Gồng gánh trả deadline để được đi chơi ngày lễ
Muốn nghỉ lễ sớm một ngày, Phan Quỳnh tăng tốc từ đầu tuần, đẩy lịch chụp cho khách lên sớm hơn, hoàn thành khối lượng công việc gấp đôi bình thường.
Muốn nghỉ lễ sớm một ngày, Phan Quỳnh tăng tốc từ đầu tuần, đẩy lịch chụp cho khách lên sớm hơn, hoàn thành khối lượng công việc gấp đôi bình thường.
Tối 28/4, Phan Quỳnh (25 tuổi, làm việc tại Hà Nội) lên xe khách về quê, nghỉ lễ sớm hơn một ngày. Là trưởng nhóm nội dung của một công ty dịch vụ nên trước ngày nghỉ, cô phải "chạy đua" để hoàn tất nhiều công việc còn dang dở.
"Muốn về sớm, tôi phải tăng tốc trước đó cả một tuần, giải quyết khối lượng công việc nhiều gấp 2-3 lần ngày thường. Ví dụ, trang web mỗi ngày đăng một bài thì nay tăng gấp đôi, phải cài bài sẵn cho những ngày nghỉ lễ. Áp lực deadline khá căng thẳng. Nhưng cuối cùng, được lên xe, bỏ lại những mệt mỏi, chuẩn bị về với gia đình, tôi nhẹ nhõm hẳn", Quỳnh nói với Zing.
Gồng gánh trả hết deadline sát lễ là tình trạng chung của nhiều nhân viên trước dịp lễ 30/4-1/5.
Càng gần ngày nghỉ, số công việc càng tồn đọng nhiều. Không ít người sợ phải ôm việc trong kỳ nghỉ hoặc bị cấp trên, khách hàng réo tên nếu không hoàn thành trước khi nghỉ.
Thức trắng đêm chạy deadline
Công việc phải làm theo nhóm, ngoài nhiệm vụ của mình, Phan Quỳnh phải gồng gánh phần của người khác vì không muốn phải lo việc chung lúc về nhà.
"Đợt này, những ai không nghỉ lễ vẫn ở lại trực bình thường. Tôi cần chuẩn bị chất liệu để các bạn ở lại dựng bài. Tôi phải đẩy thời gian đi quay, chụp cho khách hàng sớm hơn. Do bạn cùng team bận nên tôi cũng chủ động đi làm một mình luôn".
Tuy vậy, dù mệt mỏi khi phải chạy đua với thời gian, chỉ cần nghĩ đến việc được dành trọn vẹn những ngày nghỉ bên gia đình mà không vướng bận công việc, cô lập tức có động lực để "chiến đấu" với deadline.
Đã 3 đêm liên tục, Hoàng Quỳnh Hương (24 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) phải thức tới 3h sáng để kịp trả hết deadline trước ngày đi du lịch.
Cô cho biết đây là "chuyện thường" trước mỗi lần nghỉ lễ, để không phải ôm laptop lên máy bay hay trả lời email khi đang đi du lịch.
"Đa phần các bạn làm trong ngành này đều hiểu rằng không có ranh giới nào giữa ngày thường và ngày lễ. Thậm chí, lễ còn làm nhiều hơn vì khách hàng cần chạy chiến dịch mạnh. Thế nên, mọi người trong nhóm phải bàn bạc sắp xếp để chia lịch làm việc, người nào nghỉ sẽ phải chạy deadline gấp hơn", cô giải thích.
Vài năm trước, vì chậm trễ, cô nhiều lần phải mang theo máy tính làm việc.
"Có lần, vừa xuống sân bay ở Quy Nhơn, tôi lấy laptop ra dựng nốt bài để trả cho sếp. Nhóm bạn dù mệt mỏi vẫn phải ngồi đợi gần hai tiếng đồng hồ mới có thể qua khách sạn nhận phòng. Một đứa bạn thân đã nạt thẳng tôi rằng lần sau nếu đã đi chơi đừng mang việc theo, ảnh hưởng tâm trạng mọi người", Quỳnh Hương kể.
Mất kỳ nghỉ lễ
"Sợ nhất kỳ nghỉ dài" là cảm nhận của không chỉ riêng Trần Minh Quốc (26 tuổi, nhân sự mảng thiết kế của startup về du học ở TP.HCM). Sếp, đồng nghiệp của anh cũng rất sợ khối lượng công việc bị dồn vào trước, sau đợt lễ.
Để có 4 ngày không cần làm việc, deadline phần lớn dồn vào 28, 29/4.
"Chưa làm xong thì trong lễ làm nốt. Lễ chưa xong thì khi đi làm lại công việc dồn ứ. Team này trách team kia. Sếp trách nhân viên. Nhân viên than trời về sếp. Phần lớn kỳ nghỉ tôi không dám đi du lịch, không dám hứa với bạn bè, gia đình, người yêu về việc hẹn hò, tụ tập vì chỉ sợ mình chưa trả xong deadline. Vậy là mất kỳ nghỉ lễ", Minh Quốc giải thích.
Trước kỳ nghỉ hai ngày, Hằng Bùi (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) vẫn phải làm việc tới nửa đêm để chạy dự án.
Cô xác định đợt này không thể nghỉ lễ.
"Khách hàng giục quá nên nhóm tôi phải tăng ca liên tục, quá nửa đêm mới về tới nhà. Đặc thù công việc rồi, nên lúc nào làm xong thì khi ấy được nghỉ thôi. Tôi chỉ định rủ bạn bè ăn uống một bữa vào tối 29/4 vì trong lễ phải chạy deadline".
Trước đây, có những lần nhóm của Hằng bất ngờ bị giao thêm việc trước ngày nghỉ lễ nên không thể kịp hoàn thành, phải làm việc xuyên kỳ nghỉ.
Dù buồn và hụt hẫng, cô luôn xác định trách nhiệm của mình và cố gắng làm tốt nhất có thể.
"Tôi sập nguồn rồi, chúc nhóm đi chơi vui vẻ", Hoàng Sơn (27 tuổi, nhân viên IT tại TP.HCM) gọi điện báo tin cho nhóm bạn thân ngay trước ngày đi chơi dịp lễ.
Anh bị sốt cao sau một đêm thức trắng chạy deadline để kịp cho chuyến du lịch Đà Nẵng cùng hội bạn thân vào chiều 29/4.
"Sau khi uống thuốc, tôi đã hạ sốt nhưng cơ thể còn rất mệt. Đây là lần đầu tiên tôi rơi vào tình huống này. Một phần nữa tôi sợ mình bị dính Covid-19 nên phải đợi xét nghiệm và theo dõi xem thế nào. Vé và homestay đã đặt xong xuôi hết, tôi không muốn vì mình là lỡ mất lịch trình".
Anh cho biết chuyến du lịch kéo dài 4 ngày, nếu hôm sau khỏe hơn và xác nhận không bị nhiễm Covid-19, anh sẽ đặt chuyến bay khác để ra cùng nhóm của mình.
"Dù sao đây cũng sẽ là bài học của tôi. Sức khỏe là quan trọng nên phải luôn chú ý giữ gìn. Lần sau, nếu có kế hoạch đi chơi, tôi sẽ không để công việc dồn ứ rồi phải cuống cuồng chạy đua với thời gian", anh nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gong-ganh-tra-deadline-de-duoc-di-choi-ngay-le-post1313007.html