TP. Hồ Chí Minh: Diễn biến lạ vụ kiểm tra các quán lòng xe điếu
Dù đã tiến hành thanh, kiểm tra, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh vẫn không thể lấy được mẫu lòng xe điếu, do các quán trên địa bàn đều báo 'hết hàng'.
Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, từ ngày 7/5, Sở đã tổ chức chia đội kiểm tra, lập danh sách các cơ sở quảng bá món lòng xe điếu để kiểm tra đồng loạt. Trong số đó có cơ sở Lòng Chát, nơi từng quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội về món ăn này.

Video ghi cảnh đoạn lòng xe điếu dài 40m đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở Lòng Chát tại TP. Hồ Chí Minh thông báo món lòng xe điếu đã hết hàng nên lực lượng chức năng không thu được mẫu để kiểm nghiệm. Một số cơ sở khác trên địa bàn thành phố cũng đưa ra lý do tương tự.
Hiện, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đang liên hệ với chủ cơ sở quán Lòng Chát để mời lên làm việc theo quy định. Việc quán có vi phạm hay không vẫn đang chờ kết luận cuối cùng.
Bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định, không loại trừ khả năng các cơ sở kinh doanh lòng xe điếu trôi nổi sẽ cố tình thông báo "hết hàng" sau khi thông tin vụ việc được đăng tải rộng rãi trên truyền thông. Do đó, cơ quan chức năng có thể trở lại kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện có sự đối phó.
Tại Hà Nội, ngày 8/5, sau khi trên mạng xã hội lan truyền video về bộ lòng xe điếu dài bất thường, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy đã kiểm tra đột xuất “Lòng Chát Quán” tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu.
Ông Ngô Quyền Thế được xác định là chủ quán đã có buổi làm việc với lực lượng chức năng, và xác nhận đoạn video gây chú ý được đăng tải từ năm 2024.
Ông cho biết, bộ lòng thực tế chỉ dài hơn 20 mét chứ không phải 40 mét như lan truyền trên mạng, đồng thời gửi lời xin lỗi vì thông tin chưa chính xác.
“Lòng xe điếu” là món ăn đang gây sốt trên mạng xã hội. Đây là cách gọi dân gian của một đoạn ruột heo có hình xoắn như ống điếu, có tên gọi khác là phèo 2 da.
Trong khi các video quảng cáo cho thấy món này xuất hiện phổ biến ở quán ăn, nhiều cơ sở giết mổ lại khẳng định loại nội tạng này cực hiếm, đặt ra nghi vấn về nguồn gốc thật sự của món ăn này.