Gọi những mùa hoa

Mưa vẫn trắng trời, trắng đất. Tiếng mưa át cả tiếng thác Mơ, dòng thác nằm giữa cánh rừng đại ngàn không bao giờ vơi cạn. Đường nứt, đất xói mòn. Bà con ở mấy bon trong xã đã phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Lực lượng Công an xã và dân quân luôn sẵn sàng chuẩn bị cho các tình huống. Đêm đen thăm thẳm. Gió mây vần vũ. Tiếng gió hú, tiếng nước gầm dội về khiến ai cũng căng mình trong trạng thái căng thẳng. Rồi tiếng cây đổ, tiếng ùng oàng của vạt đồi sụp xuống.

Đã quá nửa đêm. Tiếng mưa rả rích gõ lên mái tôn khiến không gian càng như hoang vu, quạnh vắng. Chị Hiền xộc vào phòng trực ban, vai áo loang loáng vệt nước mưa, giục giã:

- Thắng đi với chị vào thôn Đắk Hòa. Có đối tượng uống rượu say đánh vợ con, đuổi mẹ ra khỏi nhà. Hàng xóm không ai ngăn cản được cả. Mưa gió thế này mà đứa con nhỏ mới có mấy tháng tuổi...

Vào đến nơi, thấy gã đàn ông say rượu đưa khúc cây định đập vào lưng người vợ trẻ đang cố che chắn cho đứa con nhỏ, chị Hiền nhảy xuống xe, xông tới ôm hai mẹ con. Khúc cây giáng xuống lưng chị. Tôi vứt xe, lao tới khóa tay gã đàn ông lại. Chẳng biết hơi men đã vơi bớt phần nào sau cú đập hung hăng định trút xuống lưng vợ hay vì tiếng khóc ré lên của đứa bé, gã đàn ông sực tỉnh, hốt hoảng. Chị Hiền chẳng để ý đến vết thương, dìu người vợ trẻ vào trong nhà. Tôi đẩy gã đàn ông cúi gằm mặt vào theo.

Chị Hiền hỏi han người vợ trẻ, hỏi han bà mẹ, đứa bé rồi nhẹ nhàng nói chuyện. Gã đàn ông bưng mặt khóc. Mưa gió dai dẳng, không có việc làm, vợ thiếu ăn ít sữa khiến con khóc cả đêm, gã chán nản tìm đến hơi men rồi ma men dẫn lối thế nào mà về trút cả nỗi bực tức lên mẹ, lên vợ con. Tỉnh rồi mới thấy hối hận. Nếu khúc cây ấy giáng xuống lưng người vợ còn đang thời gian ở cữ... Gã không dám nghĩ đến nữa. Lời xin lỗi lí nhí, ngắc ngứ trong miệng.

Tôi gửi lại cho cháu bé mấy trăm, dặn gã đàn ông mai lên xã nhận gạo cứu trợ cho qua thời gian này. Chắc cũng sắp dứt mưa rồi. Dứt mưa, các nhà có rẫy phải thuê nhân công làm cỏ, chăm sóc vườn cà phê. Còn trẻ, có sức khỏe, phải nghĩ cách làm mà nuôi vợ con. Chị Hiền khẽ thở dài. Cũng vì tảo hôn nên nghèo khó cứ đeo bám từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nghèo khó, nản chí, dễ bị lợi dụng, lôi kéo. Một vòng tròn lẩn quẩn...

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Mưa vẫn lê thê không dứt, tưởng như người cũng có thể mốc lên như tấm chiếu cói chờ mãi không có ngày nắng để phơi. Chị Hiền vươn vai, khẽ nhăn mặt vì vết thương trên lưng đang kéo da non bị giãn ra, nhoi nhói. Chị đưa mắt qua ô cửa sổ nhỏ có những song sắt đã tróc hết lớp sơn chỉ còn những thanh hoen rỉ, nhìn ra mảnh sân con mờ mịt, chép miệng, mưa thêm vài tuần nữa chắc cái sân chẳng khác gì bị bỏ hoang. Mùa mưa, cỏ len qua những kẽ hở giữa những mảnh bê tông chắp vá lên xanh rì. Những hạt giống hoa chị gieo ở khoảnh đất nhỏ phía trước kiểu này khéo úng hết, chẳng lên nổi. Đấy là giống hoa chị xin được của bà con trong bon, màu vàng óng như nắng. Phía sau trụ sở, con đường đất bị nước xói tạo thành dòng nhỏ, chảy ồ ồ như suối. Tiếng ì ầm từ núi vọng về khiến tôi giật mình đánh thót. Mong là tiếng sấm. Đêm qua, mấy chục hộ dân ở bon Bơ Nơr đã phải đi sơ tán vì đường bị nứt, mấy quả đồi xung quanh bon có nguy cơ sạt lở. Mưa dễ khiến lòng người chùng xuống. Tôi cúi đầu đọc tài liệu, dằn nỗi nhớ nhà theo tiếng mưa rơi xuống đang cuộn trào lên trong lòng mình.

