Họa sĩ Hùng Lân - nhạc sĩ Nguyên Hùng: Hai đường thẳng song song

Họa sĩ Hùng Lân và nhạc sĩ Nguyên Hùng, hai đường thẳng song song gặp nhau ở một người nghệ sĩ tài hoa: Nguyễn Hùng Lân.

Anh Lê Đặng Tín là độc giả say mê bộ truyện Dũng sĩ Hesman từ nhỏ. Công việc của anh 10 năm qua ít nhiều liên quan đến lĩnh vực truyện tranh. Anh là người đã góp phần đưa Dũng sĩ Hesman trở lại với bạn đọc vào năm 2019, và là một người bạn thân thiết của họa sĩ Nguyễn Hùng Lân. Tri thức - ZNews trân trọng giới thiệu bài viết tri ân họa sĩ Nguyễn Hùng Lân của anh.

Họa sĩ Hùng Lân bắt đầu chặng đường vẽ truyện tranh từ năm 1987 với bộ Truyện cổ tích Việt Nam gồm 24 tập do Nhà xuất bản Tiền Giang xuất bản.

 Tác giả Hùng Lân và độc giả tại sự kiện ra mắt Hesman vào tháng 10/2019.

Tác giả Hùng Lân và độc giả tại sự kiện ra mắt Hesman vào tháng 10/2019.

32 năm với ông để lại dấu ấn chói lọi với Dũng sĩ Hesman 160 tập: tập 1-159 sáng tác năm 1992-1997; tập 160 vẽ vào năm 2018 nhân kỷ niệm 25 năm Hesman xuất bản tập đầu tiên, là món quà tác giả gửi những ai từng say mê những trang truyện đồng hành cùng Gát Cô, Kíp, Huy Hùng...

Cô Tiên Xanh mà tác giả góp mặt sáng tác cũng gây tiếng vang lớn. Dũng sĩ HesmanCô Tiên Xanh giữ kỷ lục là bộ truyện Việt Nam dài tập nhất trong một khoảng thời gian dài, cho đến khi Thần đồng đất Việt lập kỷ lục mới.

Họa sĩ Hùng Lân còn là tác giả hàng loạt bộ truyện khác như Tề Thiên Đại Thánh (Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 13 tập), Nghìn Lẻ Một Đêm (Nhà xuất bản Tiền Giang, 32 tập), Gương Sáng Tuổi Xanh (Nhà xuất bản Trẻ, 24 tập)... cho đến gần đây nhất là TôTô và các bạn (Nhà xuất bản Giáo Dục, 32 tập) vào năm 2015.

Một số tập truyện Dũng sĩ Hesman, Cô Tiên Xanh do họa sĩ Hùng Lân sáng tác. Ảnh: Lê Đặng Tín.

Một số tập truyện Dũng sĩ Hesman, Cô Tiên Xanh do họa sĩ Hùng Lân sáng tác. Ảnh: Lê Đặng Tín.

Những câu chuyện thú vị về quá trình vẽ truyện đã được họa sĩ nhiều lần chia sẻ trên các phương tiện báo đài, điển hình như việc sáng tác trong điều kiện thiếu thốn và ép tiến độ mỗi tuần 1 tập truyện 70 trang từ vẽ bìa, vẽ tranh, kịch bản, lời thoại...

Lại có kỷ niệm dễ thương và ngộ nghĩnh như chuyện những người con tác giả từ khi còn là những cậu bé học trò thì ngoài giờ học đã biết phụ ba mình tô màu, làm những công việc đơn giản; chẳng hạn theo yêu cầu “Chỗ nào ba đánh dấu X thì con tô đen nhé”. Vì còn là những cậu bé ham chơi, đôi lúc còn chểnh mảng mà dẫn đến việc một số tập truyện xuất bản có chữ X không tô đen.

Sáng tác nhạc như một cách "làm người tông đồ của Chúa"

Bên cạnh vai trò họa sĩ truyện tranh, người thiết kế font chữ, họa sĩ Hùng Lân còn âm thầm sáng tạo ở một lĩnh vực khác, ít được biết đơn hơn: nhạc sĩ Nguyên Hùng hơn 30 năm sáng tác với hơn 100 bản nhạc thánh ca.

