theo cách rất riêng. Bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ năm 2000, ngôi đình đã được đưa vào tài liệu giáo dục địa phương và trở thành nội dung giảng dạy bắt buộc. Với học sinh lớp 1, ngay từ đầu năm, các em được tìm hiểu về đình làng, nơi các thế hệ đi trước từng học. Điều đặc biệt là các em không chỉ học trên giấy, mà còn được trải nghiệm trực tiếp ngay tại khuôn viên trường”.
Chính sự gần gũi và hiện hữu của di tích trong trường học đã giúp việc giáo dục truyền thống trở nên tự nhiên và sinh động hơn. Ngay cả những học sinh nhỏ tuổi cũng cảm nhận được sự đặc biệt của ngôi trường mình đang theo học.
Đang học lớp 2C tại trường, cháu Trần Anh Đại, con trai anh Trần Văn Hải tự hào khoe: "Cháu không được học trong đình như bố ngày xưa, nhưng cháu biết đó là nơi rất quan trọng qua lời bố kể. Mỗi lần bước vào trong, cháu cảm thấy rất trang nghiêm và yên bình".

Cô giáo Nguyễn Thị Hương giới thiệu với học trò về ngôi đình làng, về những thế hệ từng học tập tại đây, trong đó có nhiều phụ huynh của học sinh hiện tại
Không chỉ học sinh mà ngay cả các thầy cô cũng xem mái đình như một phần của hành trình giáo dục. Đó là nơi khơi gợi tình yêu quê hương, truyền thống, giúp các em hiểu hơn về cội nguồn và thêm trân trọng giá trị của những điều bình dị quanh mình.
Giữa những đổi thay của thời gian, mái đình ấy vẫn giữ vững vai trò là nơi truyền cảm hứng. Không chỉ cho những ai từng học dưới mái đình, mà cho cả thế hệ hôm nay.
Đình hiện là một phần trong chương trình giáo dục địa phương, được lồng ghép vào nội dung học tập cho học sinh các cấp tại thị trấn Phú Thái.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/goc-thieng-giua-chon-hoc-duong-409334.html