Gói hỗ trợ lãi suất 2% áp dụng đến hết năm 2023, sau đó hủy dự toán
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước Quốc hội như vậy và nhấn mạnh, số tiền chưa giải ngân sẽ được chuyển nguồn sang cho chính sách giảm thuế VAT và các chính sách hỗ trợ khác.
Sau 1,5 ngày thảo luận ở Hội trường Quốc hội về vấn đề kinh tế xã hội và việc thực hiện Nghị quyết 43 về gói tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, chiều 1/11 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu tiếp thu, giải trình trước các đại biểu Quốc hội.
Về Nghị quyết 43 thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng cho rằng, đây là một chủ trương và quyết sách hết sức đúng đắn, chính xác và kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Một số chính sách của Nghị quyết 43 đã hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân và người lao động; đã phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần vào kết quả cao trong 9 tháng đầu năm nay.
Bên cạnh các hỗ trợ này, chúng ta cũng đã dành hơn 50% nguồn lực của Chương trình phục hồi cho đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội. Đó là những dự án quan trọng, dự án trọng điểm mang tính chiến lược của quốc gia, hiện nay đang triển khai cũng đang rất tích cực.
Các dự án này chúng ta đã dành 176.000 tỷ/337.000 tỷ của cả chương trình cho đầu tư hạ tầng, bên cạnh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động, Bộ trưởng thông tin.
Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chương trình này chưa đạt được hiệu quả. Xuất phát từ hai lý do:
Thứ nhất, chủ yếu do nền kinh tế gặp khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay, do thiếu đơn hàng, do tình hình sản xuất khó khăn. Nhưng một số doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện vay.
Thứ hai, do thiết kế chương trình của chúng ta rất thận trọng. Chúng ta có quy định đối với những dự án "có khả năng phục hồi", từ này dẫn đến người cho vay, các doanh nghiệp cho vay, đơn vị cho vay và các doanh nghiệp đi vay cũng rất ngại trong việc hiểu thế nào là doanh nghiệp "có khả năng phục hồi".
"Đó là vấn đề chúng tôi cho rằng chưa đạt được kỳ vọng của chương trình đề ra", ông Dũng nhấn mạnh và cho biết, hiện nay mới giải ngân được 873 tỷ đồng, gần bằng 2% kế hoạch.
Cho đến nay, việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng mới đạt 873 tỷ đồng, gần 2% kế hoạch.
(Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng)
Nêu giải pháp tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chương trình này đến hết năm 2023, nếu không đạt được thì sẽ hủy dự toán.
"Đây là khoản chúng ta chưa phát hành, chưa huy động nên không ảnh hưởng gì đến bội chi."
"Thay vào chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này, chúng ta sẽ chuyển tiếp sang xin giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng cũng như các thuế khác trong thời gian tới để hỗ trợ cho doanh nghiệp", ông Dũng thông tin.
Trước đó, hồi giữa năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có báo cáo lên Chính phủ về việc gói hỗ trợ lãi suất 2% mới giải ngân được 1% và xin phép chuyển nguồn. Tuy nhiên, Chính phủ sau đó có chỉ đạo cố gắng hết sức để giải ngân, trước khi nghĩ đến phương án chuyển nguồn.
Cùng thời điểm, một số ý kiến chuyên gia cho rằng nên chuyển nguồn sang hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở xã hội. Trong khi đó, một số khác gợi ý chuyển nguồn lực sang gói giảm 2% VAT đã làm rất tốt trong năm 2022, như vậy dễ thực hiện và đúng đối tượng là hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Quốc hội cần có kỳ họp bất thường để nghiên cứu gói hỗ trợ mới
Phát biểu tranh luận với một số đại biểu về việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thời điểm sau khi đại dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ tăng trưởng 2,6%, việc Quốc hội có một kỳ họp bất thường vào tháng 1/2021 và đã đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết 43 ngày 11/1/2022 để phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch là một quyết định sáng suốt.
Tuy nhiên, Chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 43 bị hạn chế bởi sau đó chưa đầy 20 ngày (ngày 24/2/2022) xuất hiện xung đột Nga - Ukraine và cuộc xung đột đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, làm cho thương mại quốc tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu, khiến xuất khẩu Việt Nam suy giảm, doanh nghiệp và người lao động cũng bị ảnh hưởng theo.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị có một kỳ họp Quốc hội bất thường để xem xét một gói hỗ trợ tương tự như Nghị quyết 43 nhưng tăng liều lượng về nội dung hơn.
"Ví dụ cụ thể như miễn giảm thuế, hỗ trợ người lao động, người mất việc làm hay các chính sách mà chúng ta cho vay rất hiệu quả trong Nghị quyết 43", ông Ngân gợi ý.