'Gọi trò' ở phía… thượng ngàn

Năm học mới 2024-2025 cận kề, trong khi giáo viên (GV), phụ huynh và học sinh (HS) đang hân hoan chung tay chuẩn bị chu đáo để đón chào ngày khai giảng thì tại một số khu vực miền biên viễn của tỉnh, không ít nhà trường, GV lại đang hối hả băng rừng, lội suối đi đến tận từng bản, từng nhà dân để 'gọi trò' với quyết tâm không để thiếu HS trong ngày khai trường...

Học sinh vào rừng dựng lán, trốn học

Những ngày trung tuần tháng 8/2024, chúng tôi ngược lên phía Tây của tỉnh rồi rong ruổi theo dãy Trường Sơn để hiểu thêm về công tác “gọi trò” nơi miền biên viễn mỗi dịp năm học mới...

Giữa tiết trời nắng như đổ lửa, dẫn chúng tôi đến bên một gốc cây bằng lăng rừng cổ thụ nằm cạnh con suối Cồn Roàng chảy qua bản Cóc, xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch) để tránh nắng và tạm nghỉ ngơi chốc lát, thầy giáo Đinh Miết (SN 1986), Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Bố Trạch trải lòng: “Miềng người Ma Coong thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều, từng có 14 năm công tác ở Trường PTDTNT huyện Bố Trạch. Bởi vậy, nhà trường, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng luôn tin tưởng và thường xuyên huy động vào nhiệm vụ đi nắm bắt tình hình HS bỏ học để vận động trở lại trường, nhất là vào dịp đầu năm học mới. Do điều kiện địa hình vùng biên giới Thượng Trạch khá phức tạp, hiểm trở, cộng với ý thức, phong tục, tập quán của nhiều gia đình người Ma Coong không thực sự chú trọng tới việc học tập của con em nên trước đây tình trạng HS bỏ học ở khu vực này diễn ra tương đối phổ biến, rất đáng lo ngại…”.

Giáo viên Trường PTDTNT huyện Bố Trạch cùng Bộ đội Biên phòng trực tiếp đến tận các nhà dân để vận động học sinh trở lại trường trong năm học mới 2024-2025.

Giáo viên Trường PTDTNT huyện Bố Trạch cùng Bộ đội Biên phòng trực tiếp đến tận các nhà dân để vận động học sinh trở lại trường trong năm học mới 2024-2025.

Chỉ tay vào một vạt rừng rậm rạp ở phía lưng chừng núi thuộc bản Cóc, Đinh Miết nhớ lại, cách đây 2 năm, một tốp khoảng 10 HS (lớp 7, 8, 9) của Trường PTDTNT huyện Bố Trạch sau một thời gian được nhà trường cho về nghỉ phép (vào đầu tháng 4), đã hẹn nhau trốn vào đó dựng lán trại để trú ngụ mà không chịu trở lại trường. Để mọi người không tìm thấy, nhóm học trò này còn chặt cây khóa chặt các lối đi dẫn vào lán… Dịp đó, không thấy một số HS trở lại lớp học, nhà trường cử GV (trong đó có thầy Miết) về đến tận các gia đình tìm hiểu, quyết tâm “bắt trò” quay về lớp.

Đáng ngạc nhiên, hầu hết các phụ huynh của những HS trên đều nhầm tưởng con em của mình đã trở lại trường học nên “vô tư” lên rẫy kiếm kế sinh nhai. Khi được nhà trường thông báo, một số phụ huynh vẫn thản nhiên xem như ”chuyện bình thường”. Nhưng vẫn có một vài phụ huynh đã tích cực phối hợp cùng GV băng rừng, lội suối đi tìm các em. Mãi cho đến khi tìm ra được một chiếc lán ở khu vực bản Cóc, lực lượng tìm kiếm mới “tá hỏa” phát hiện các HS này đã họp bàn kỹ lưỡng từ trước và lập kế hoạch mang gạo, mì tôm, thực phẩm vào đây để tá túc nhiều ngày nhằm trốn học.

