Gói ghém hồn quê giữa lòng Hòa Vang

Giữa mảnh đất Hòa Vang hiền hòa của thành phố Đà Nẵng, nơi có những dòng sông chảy trôi êm đềm qua các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phong, Hòa Khương…, có một món bánh bình dị, dân dã nhưng lại chất chứa bao nhiêu nỗi nhớ thương, nỗi tự hào của người dân nơi đây - đó là bánh gói.

Sông Yên chảy qua vùng đất xã Hòa Tiến

Sông Yên chảy qua vùng đất xã Hòa Tiến

Trong muôn vàn những loại bánh truyền thống của vùng quê này như bánh đúc, bánh ít, bánh tráng, bánh tét, bánh khô…, thì riêng bánh gói vẫn luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Không chỉ vì hương vị thơm ngon, mềm dẻo, đậm đà, mà còn vì trong từng chiếc bánh ấy là cả một vùng ký ức tuổi thơ, là bóng dáng người mẹ tảo tần và cả mùi hương của quê hương mỗi lần đám giỗ, cúng đất, chất rơm, ăn nữa buổi...

Tôi còn nhớ như in những ngày cận Tết năm xưa, khi cái se lạnh của mùa đông vẫn còn lảng vảng trên những vạt cỏ bờ sông Yên. Nhà ai cũng bận rộn làm bánh, gói quà, chộn rộn chuẩn bị đón xuân. Còn nhà tôi, cứ mỗi lần đến ngày giỗ ông hay dịp Tết Nguyên đán, mẹ tôi lại lọ mọ từ tinh mơ để chuẩn bị nguyên liệu làm bánh gói. Đó không chỉ là công việc nội trợ thông thường, mà dường như là một nghi lễ thiêng liêng để gìn giữ hồn quê và trao truyền ký ức. Mẹ bảo: "Chiếc bánh này không đơn giản đâu con. Nó là sự gói ghém của tình thương, của bàn tay khéo léo và của cả sự tinh tế mà chỉ có người con quê mới cảm được hết."

Phụ nữ Hòa Tiến gói bánh gói ủng hộ các chốt trực trên địa bàn

Phụ nữ Hòa Tiến gói bánh gói ủng hộ các chốt trực trên địa bàn

Bánh gói Hòa Tiến không phải là món ăn dễ làm, dù tên gọi nghe có vẻ đơn giản. Cách làm bánh đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng công đoạn, và hơn hết là phải dùng những nguyên liệu đúng chất quê nhà. Gạo để làm bánh phải là loại gạo “xuyệt” - một loại gạo dẻo, thơm được trồng trên chính những cánh đồng Hòa Vang nắng gió. Ngày thường mẹ tôi hay mua bột gạo xay sẵn, nhưng vào dịp đặc biệt, bà thường chọn tự tay xay gạo để có được lớp bột tươi ngon, trắng mịn. Mỗi lần làm, mẹ thường dùng 1kg bột gạo khô trộn cùng 1 lạng bột lọc, thêm ít muối, bột ngọt và một thìa dầu ăn, pha với lượng nước vừa đủ. Mẹ bảo, bí quyết nằm ở chỗ pha bột - nước nhiều thì bánh nhão, ít thì bánh cứng, phải thật khéo mới có được độ dẻo dai mềm mại như ý.

Sau khi hòa trộn nguyên liệu, mẹ cho bột lên bếp nấu. Tay cầm đũa bếp lớn, vừa khuấy vừa đều tay, đến khi cảm thấy "nặng tay" là biết bột đã bắt đầu sánh lại. Khi bột thành hỗn hợp dẻo đặc như cháo đặc, mẹ nhắc nồi xuống, khuấy thêm một lúc nữa để bột đạt độ mịn đều hoàn hảo. Chỉ riêng khâu bột đã mất gần nửa buổi sáng.

Nhân bánh mới là phần khiến tôi nhớ nhất. Những con “tôm đất” tươi rói do cha tôi bắt trên sông Yên phía sau nhà - loại tôm nhỏ mà ngọt lịm, lúc nào cũng nhảy tanh tách trong rổ - là thành phần chính. Mẹ còn dùng thịt gáy - phần thịt gần cổ con heo, nhiều mỡ nhưng lại giòn và béo. Tôm và thịt sau khi làm sạch sẽ được xào sơ với hành tím, hạt tiêu, một chút nước mắm, rồi cho vào cối giã nhuyễn. Hương thơm lúc ấy lan khắp gian bếp nhỏ, cay nồng mà ấm áp. Mẹ còn nhấn nhá thêm ít hành lá thái nhỏ để nhân bánh dậy mùi. Tất cả hòa quyện lại, tạo nên một phần nhân đầy đặn, ngọt béo, thơm nồng - vị ngon không thể nhầm lẫn.