Thi thoảng tôi hỏi chị Hiền, làm việc ở cái xã biên giới heo hút này, chị có thấy buồn không. Chị Hiền chỉ cười bảo sống ở đâu quen đấy. Hồi nhỏ, chị sống với mẹ ở một bon nghèo, cách một quãng xa mới có một căn nhà nép mình dưới những vạt đồi nên khi được phân công về xã, chị thấy quen thuộc như được về nhà. Buồn thì không nhưng nhớ chồng, nhớ con thì có. Anh làm việc ở tỉnh, cách nơi chị làm việc hơn trăm cây số. Đứa con gái lên sáu ở cùng bố cho tiện việc học hành. Tuần nào không trực thì chị về thăm chồng, thăm con. Tuần nào chị trực thì anh lại đưa con vào thăm mẹ. Nhưng hơn tháng nay chị không về mà anh cũng không đưa con vào thăm chị được.

Mùa mưa, con đường vào xã, vào các bon không có loại xe nào chạy nổi, kể cả xe cày. Muốn vào, chỉ có thể gửi xe ở nhà một người dân nào đấy phía ngoài rồi xắn quần lội bộ. Lắm đêm, người dân gọi điện báo người nhà bị đau, chị Hiền, tôi và mấy anh em cùng lực lượng dân quân xã vội vàng chạy tới, thay phiên nhau cõng người đi ra phía ngoài rồi mượn xe chở lên bệnh viện huyện. Con đường sống trâu gồ ghề, ổ voi sâu hoắm đọng đầy nước, hai bên đường nước xói đất thành rãnh, đi bộ lắm khi còn trượt chân ngã dúi dụi. Được ngày nghỉ cuối tuần, lội bộ vào đến nơi thì hết nửa ngày nên vợ, chồng, con cái chỉ gặp nhau qua màn hình điện thoại. Chị Hiền bảo may bây giờ hiện đại, còn nói chuyện, nhìn thấy nhau bằng điện thoại thông minh được chứ kể như ngày trước thì cũng đành chịu.

Tuấn - cậu trai trẻ nhất đơn vị mới được tăng cường từ tỉnh về thi thoảng nửa đùa nửa thật rằng nếu mưa mà kéo dài thêm độ tháng nữa khéo cô bạn em đang để ý lại nhận lời người khác, em lại vẫn độc thân bền vững mất. Chị Hiền cười bảo cần tìm đâu xa, bên điểm trường toàn các cô giáo trẻ xinh xắn, chưa chồng lại giỏi giang. Chỉ cần thấy các cô xắn quần, lội ủng vào dạy học sinh ở các điểm trường tại các bon là đã thấy các cô chịu khó, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ rồi. Chồng đi công tác, cắm bon, cắm bản quanh năm ngày tháng mà lấy được người vợ như các cô thì còn lo gì nữa. Tôi nghe chị Hiền nói, im lặng, chợt nghĩ đến My.

My cũng là cô giáo. Nhưng My dạy ở một trường quốc tế, học trò của My đều là con nhà có điều kiện. Có lẽ, My chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh một cô giáo để đến lớp dạy học sinh phải chuẩn bị sẵn bộ áo dài và giày trong túi, đi ủng, mặc đồ lao động vượt qua con đường lầy lội, trơn trượt vào đến lớp mới thay ra để đứng trên bục giảng. My cũng chẳng thể tưởng tượng được cảnh những đứa bé đi học gói cơm vào túi nilon để ăn trưa. Sau một buổi sáng, nắm cơm nguội ngắt, nhuộm màu nilon xanh đỏ mà chúng vẫn ăn ngon lành. Nhưng My đâu có sai. Con người, ai chẳng muốn được hạnh phúc, no đủ, được sống ở nơi tiện nghi. My đã thẳng thắn nói rằng My không thể sống ở đây, cống hiến cho nơi này ngay trong lần đầu My lên thăm tôi. Mấy ngày nay, My nhắn tin nếu tôi không xin chuyển công tác, có lẽ mối quan hệ của hai đứa cần phải xác định lại. Lời chia tay chưa ai nói nhưng cả tôi và My đều hiểu. Tôi nuối tiếc nhưng có thể làm gì khác được. Tôi không phải chị Hiền, chưa có được những suy nghĩ sâu sắc và sự gắn bó máu thịt với nơi đây như chị. Nhưng tôi cũng có trách nhiệm với lý tưởng và công việc mình đã chọn lựa. Tuấn hay nói riêng với tôi, chỉ cần nhìn chị Hiền làm việc thì trong đầu chớm có ý nghĩ nản lòng, ngại khó là ngay lập tức thấy mình yếu đuối, chẳng ra gì. Lại xốc lại tinh thần mà làm việc. Chị ấy là phụ nữ, có con nhỏ còn chẳng bao giờ kêu ca gì, mình thanh niên trai tráng, mở mồm ra than vãn thấy ngượng lắm.

