Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng Tổng thống Joseph Biden đã ký thông qua gói viện trợ quân sự mới nhất với trị giá lên đến 450 triệu USD cho Ukraine, trong đó bao gồm đa dạng các loại vũ khí, đạn dược...
Một trong những khoản mục đáng chú ý là gói viện trợ này bao gồm 4 hệ thống pháo phản lực dẫn đường M142 HIMARS bổ sung và đạn dược cần thiết để tăng cường sức mạnh cho lực lượng pháo binh Ukraine.
Đặc biệt, chính quyền Mỹ sẽ cung cấp cho Kyiv tổng cọng 18 phương tiện vận tải chiến thuật để kéo pháo 155 mm và 36.000 quả đạn cỡ 105 mm cho pháo hạng nhẹ L118 , vốn đã có trong thành phần tác chiến của pháo binh Ukraine.
Không chỉ có vậy, đợt giao hàng này còn đi kèm số lượng lớn đạn dược, nhằm tăng cường sức mạnh cho các đơn vị bộ binh của quân đội, phía Mỹ dự định cung cấp thêm 1.200 súng phóng lựu và 2.000 súng máy.
Có lẽ điều thú vị nhất trong gói viện trợ quân sự mới của Mỹ đó là Lầu Năm Góc đang bàn giao cùng lúc 18 xuồng cao tốc cho Ukraine, chúng có thể được sử dụng trong vùng biển ven bờ, hoặc bảo vệ các tuyến đường thủy nội địa trên sông Dnepr.
Những chiếc xuồng như vậy thực sự cần thiết cho Hải quân Ukraine để đẩy lùi lính biệt kích Nga ở cửa sông Danube, hoặc trong vùng nước của kênh đào Dnepr - Bug, lối ra từ các cảng Mykolayiv, Ochakov và Kherson.
Ngoài ra những chiếc xuồng như vậy cũng sẽ được Hải quân Ukraine sử dụng để tăng cường tuần tra trên sông Dnepr, đơn vị mới sẽ được thành lập để đảm nhiệm chức năng phòng thủ từ xa cho thủ đô Kyiv.
Theo tiết lộ của chính Tư lệnh Hải quân Ukraine - Chuẩn Đô đốc Neizhpapa, một số tàu sông đang được huy động với mục đích chính là chở lính tuần tra, tuy nhiên tính năng tác dụng của chúng không bằng những xuồng cao tốc Mỹ sắp bàn giao.
Mặc dù vậy, trong đợt chuyển giao thiết bị quân sự này chưa có thêm những vũ khí hạng nặng mà Quân đội Ukraine đang rất mong đợi, ví dụ như pháo tự hành M109A6 Paladin mà Mỹ hứa cung cấp trước đó.
Đại diện chính quyền Ukraine thông báo họ cần thêm nhiều vũ khí hạng nặng nữa từ Mỹ cũng như phương Tây, đặc biệt là pháo binh và tên lửa chiến thuật nhằm giảm bớt lợi thế quá lớn về hỏa lực của quân Nga.
Mặc dù mới đây Pháp đã viện trợ thêm pháo tự hành CAESAR, Đức bàn giao những hệ thống PzH 2000 đầu tiên, nhưng rõ ràng con số trên vẫn như muối bỏ bể, bởi trong từng trận chiến, quân Nga có thể tung ra từ vài chục đến hàng trăm khẩu lựu pháo và pháo phản lực phóng loạt.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết với tình hình viện trợ nhỏ giọt như hiện nay, lực lượng vũ trang nước này rất khó giữ các vị trí phòng thủ tại chiến trường Donbass trước sức tấn công mãnh liệt của Nga.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại cũng có nhiều ý kiến cho rằng các chỉ huy quân sự Ukraine đã sai lầm khi lựa chọn phương án lập phòng tuyến, đối đầu trực diện bằng hỏa lực mạnh với quân đội Nga.
Quân đội Ukraine nên quay trở lại phương thức tác chiến như giai đoạn đầu, đó là tập trung vào chiến tranh du kích, chủ động không giao tranh vượt quá cấp đại đội với quân Nga và buộc đối phương dàn trải lực lượng để tập kích.
Bạch Dương