Gốm Huân: Đánh thức giá trị khác biệt từ đất

'Tôi là người bình thường nhưng có tình yêu gốm đặc biệt. Gốm là đam mê, là điều mà tôi chọn để gắn bó. Mong một ngày nào đó gốm Phù Lãng phát triển vươn xa tới bạn bè năm châu', Huân Gốm chia sẻ.

“Thực ra trong suốt quá trình từ khi quyết định “sống với gốm” thì niềm đau đáu của tôi là làm sao để phát triển làng nghề, làm sao để những trầm tích văn hóa của gốm cổ Phù Lãng, làng gốm có lịch sử hơn 700 năm được phát huy trong đời sống đương đại, làm sao để nhiều người biết đến giá trị của gốm Phù Lãng”.

Đó là những chia sẻ gan ruột của Bùi Văn Huân, một chàng trai sinh ra và lớn lên tại đất gốm Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Sinh năm 1990, từ nhỏ thường xuyên được tiếp xúc với những “núi” đất sét của người dân làm nghề, với những chum, vại sành dọc những con đường làng… đã nhen lên một tình yêu đặc biệt của cậu bé Huân với gốm Phù Lãng. Cũng từ tình yêu ấy đã khiến Bùi Văn Huân ấp ủ ước mơ phát huy, lan tỏa nghề gốm cổ Phù Lãng, để rồi quyết định theo học Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội và quyết định “sống với gồm” từ đó.

Con đường dốc nhỏ cong queo với bờ tường xếp đầy sành phế phẩm lâu năm phủ rêu và dương xỉ xanh rờn dẫn lối chúng tôi đến không gian Gốm Huân. Sau cánh cổng là không gian gốm mộc mạc, độc đáo từ kiểu dáng đến màu men được sắp đặt theo những ý tưởng nghệ thuật và kể những câu chuyện riêng đời gốm.

Chỉ bấy nhiêu thôi đã cảm nhận được một tình yêu dành cho gốm của chủ nhân không gian này. Tình yêu ấy được lan sang cả người đồng cam cộng khổ với Huân là Trương Hồng Thương, vợ của Bùi Văn Huân. “Mong muốn lớn nhất của Gốm Huân là có thể góp một phần nhỏ tạo nên những sản phẩm mới để mọi người biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về giá trị của gốm Phù Lãng”.

Trước đây sản phầm gốm Phù Lãng chủ yếu là những chum, vại đựng nước, đựng rượu… to và nặng, tốn nhiều nguyên liệu mà giá trị kinh tế chưa cao. Thêm nữa, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, những vật dụng này không còn phù hợp nên nghề gốm truyền thống của Phù Lãng dần bị mai một. Nghề mai một cũng có nghĩa là nhiều lớp trầm tích văn hóa đang dần bị lãng quên. Với mong muốn và khát khao mang lại những giá trị mới cho nghề, nên trong hơn 10 năm qua, sau quyết định “sống với gốm”, Bùi Văn Huân đã dành trọn tâm sức mày mò, học hỏi để thử nghiệm, sáng tạo cho ra đời những sản phẩm mới, dù biết đó là con đường đầy thách thức.

“Thật ra thì làm gốm rất vất vả và cũng trải qua rất nhiều mồ hôi và nước mắt nhưng mà mỗi chuyến ra lò thì lại cho tôi được thêm nhiều bài học quý báu. Thế nên, với gốm tôi được rất nhiều thứ mà chẳng mất đi thứ gì cả. Kể cả có những mẻ lò sản phẩm hỏng nhiều hơn nhưng tôi vẫn luôn tin rằng, giữa đống đổ nát vẫn còn lấp lánh những viên ngọc” - Bùi Văn Huân chia sẻ.

Nghề gốm nhọc nhằn nhưng cũng sẽ có lúc "luyện thổ thành kim"

Nghề gốm nhọc nhằn nhưng cũng sẽ có lúc "luyện thổ thành kim"

Dấn thân với gốm và chọn cho mình một lối đi riêng, một thị trường ngách, tình yêu gốm trong Huân lớn dần qua từng sản phẩm. Không chỉ là đồ gốm ứng dụng, mỗi sản phẩm của Gốm Huân giống như một tác phẩm nghệ thuật trang trí, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, kể những câu chuyện, chuyển tải cảm xúc, tư tưởng của người sáng tạo.

"Gốm cần nhiều phong cách, nhiều góc nhìn, nhiều sản phẩm khác nhau. Tôi thích con người gắn bó với nhau bởi sự đồng điệu về mặt cảm xúc và tâm hồn, đến với nhau vì trân quý những giá trị nội tâm chứ không phải vì vật chất... Vì thế, tôi theo đuổi hướng đến những sản phẩm gốm mộc mạc, trầm lắng, phản ánh chiều sâu nội tâm, tạo cảm giác thoải mái, an yên, chữa lành".

Những ngày đầu gây dựng thương hiệu gốm Huân, vợ chồng anh chỉ làm truyền thông trên trang cá nhân, sau đó "hữu xạ tự nhiên hương", khách hàng tự giới thiệu và tìm đến. Nhờ sự đồng điệu, “điểm chạm” nhất định về cảm xúc thẩm mỹ qua các sản phẩm nên khách hàng sau khi chọn gốm Huân đều trở thành bạn của gia đình anh. “Nếu chỉ nghĩ kiếm tiền từ gốm mà không xuất phát từ tình yêu thực sự sẽ rất khó tạo ra giá trị bền vững. Tôi sống với gốm, lao vào nó, yêu nó, khóc cười, trăn trở với nó mỗi ngày và chưa khi nào buông lơi” - Bùi Văn Huân tâm niệm.