Hồi mới ra trường, được phân công công tác về xã, biết lãnh đạo trực tiếp của mình là một người phụ nữ, tôi có chút ngạc nhiên và băn khoăn. Địa bàn xã biên giới, có đoạn chỉ cách nước bạn đúng một nửa dòng suối cạn, đàn ông nghe nhắc đến còn ngại ngần, huống hồ là một người thuộc phái yếu. Chị Hiền cũng chẳng to cao vạm vỡ, ăn nói mạnh bạo như đàn ông mà ngược lại, dầm mưa dãi nắng quanh năm suốt tháng, chị vẫn trắng trẻo, nhỏ nhẹ. Nếu không khoác lên mình bộ quân phục, chắc không ít người lầm tưởng chị là cô văn công của đoàn văn nghệ nào đấy lên lưu diễn phục vụ bà con. Chẳng bao giờ thấy chị nổi nóng. Đôi lúc tôi vẫn nghĩ, người như chị, có lẽ thích hợp được ở nơi phố thị giống My, chọn cuộc sống đủ đầy, sung túc chứ không phải quăng mình vào nơi biên giới heo hút, hoang vắng, thiếu thốn đủ bề này.

Những đêm mấy chị em cùng đi tuần tra, chúng tôi hiểu chị hơn. Trong màn đêm tĩnh mịch, sương núi ướt lạnh vai áo, mấy chị em tâm sự với nhau về chuyện nghề, chuyện nhà. Chị bảo, chị có phải tiểu thư cành vàng lá ngọc, sinh ra đã ở vạch đích đâu mà đòi hỏi, chọn lựa. Kể cả có được chọn lựa, chị cũng xung phong tới những xã nghèo. Không phải vì chị lớn lao hay muốn chứng tỏ, thể hiện mình đâu. Chị chỉ muốn thực hiện được ước mơ từ thời thơ ấu của mình, thực hiện ước mơ của bố mẹ chị. Bố chị là lính Biên phòng. Mẹ chị là giáo viên, yêu bố mà chấp nhận theo bố đến bon vùng sâu, vùng xa dạy học để được gần chồng. Mang tiếng gần nhưng cũng chẳng mấy khi gặp nhau vì bố chị trực chốt suốt.

Năm chị lên mười, bố chị hy sinh khi truy bắt một nhóm tội phạm buôn bán ma túy đang tìm cách vượt biên. Mẹ chị như muốn phát điên, nhưng vì con mà nén nỗi đau xuống, gồng mình để vừa làm cha, vừa làm mẹ. Mẹ chị chọn ở lại mảnh đất mà bố chị đã bảo vệ, gìn giữ, để linh hồn của bố không cảm thấy cô quạnh. Nơi chị ở ngày thơ bé, con gái vừa mười lăm, mười sáu, chưa kịp thành thiếu nữ thì đã thành vợ, thành mẹ, quanh năm ngày tháng cúi mặt xuống đất, cúi mặt vào bầy con nhỏ. Họ chẳng bao giờ có thời gian ngước lên để thấy trời xanh như thế nào, lắng nghe dòng thác vọng âm thanh hùng vĩ ra sao, con suối ngân những khúc ca róc rách vui tai biết bao.

Chị muốn được làm một điều gì đó cho những thôn bon ấy, để những đứa con gái sau này lớn lên biết ngượng ngùng làm duyên, biết cảm giác hạnh phúc khi trở thành thiếu nữ. Chị muốn những tiếng chiêng ngân không bị bất cứ điều gì làm vẩn đục... Đã từng có lúc nào mệt mỏi, đã từng có lúc nào cảm thấy bất lực không? Có chứ! Nhưng trong những đêm đi tuần, qua những ngôi nhà đã khép cửa mà vẫn le lói ánh đèn, nghe tiếng trẻ con học i tờ, tiếng cười nói sum vầy, tiếng thoi dệt thổ cẩm va vào khung cửi lách cách, thấy bon làng bình yên, no ấm, lại thấy mình có động lực để làm việc, để thực hiện những ước mơ đã được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu.

