Gói ghém yêu thương trong bữa cơm bán trú
Mô hình bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Phú Hòa (phường Đông Ba, quận Phú Xuân) đang trở thành hình mẫu về cách giáo dục học sinh.

Kiểm tra chất lượng thực phẩm trước khi chế biến
Học sinh hào hứng
10h30, khu bếp bán trú của Trường Tiểu học Phú Hòa bắt đầu nhộn nhịp. Hàng trăm suất cơm nóng hổi được các cô giáo nhẹ nhàng chuyển đến từng lớp, gọn gàng như vừa nấu xong tại nhà. “Chúng tôi không gọi là “nấu cơm” cho học trò. Đây là chăm sóc trẻ từ chính sự quan tâm, cẩn trọng trong từng món ăn”, cô Lê Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Điểm nhấn đặc biệt tại trường là khu bếp khang trang và hiện đại; được xây dựng theo nguyên tắc một chiều, gồm các khu sơ chế, chế biến, ra món và lưu mẫu riêng biệt. Hệ thống bếp nấu, máy sấy khay thực phẩm hiện đại giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bếp ăn mỗi ngày phục vụ hơn 430 suất ăn cho 4 khối lớp. Thực đơn thiết kế luân phiên theo tuần, dựa trên khuyến nghị dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, với đầy đủ cơm, món mặn, rau, canh và món tráng miệng.
Bếp trưởng Nguyễn Thị Giang - người đã gắn bó với bếp ăn gần 20 năm, chia sẻ: “Rau, thịt, cá... đều được chọn kỹ từ đơn vị cung ứng uy tín. Nhà trường không chọn nhà thầu giá rẻ, mà chọn nơi đảm bảo chất lượng”. Hàng ngày đều có giáo viên kiểm thực ba bước lưu mẫu đúng quy định. Khâu vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu: rau củ rửa kỹ, thịt cá ngâm nước muối trước khi chế biến. Hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm theo dõi học sinh ăn uống, ghi nhận món nào học sinh không thích để đề xuất điều chỉnh thực đơn. Ban giám hiệu cũng phân công trực các tầng trong giờ ăn để quan sát, động viên từng em.
Mỗi ngày, học sinh còn được cô giáo mở video “3 phút thay đổi nhận thức trước khi ăn”, giúp các em hiểu về giá trị dinh dưỡng của món ăn trong ngày. Ví như, cà chua chứa vitamin gì, thịt cá có lợi ra sao, trứng cung cấp gì cho cơ thể… “Những kiến thức này dần trở thành thói quen, giúp trẻ tự ý thức chăm sóc bản thân. Sau khi ăn, các con biết dọn khay gọn gàng. Đó là bài học nhỏ về tính kỷ luật, sự sẻ chia và vệ sinh”, cô Đặng Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/2, chia sẻ.
Phụ huynh yên tâm
Chị Trần Thị Thanh Hương, một phụ huynh từng phân vân không biết có nên để con ăn bán trú, nhưng sau một lần quan sát bữa cơm trưa tại trường, chị đã thay đổi. “Thức ăn sạch, bày biện bắt mắt, món ăn phù hợp khẩu vị trẻ. Tôi thấy cô giáo không chỉ phục vụ mà còn nhẹ nhàng trò chuyện, động viên các con. Về nhà, con tôi khoe ăn canh rau ngon như mẹ nấu, tôi nghe mà ấm lòng”, chị Hương cười kể. Nhiều phụ huynh cũng chung cảm nhận. Điều khiến họ yên tâm là sự công khai, minh bạch: thực đơn dán công khai, hình ảnh bữa ăn cập nhật hàng ngày qua nhóm zalo lớp.
Không dừng lại, Trường Tiểu học Phú Hòa còn mong muốn lan tỏa mô hình “bán trú tử tế". Hiệu trưởng nhà trường - cô Lê Thị Thùy Linh, từng được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế (cũ) cử tham dự các hội thảo quốc tế về dinh dưỡng học đường, như khóa học về chương trình bữa ăn trường học tại Indonesia, chia sẻ: “Trường học là nơi định hình sức khỏe và thói quen ăn uống cho học sinh. Đầu tư cho bữa ăn học đường là đầu tư cho tương lai”. Theo cô, yếu tố then chốt chính là sự giám sát chặt chẽ và gắn kết bền chặt giữa nhà trường - giáo viên - phụ huynh.