Nguyên liệu chính để làm bánh gói vùng Hòa Tiến

Nguyên liệu chính để làm bánh gói vùng Hòa Tiến

Lá chuối dùng để gói bánh cũng được mẹ lựa chọn kỹ càng - phải là lá chuối chát, có mùi thơm đặc trưng và đủ độ dai để không bị rách khi gói. Lá được rửa sạch, phơi héo từ hôm trước để hôm sau dễ gói hơn. Gói bánh là công việc đòi hỏi sự khéo léo. Mỗi chiếc bánh chỉ cần một lớp bột mỏng vừa phải, một muỗng nhân, rồi gấp lá, vuốt cho đều tay. Không được quá nhiều bột vì sẽ lấn át vị nhân, mà cũng không quá ít vì bánh sẽ bị lỏng lẻo. Khi đã gói xong, bánh được hấp cách thủy chừng 20 phút cho đến khi mùi thơm bốc lên nghi ngút là biết đã chín tới. Mẹ lấy bánh ra, xếp gọn trên mâm tre, để nguội bớt là có thể thưởng thức.

Nguyên liệu chính để làm bánh gói vùng Hòa Tiến

Nguyên liệu chính để làm bánh gói vùng Hòa Tiến

Cách ăn bánh gói cũng mang nét tinh tế riêng. Người Hòa Vang không dùng nước mắm công nghiệp, mà chấm bánh với nước mắm nhĩ Nam Ô nguyên chất - thứ nước mắm đậm đà, sóng sánh, cay xé lưỡi khi điểm thêm lát ớt tươi thái mỏng. Bánh ngon nhất là khi còn nóng hổi, vừa mở lớp lá chuối đã thơm lừng, cắt miếng nào là dậy mùi miếng nấy. Vị mềm dẻo của lớp bột quyện cùng vị béo ngậy của nhân tôm thịt, thêm chút cay, chút mặn của nước mắm - tất cả tan ra trong miệng, để lại dư vị đậm sâu khó tả. Những đứa con tôi, tuy sinh ra ở thành phố, nhưng lần nào về quê ăn bánh gói cũng tấm tắc khen ngon, cứ xuýt xoa: “Sao lại ngon đến vậy hả bà?”

Bánh gói Hòa Tiến thơm ngon, bùi béo

Bánh gói Hòa Tiến thơm ngon, bùi béo

Mỗi lần về Hòa Tiến, tôi lại tìm đến những quán nhỏ ven sông, nơi người ta vẫn ngồi nhẩn nha bên nồi bánh còn bốc khói, vừa ăn bánh vừa ngắm sông Yên lững lờ trôi, nghe tiếng mái chèo khua nước, tiếng gọi đò xa xa, lòng chợt nhẹ tênh và bình yên đến lạ. Có ai đó từng nói, bánh gói quê tôi chẳng khác gì một phần “hồn quê” - bởi trong đó có vị đất, vị trời, có giọt mồ hôi của người làm nông, có tình thương yêu đong đầy từ người mẹ, người bà tảo tần.

Không chỉ là món ăn thường ngày, bánh gói còn hiện diện trang trọng trong các mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên mỗi dịp giỗ chạp, Tết đến. Người dân nơi đây tin rằng, đầu năm ăn bánh gói là lời cầu chúc cho một năm mới sung túc, đầm ấm, viên mãn. Gói chiếc bánh cũng như gói cả tấm lòng, gói cả hy vọng và yêu thương, trao gửi những điều tốt đẹp nhất đến người thân, làng xóm, khách quý.

Các loại bánh do phụ nữ Hòa Tiến chế biến trong Hội thi Ẩm thực quê hương Hòa Vang

Các loại bánh do phụ nữ Hòa Tiến chế biến trong Hội thi Ẩm thực quê hương Hòa Vang

Giữa thời đại hiện đại hóa, công nghiệp hóa, khi nhiều món ngon vật lạ du nhập từ khắp nơi, thì bánh gói quê tôi vẫn lặng lẽ tồn tại như một phần ký ức đẹp, một lời nhắc về gốc gác, về tình đất tình người Hòa Vang. Và tôi tin rằng, chỉ cần còn những người mẹ, người bà vẫn giữ nếp xưa, còn những bàn tay thơm mùi lá chuối và lửa bếp củi, thì bánh gói Hòa Tiến vẫn sẽ còn sống mãi - như một biểu tượng thầm lặng nhưng sâu sắc của hồn quê xứ sở nơi đây còn vang vọng câu ca: “Ai về Hòa Tiến quê tôi / Hồn quê bánh gói, bồi hồi nhớ thương”.

Văn Kỳ Lê

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/goi-ghem-hon-que-giua-long-hoa-vang-a28677.html