Bà con trong xã cũng dần quen sự có mặt của chị Hiền, quen với vai trò của chị. Chị em phụ nữ ở các bon, các bản có hoạt động gì đều mời chị Hiền xuống tham gia cho bằng được. Các cô giáo dạy ở các điểm trường kể, bài tập làm văn, nhiều cháu viết ước mơ lớn lên trở thành Công an giống cô Hiền. Tuấn bảo, muốn biết một người có được yêu mến hay không, cứ nhìn vào tình cảm của những đứa trẻ con dành cho người ấy.

Những ngày mưa gió, bà con không đi làm nương, rẫy được, chị Hiền phân công chúng tôi xuống từng bon, vào từng nhà để vận động, nắm tình hình. Căn nhà K' Quàng nằm cuối bản Đắk Nur, bốn bề là núi rừng bao bọc. K'Quàng không có nhà. Người vợ ôm ba đứa con lắp xắp trứng gà trứng vịt nhìn vô định vào màn mưa. Thấy bóng người bước vào. Chị giật mình. Nhận ra chúng tôi, khuôn mặt chị tái đi. Chị cúi gằm mặt xuống, né tránh. Chị Hiền ngồi xuống, ôm đứa nhỏ nựng nịu rồi lấy mấy chiếc bánh quy trong túi chia cho hai đứa lớn. Chị hỏi chuyện quỹ hỗ trợ của phụ nữ, chuyện tham gia khôi phục nghề dệt truyền thống của bà con, chuyện học hành của mấy đứa trẻ con. Một lát, chị vợ K'Quàng bỗng òa lên khóc. K'Quàng theo Y Xin đi mấy hôm nay chưa về. Y Xin là kẻ lười làm, ham chơi, suốt ngày lêu lổng với kẻ xấu. Chẳng hiểu sao gần một năm nay K'Quàng chơi thân với Y Xin. Từ người chăm chỉ làm ăn, K'Quàng trở nên chán nản, chê việc chăm sóc nương rẫy vất vả mà không kiếm được nhiều tiền. Ngày chị Hiền mới về, K'Quàng còn khen chị tốt, khen chị đẹp, khen chị đem điều tốt đến cho bon làng, thôn xóm. Vậy mà chẳng biết Y Xin gieo rắc vào đầu những gì, giờ K'Quàng lại chê chị là khúc cây cản đường, là hòn đá chắn lối. Mấy lần chị Hiền khuyên K'Quàng chịu khó làm ăn cho vợ con bớt khổ thì K'Quàng tức tối, cho rằng chị nhòm ngó nhà mình. Có lúc, K'Quàng càu nhàu chị Hiền hay ra oai, về làm Trưởng Công an ở cái xã bé tí teo mà lúc nào cũng cấm cái này, cản cái kia. Rồi cứ chờ mà xem, thể nào cũng có ngày... K'Quang chỉ nói vậy rồi im bặt, lấm lét như sợ ai nghe thấy. Mấy hôm trước, Y Xin thì thầm, thậm thụt rủ rê, K'Quàng theo Y Xin ngay, mặc cho vợ con ngăn cản. Đã mấy ngày rồi, K'Quàng không về nhà, cũng chẳng nhắn gì. Chị vợ lo mà cũng chẳng biết làm thế nào.

Mấy đêm liền chị Hiền thức trắng. Phòng trực ban lúc nào cũng sáng đèn. Tôi nhìn vào, thấy bóng chị in trên vách tường lặng lẽ, trăn trở. Hình như chị gầy đi nhiều. Mưa sụt sùi, sóng điện thoại cũng chập chờn lúc được, lúc mất. Lúc rảnh, chị lấy cuốn vở tập tô của con bé ra lật nhẹ nhàng từng trang rồi mỉm cười một mình.

