Gợi ý chọn nhà sàn cổ 9 gian là điểm đến đầu tiên tại Cao Bằng

Ngôi nhà sàn cổ 9 gian được xây từ năm 1899-1903, được làm bằng gỗ quý, chiều rộng 8,5 m, chiều dài 23 m. Hơn 100 năm qua, ngôi nhà vẫn vững chãi và lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày.

Ngày 29/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức khai trương điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An.

Khai trương điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An. Ảnh: TTXVN

Khai trương điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân, huyện Thạch An. Ảnh: TTXVN

Ngôi nhà sàn cổ 9 gian của gia đình của ông Nông Hải Dương, được xây dựng từ đời bố của ông Dương.

Theo báo Cao Bằng, xưa thôn Tục Ngã, Đức Xuân (Thạch An) là rừng rậm, bạt ngàn cây cối, nhiều thú dữ, chỉ có mấy nóc nhà thưa thớt. Bố của ông Nông Hải Dương đến tuổi trưởng thành, lập gia đình xin cha mẹ làm ngôi nhà sàn mới kiên cố để tránh thú dữ, làm kho thóc, bảo đảm an toàn cho gia đình.

Phải mất hơn 4 năm, 5 người khỏe sung sức trong gia đình và hơn 10 người thợ mộc cùng nhau chuẩn bị mới làm xong ngôi nhà sàn gỗ quý công phu.

Ngày đó, gỗ là vật liệu chính. Hơn 2 năm cả nhà lên rừng tìm cây to, có độ dài từ 4-9 m, 36 cây là loại gỗ nghiến, trai, thông núi đá trăm năm tuổi được lấy gỗ về để khô, những người thợ mộc giỏi tiến hành đục, bào, đo đạc, tính ghép thành hình khối để đục mộng, xà, vì kéo, mái lợp để dựng nhà…

Từ năm 1899-1903, ngôi nhà mới 3 gian bằng gỗ quý to đẹp nhất bản được hoàn thành, có chiều rộng 8,5 m, chiều dài 23 m, mái lợp ngói âm dương, vách bưng gỗ.

Ngôi nhà sàn có tầng dưới là khoảng trống để nông cụ sản xuất, chăn nuôi gia cầm; tầng hai là không gian sinh hoạt gia đình, gian giữa nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ tổ tiên, phòng khách, phía sau là bếp; hai bên là buồng riêng; phía trên cùng là gác xép nhỏ để thóc, ngô, đỗ, lạc…

Năm 1934, sợ cảnh loạn lạc, ly tán, bố ông Dương mời 2 người anh trai về dựng thêm nhà với mình, ngôi nhà được gia cố và xây dựng thêm 6 gian liền kề, thông nhau, không ngăn cách. 3 hộ sống chung như một nhà để quây quần, đoàn kết chung sống bên nhau. Ngôi nhà trở thành kiến trúc độc đáo 9 gian như hiện nay, với 400m2, khung nhà gồm trên 100 cột gỗ, trong đó, có 40 cột chính cao 9m, cột cao nhất chạy thành 2 hàng.

Hệ thống cột gỗ được nối khớp qua lỗ mộng với vì kèo, xà ngang. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương truyền thống. Giữa các gian không có vách ngăn tạo không gian sinh hoạt rộng lớn trong nhà. Sàn trên vẫn là không gian sinh hoạt của gia đình, bên dưới vẫn là nơi để các nông cụ sản xuất, chăn nuôi gia cầm.

Phía sau nhà là dãy núi cao, phía trước là cánh đồng rộng có suối chảy qua. Trước cửa nhà làm sàn để ngồi hóng mát mùa hè, phơi ngô, thóc…, mang đậm nét sinh hoạt văn hóa người Tày.

Điều đặc biệt, 9 gian nhà gỗ khi quan sát kỹ, các cột gỗ nối khớp qua lỗ mộng với vì kèo, xà ngang. Tất cả được bào nhẵn, nối khít nhau không có khe hở nhỏ. Gỗ quý lâu năm nhẵn bóng, không bị mối, mọt ăn tróc.

Đến nay, ngôi nhà sàn cổ 9 gian ở Tục Ngã dù đã hơn 100 năm vẫn vững chãi và còn lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày. 5 thế hệ chung sống trong ngôi nhà sàn cổ 9 gian luôn duy trì nền nếp gia tộc, sống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, động viên nhau lúc khó khăn. Việc quan trọng về làm ăn, quan hệ họ tộc, dạy bảo con cháu…, đều được thành viên bàn bạc, góp ý, bảo ban nhau thống nhất thực hiện. 3 hộ sinh sống trong ngôi nhà đều là Gia đình văn hóa tiêu biểu, được dân bản yêu quý.

Nhà sàn cổ 9 gian được trùng tu để trở thành điểm du lịch đậm bản sắc dân tộc Tày của tỉnh Cao Bằng.

Nhà sàn cổ 9 gian được trùng tu để trở thành điểm du lịch đậm bản sắc dân tộc Tày của tỉnh Cao Bằng.

Lựa chọn điểm nhà sàn cổ 9 gian trở thành một trong những điểm đến đầu tiên khi đến với Cao Bằng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, việc tổ chức công bố, khai trương điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian nhằm phát triển hơn nữa các loại hình tham quan du lịch tại địa phương.

Cùng với đó, khích lệ và động viên nhân dân tích cực tham gia các hoạt động du lịch, thu hút du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương, nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững để người dân chủ động, tích cực tham gia hoạt động du lịch, góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của gia đình và địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy đề nghị, các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí đầu tư; chỉ đạo hỗ trợ công tác chuyên môn và điều kiện khác để điểm du lịch mới tiếp tục hoàn thiện, ngày một phát triển.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân tích cực tham gia phục vụ các đoàn khách du lịch, góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của gia đình và địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị các đơn vị lữ hành xây dựng tour với sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đồng thời lựa chọn điểm nhà sàn cổ 9 gian trở thành một trong những điểm đến đầu tiên khi đến với Cao Bằng.

Ngôi nhà sàn cổ 9 gian là điểm đánh dấu trong bản đồ của Pháp khi thua trận trên đường quốc lộ 4, ở trận đánh Đông Khê năm 1950. Ngôi nhà được nhiều du khách trong, ngoài nước đến tham quan.

Được biết, ngoài ngôi nhà sàn 9 gian của ông Nông Hải Dương, trong thôn Tục Ngã (Đức Xuân, Thạch An, Cao Bằng) còn có nhiều ngôi nhà sàn khác cũng được dựng từ lâu đời, mang nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của người Tày Cao Bằng.

Trần Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/goi-y-chon-nha-san-co-9-gian-la-diem-den-dau-tien-tai-cao-bang-17924052913331066.htm