Thầy giáo Đinh Miết kể cho chúng tôi nghe về các trường hợp nghỉ học dài ngày trong năm 2023-2024, như: Đinh H., HS lớp 7 ở bản Cóc nghỉ học do ở nhà phụ giúp cha mẹ thu hoạch lúa rẫy; Đinh X., HS lớp 9 nghỉ học để đi làm thêm kiếm tiền...

Nhiều giải pháp “gọi trò” hiệu quả

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây, nhờ triển khai kế hoạch “gọi trò” vào dịp đầu năm học mới ở các trường học được chuẩn bị một cách sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đã góp phần to lớn vào việc “ươm mầm tri thức”, xây dựng miền biên cương của tỉnh ngày càng đẹp giàu hơn.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc HS ở khu vực vùng Lòm, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) nghỉ học gián đoạn, thậm chí bỏ học, như: Quãng đường từ nhà đến trường xa, đi lại khó khăn, nhất là vào thời điểm mưa lũ; hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên một số HS nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ; vào mùa có nhiều lâm sản phụ, HS bỏ học lên rừng kiếm thêm thu nhập; ảnh hưởng từ phong tục, tập quán cưới hỏi, cúng, lễ hội của đồng bào bản địa và các dân tộc sinh sống lân cận…”, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH-THCS số 2 Trọng Hóa Cao Văn Chinh chia sẻ việc đúc rút kinh nghiệm để xây dựng, triển khai kế hoạch “gọi trò” phù hợp với thực tiễn của nhà trường.

Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Bố Trạch Hoàng Đức Hòa chia sẻ: Trường chúng tôi đóng trên địa bàn xã biên giới Thượng Trạch, nơi có 18 bản, làng nằm trải dài trên diện tích đất tự nhiên hơn 700km2, với trên 800 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu, gần 100% là người Ma Coong. Để hạn chế thấp nhất tình trạng HS bỏ học, hàng năm, nhà trường đều tham mưu với Đảng ủy, UBND xã Thượng Trạch thành lập ban vận động HS. Ban này có nhiệm vụ phối hợp với các nhà trường trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh, bà con dân bản, HS về tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục đối với địa phương.

Mặt khác, ban còn thường xuyên nhắc nhở phụ huynh và HS về công việc đi học chuyên cần. Khi phát hiện có tình trạng HS bỏ học thì lập tức triển khai lực lượng về tận bản để tìm HS, vận động trở lại lớp học. Cùng với đó, ban vận động trực tiếp phân công cho từng GV chịu trách nhiệm quản lý các HS này; bố trí tư vấn tâm lý tiếp cận nhằm trao đổi, vận động, phân tích, nắm tâm tư, tình cảm của HS và tạo điều kiện để HS hòa nhập với bạn bè. Ban còn tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã thực hiện những biện pháp, chế tài đối với những gia đình có HS thường xuyên bỏ học...

Theo Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vững, để ngăn chặn tình trạng HS vùng biên giới nghỉ học dài ngày hoặc bỏ học giữa chừng, từ rất sớm, ngành giáo dục Lệ Thủy đã làm tốt công tác tuyển sinh vào lớp 1; đẩy mạnh phân luồng nhằm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục toàn huyện nói chung, đặc biệt là tại 3 xã miền núi: Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy nói riêng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, đồn biên phòng, Công an xã và các già làng, trưởng bản thực hiện nắm bắt tình hình HS trong dịp nghỉ hè, những trường hợp có nguy cơ bỏ học để có kế hoạch vận động HS trở lại trường trong năm học mới một cách hiệu quả.

Nhờ có nhiều giải pháp “gọi trò” một cách sáng tạo, chủ động, phù hợp với thực tiễn, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện chỉ có 5 trường hợp HS là người dân tộc thiểu số bỏ học giữa chừng (bậc THCS); bậc mầm non và tiểu học không có tình trạng HS bỏ học...

Văn Minh

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/giao-duc/202408/goi-tro-o-phia-thuong-ngan-2220634/