Huân Gốm trò chuyện cùng phóng viên VOV2 tại "đại bản doanh" của mình

Huân Gốm trò chuyện cùng phóng viên VOV2 tại "đại bản doanh" của mình

Cho đến bây giờ, đôi vợ chồng Huân - Thương không nhớ nổi bàn tay mình đã vuốt đất bao nhiêu lần, cũng không đếm được bao nhiêu sản phẩm bị lỗi, bị hỏng phải bỏ đi trong mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu đêm thức canh ngọn lửa, canh nhiệt độ, bao nhiêu lần khóc, cười với gốm.

Và rồi đất không phụ công người khi những tác phẩm được ra lò. Đến nay sau hơn 10 năm quyết định “sống với gốm”, Bùi Văn Huân có trong tay nhiều bộ sưu tập gốm độc đáo như “cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang”, “12 con giáp”, “Gia đình Sen”, “Màu thời gian”, “Đường lên non cao”, “Ruộng bậc thang”…

Gốm Huân đã có mặt trong nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, trong đó bộ “12 Con Giáp” đoạt giải khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2014, nhiều tác phẩm được đánh giá cao tại Triển lãm “Chạm vào ký ức" tại Hà Nội tháng 9 năm 2024. Gốm Huân cũng đã có mặt tại nhiều cuộc triển lãm ở Nhật Bản. Mỗi bộ sưu tập, từng sản phẩm đều được lấy cảm hứng và thấm đẫm hồn cốt Việt và ẩn chứa những câu chuyện phía sau dáng hình, đường vân, họa tiết, hoa văn, men gốm.

“Đầu tiên tôi nghĩ là chơi với gốm để thỏa mãn sự sáng tạo của mình trên gốm thôi, nhưng đến bây giờ thì tôi nghĩ là cuộc sống của mình đã gắn liền với gốm rồi. Trong những sản phẩm của tôi, tôi vẫn giữ những nét tinh hoa của các cụ xưa và sáng tạo thêm những nét tươi mới để đưa vào không gian đời sống hiện đại, tạo ra những sản phẩm có sự đan xen giữa cũ và mới, có công năng tốt và mang những giá trị mới cho gốm Phù Lãng. Nhưng dù có thay đổi thế nào thì mỗi sản phẩm của tôi vẫn mang hồn cốt văn hóa của người Việt” – Bùi Văn Huân chia sẻ.

Huân Gốm bên bộ sưu tập "Đường lên non cao"

Huân Gốm bên bộ sưu tập "Đường lên non cao"

Được nhìn ngắm những nét tinh xảo, được nghe những câu chuyện đời gốm sẽ là những khoảnh khắc khiến con người ta như thấy mình như được trốn ra khỏi những xô bồ, áp lực đang gặp phải, tâm hồn như được vỗ về xoa dịu. Và điểm đặc sắc là các sản phẩm gốm ở đây là phiên bản duy nhất, không có sản phẩm nào giống nhau hoàn toàn về màu sắc và kết cấu. Tùy thuộc vào cách ánh sáng chiếu vào sản phẩm mà từng chiếc bình lại ánh lên vẻ đẹp riêng. Sự tĩnh lặng của đất, vẻ đẹp màu “men thiền” cùng những đường vân phiêu lãng mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn. Nguồn năng lượng thuần khiết tích cực ấy khiến bất cứ ai bước vào cũng bị cuốn hút vào thế giới nội tâm chiêm nghiệm… Tất cả những điều đó tạo nên giá trị khác biệt của Gốm Huân.

Và như Bùi Văn Huân chia sẻ, với gốm anh được rất nhiều thứ, trong đó quý nhất là sự kết nối, nhân rộng hơn vòng tay bạn bè, lan tỏa tình yêu gốm. Chị Trần Thu Hiền ở Hà Nội, trước là một khách hàng mê gốm Phù Lãng, giờ đã thành một người bạn thân thiết của gia đình Gốm Huân bày tỏ, chị rất yêu gốm Phù Lãng, biết đến Huân qua bạn bè giới thiệu, qua sản phẩm và qua các triển lãm. "Tôi cảm nhận được chất nghệ sĩ trong con người Huân. Các sản phẩm và tác phẩm của Huân đã thực sự chạm được vào cảm xúc. Tôi cảm phục, yêu mến Huân, từ tác phẩm đến con người”.

Bùi Văn Huân: Sống với gốm là quyết định mà tôi chưa khi nào ân hận

Bùi Văn Huân: Sống với gốm là quyết định mà tôi chưa khi nào ân hận

Nghề gốm đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng mới có thể “luyện thổ thành kim”, "hóa đất thành vàng". Vì thế, Gốm Huân đang nỗ lực từng bước để định hình dấu ấn cá nhân, tái hiện tinh hoa làng nghề bằng cảm xúc, góc nhìn mới mẻ, làm trẻ hóa sản phẩm gốm Phù Lãng. Sự sáng tạo độc đáo ấy vừa thổi hồn đương đại vừa không làm mất đi bản sắc, giá trị cốt lõi của làng nghề truyền thống. Gốm Huân đang đánh thức những giá trị khác biệt của gốm Phù Lãng.

Thu Hà/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/gom-huan-danh-thuc-gia-tri-khac-biet-tu-dat-post1156106.vov