Gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chưa phát sinh dư nợ
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33 của Chính phủ ngày 11/03/2023 chưa phát sinh dư nợ.
Sáng 19/5, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.”
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đề án xác định "phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân".
Theo đó, "người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nhằm cải thiện thứ bậc của Việt Nam về nhà ở trong bảng xếp hạng của quốc tế".
Đồng thời, "có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp".
"Mục tiêu Đề án đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn; đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022 – 2025 và 2025 – 2030)", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Bộ Xây dựng đang gấp rút triển khai 294 dự án với 300.000 căn nhà ở xã hội
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân.
Để triển khai nhiệm vụ này, hiện nay Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Bộ đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội (quy định tại chương VI dự thảo Luật) có hiệu lực sớm sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến từ 1/1/2024).
Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư số 03/2023 sửa đổi Thông tư 09/2021, theo đó cho phép các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án.
Ngoài ra, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có 02 gói hỗ trợ phát triển NƠXH.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, hiện đã hoàn thành 19.516 căn. Hiện có tổng cộng 294 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng, với quy mô 288.499 căn. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu ngắn hạn đến 2025, bên cạnh việc hoàn thành đầu tư xây dựng 288.500 căn hộ đang triển khai, thì phải mở mới và hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 120.000 căn.
Để đạt được mục đích này, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.
Rà soát các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Còn đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra của Đề án.
Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Chưa ai vay gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng
Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33 của Chính phủ ngày 11/03/2023 chưa phát sinh dư nợ.
Còn trước đó, hệ thống các ngân hàng đã triển khai cho vay một số chương trình đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đơn cử như chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 đến 31/3, dư nợ của chương trình đạt 10.935 tỷ đồng. Trong đó bao gồm dư nợ được thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ ngày 30/1/2022 là 4.381 tỷ đồng.
Về khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông cho rằng, hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế do những khó khăn, vướng mắc đã được nêu tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội như liên quan tới việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Tiếp đó, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội và ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán nhà ở xã hội...
"Những vướng mắc này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội cũng như đến tiến độ triển khai dự án, Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Do đó, mặc dù được triển khai từ ngày 1/4/2023 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng", ông Bắc nêu.
Ngoài ra, theo ông Bắc, các quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: Điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.
"Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng", ông Bắc nhấn mạnh.
Để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.