*

Mưa vẫn trắng trời, trắng đất. Tiếng mưa át cả tiếng thác Mơ, dòng thác nằm giữa cánh rừng đại ngàn không bao giờ vơi cạn. Đường nứt, đất xói mòn. Bà con ở mấy bon trong xã đã phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Lực lượng Công an xã và dân quân luôn sẵn sàng chuẩn bị cho các tình huống. Đêm đen thăm thẳm. Gió mây vần vũ. Tiếng gió hú, tiếng nước gầm dội về khiến ai cũng căng mình trong trạng thái căng thẳng. Rồi tiếng cây đổ, tiếng ùng oàng của vạt đồi sụp xuống. Phía ấy là bản Đắk Nur. Chị Hiền bật dậy, lao vào đêm tối chẳng hề nao núng. Chúng tôi cũng bật dậy, theo chị.

Gần sáng, những hộ dân của bản Đắk Nur đã được sơ tán gần hết. Những khuôn mặt phờ phạc, bợt bạt vì mưa gió giãn ra vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Nước ngang bắp chân, cuồn cuộn những rác rến, khúc củi, thân cây trôi lềnh bềnh. Có tiếng hét, tiếng trẻ con khóc vọng về từ cuối bản. Nhà của K'Quàng. Chắc K'Quàng không có nhà, mấy mẹ con không kịp chạy. Đôi môi tím tái vì lạnh của chị Hiền mím lại. Anh em dân quân đang lo sơ tán trẻ em và người già, lực lượng thanh niên cũng đang giúp người dân di dời khỏi nơi nguy hiểm. Chẳng kịp nghĩ thêm gì nữa, chị Hiền và tôi ngược theo dòng nước, nhích lên từng chút một.

Người vợ và ba đứa con của K'Quàng ôm nhau khóc thút thít. Tôi ôm đưa bé, còn đứa lớn cho nó ôm chặt cổ mình, lò dò từng bước một. Chị Hiền dìu vợ K'Quàng địu đứa nhỏ nhất trước ngực, dò dẫm từng bước. Mưa dường như đã ngưng lại trong chốc lát. Tôi khẽ thở phào. Chị Hiền khẽ nhắc, đừng chủ quan. Mưa ngưng lại một chốc thế này dường như không bình thường. Tôi vừa đưa hai đứa trẻ đến nơi an toàn thì mưa lại rơi như trút nước. Nước dâng ào ạt. Con suối phía sau bản gầm lên dữ dội. Trong chớp mắt, một đợt lũ ống quét tới. Cây cối đổ rạp. Đất bị xới tung lên cuốn theo dòng nước đục ngầu. Mấy ngôi nhà dựng bằng tre không chống chọi nổi sức mạnh của nước, nhanh chóng sụp xuống trôi lềnh bềnh theo dòng nước. Tôi chụp được cánh tay của vợ K'Quàng kéo lại. Còn chị Hiền. Tôi khản tiếng gào tên chị.

K'Quàng ra đầu thú. Dạo gần đây, gã theo lời rủ rê của Y Xin, lôi kéo những người chán nản, không muốn làm lụng cực khổ mà muốn nhanh giàu, kiếm được nhiều tiền tụ tập lại với nhau bàn bạc kích động bà con đi biểu tình. Mấy ngày mưa lũ nên kế hoạch bị dời lại. Nghe tin bản mình bị lũ cuốn, gã vội vàng trở về. Nhìn nhà cửa tan hoang, khuôn mặt vợ tóp lại vì lo lắng, đứa con lớn líu ríu kể cho bố nghe nếu không được cứu chắc mấy mẹ con đã bị nước nhấn chìm, gã ôm con bật khóc. Hạt mầm hối hận bật lên trong lòng hắn khi nghe vợ bảo vì cứu mấy mẹ con mà chị Hiền suýt nữa không còn. May có cành cây chìa ra, chị bám vào kịp. Thức trắng cả một đêm, gã lên trụ sở Công an xã báo lại việc làm của Y Xin.

Tôi lên viện thăm chị Hiền. Bão lũ qua đi, trời đã bắt đầu hửng nắng. Hạt giống hoa chị gieo ở khoảnh đất trước trụ sở đã lấm tấm mầm xanh. Loài hoa của bon làng đầy sức sống, mặc mưa gió vùi dập vẫn kiên trì chờ ngày nắng lên. Bé con cũng vào thăm mẹ. Con bé khoe mẹ bức tranh về thảm hoa vàng mới vẽ. Con bé bảo, mỗi một cánh hoa là một lần con nhớ mẹ. Con nhớ mẹ lắm nhưng bố bảo con không được khóc nhè để mẹ yên tâm làm việc. Tiếng cười của con bé trong veo như màu nắng.

Trong tôi, câu trả lời về đề nghị của My rõ ràng hơn lúc nào hết.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/goi-nhung-mua-hoa-i706284/