Lúc trà dư tửu hậu, có lần chú Hùng Lân chia sẻ: "Ngày ấy chú có hướng đi tu đó, thi đậu vào dòng luôn rồi, hồi đó thi vô dòng cũng khó lắm, nhưng rồi trong thời gian thử thách và tĩnh tâm thì chú lại nghĩ thôi Chúa ơi, ơn gọi của con chưa đủ lớn và lòng con chưa vững để theo chân Chúa thì Chúa con xin được làm người tông đồ của Chúa theo cách khác".

 Một số ca khúc thánh ca do nhạc sĩ Nguyên Hùng sáng tác. Ảnh: Lê Đặng Tín.

Một số ca khúc thánh ca do nhạc sĩ Nguyên Hùng sáng tác. Ảnh: Lê Đặng Tín.

Và rồi thay vì làm cha xứ dâng Thánh lễ ở nhà thờ thì họa sĩ Hùng Lân cũng làm cha nhưng là cha của 5 người con nhỏ. Trước khi được gặp và tiếp xúc với họa sĩ Hùng Lân ở ngoài, khi mới tiếp nhận những thông tin trên mạng xã hội thì người viết cũng có cảm nhận là nhìn người này sao giống giống Linh Mục. Hóa ra là linh cảm cũng có phần đúng và lý do thì như vừa nói.

106 ca khúc thánh ca ông sáng tác đã được nhạc sĩ tổng hợp trong một ấn bản kỷ niệm. Một ấn bản mang đậm dấu ấn của họa sĩ/nhạc sĩ Nguyễn Hùng Lân khi ông tự tay làm hết các phần việc: sáng tác nhạc, viết lời, ký âm, font chữ, vẽ bìa, thiết kế, in ấn.

Nói thêm về font chữ, font chữ Thư Pháp phổ biến mà hẳn ai trong chúng ta cũng từng sử dụng khi nhập môn Tin học cũng do họa sĩ Hùng Lân thiết kế. Hay font VN-comic thường được dùng để biên soạn lời trong các ấn bản truyện tranh cũng là "cộp mác" họa sĩ Hùng Lân. (Chút chuyện chia sẻ thêm: Có bộ comic rất nổi tiếng, được tái bản ở Việt Nam dạng khổ lớn in màu, sử dụng font Vn-comic nhưng họa sĩ không hề được thông báo trước hay nhận được lời cảm ơn). Ngoài những font chữ phổ biến trên thì họa sĩ còn thiết kế hơn 100 font chữ khác cho từng mục đích sử dụng khác nhau. Hơn một nửa số đó được chia sẻ miễn phí.

Một ngày đầu hè 2025, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, vẫn còn đó những dự định đã và đang được tiến hành: truyện tranh khổ lớn full màu Lục Vân Tiên, truyện tranh màu Cuộc đời Chúa cứu thế... Tuy vậy, tất cả đành hẹn lại.

Người họa sĩ, nhạc sĩ đã từ giã cuộc đời dương thế của mình vào hồi 15h ngày 9/5 tại nhà riêng, để lại muôn vàn nỗi tiếc thương với con tim nhiều thế hệ. Họa sĩ Hùng Lân và nhạc sĩ Nguyên Hùng, hai đường thẳng song song gặp nhau ở một người nghệ sĩ tài hoa: Nguyễn Hùng Lân.

Họa sĩ Nguyễn Hùng Lân sinh năm 1956. Ông là một trong những tên tuổi tiên phong của truyện tranh Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bộ truyện tranh huyền thoại Dũng sĩ Hesman - một biểu tượng văn hóa đại chúng từng làm say mê hàng triệu độc giả Việt Nam vào thập niên 1990. Ngoài Hesman, ông còn được yêu mến với các bộ truyện Siêu nhân Việt Nam, Cô tiên xanh, Thằng Bờm,...

Ông qua đời vào chiều ngày 9/5. Chương trình Lễ tang Inhaxiô Nguyễn Hùng Lân: 7h sáng thứ bảy 10/5 đón linh cữu về quàn tại nhà xứ 121 Phan Đăng Lưu, phường 7 Phú Nhuận Lễ an táng diễn ra vào 5h thứ hai 12/5 tại nhà thờ Phú Hạnh, 121 Phan Đăng Lưu.

Lê Đặng Tín

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-si-hung-lan-nhac-si-nguyen-hung-hai-duong-thang-song-song-post1552411.html