Góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống
Nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, Liên hoan trích đoạn sân khấu dù kê và rô băm khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I, năm 2019 đã bế mạc vào ngày 4-11. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long; giúp cho nghệ nhân, diễn viên và cộng đồng dân tộc Khmer được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
Liên hoan do Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng phối hợp với Ban Truyền hình tiếng dân tộc VTV5 (Đài Truyền hình Việt Nam) tổ chức, diễn ra từ ngày 1-11 đến ngày 3-11-2019. Tham dự liên hoan có 7 đội là đoàn nghệ thuật sân khấu dù kê, đoàn nghệ thuật rô băm, trường đại học, câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ các địa phương có đông đồng bào Khmer tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham dự với trên 200 lượt diễn viên, nhạc công chuyên và không chuyên. Theo đó, các đoàn đã thi diễn ở 9 tiết mục, với 6 trích đoạn dù kê và 3 trích đoạn rô băm, tập trung ở các đề tài lịch sử, ca ngợi truyền thống vẻ vang của dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, giáo dục về lịch sử văn hóa dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong quần chúng nhân dân…
Tiết mục biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: KGT
Kết thúc liên hoan, ban tổ chức đã trao giải nhất cho trích đoạn “Na Rinh Pholla - Nàng Chum Pu Po” thuộc Đoàn Nghệ thuật dù kê tập thể Khmer Ron Ron của huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Giải nhì thuộc về Câu lạc bộ Văn nghệ xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) với trích đoạn “Nghĩa tình không phai”. Có 2 giải ba thuộc 2 trích đoạn “Giải cứu nàng Tup Song” của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau và “Giữ yên bờ cõi” của Câu lạc bộ Văn hóa chùa Bốn Mặt, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 5 giải khuyến khích và các giải phụ. Qua đó, đã thực sự tạo động lực và niềm phấn khởi để tiếp tục gắn bó với nghệ thuật truyền thống. Ông Bố Sủng - Đoàn Nghệ thuật dù kê tập thể Khmer Ron Ron chia sẻ: “Chúng tôi giành được giải cao tại liên hoan. Tôi cảm ơn tất cả anh chị em đã nỗ lực hết mình và hôm nay đạt được nhiều điều mình mong ước, đó là giành được giải. Tham dự liên hoan, chúng tôi còn được giao lưu, gặp gỡ với các anh chị em diễn viên ở các đơn vị khác để học hỏi thêm, thật sự rất vui. Qua đó, giúp anh chị em có thêm niềm vui, động lực để tiếp tục gắn bó với nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer”.
Liên hoan tuy đã khép lại nhưng những dư âm và những ấn tượng về nghệ thuật sân khấu của người Khmer Nam bộ trong lòng người mộ điệu thật khó phai nhòa. Đó là hình tượng của các nhân vật hoàng tử, công chúa lúc thì trữ tình, sâu lắng, bi thương, lúc thì cương quyết đấu tranh giữa cái thiện và cái ác hay lúc thì rùng rợn bởi những đặc trưng của động tác múa chằn, có lúc lại đưa khán giả cười sảng khoái bởi lối diễn tự nhiên của các anh chàng hề… Song, các vở trích đoạn đều để lại những ấn tượng mang ý nghĩa sâu sắc về tính giá trị nghệ thuật và giáo dục nhân văn.
Dù đề tài chính sử, dã sử, dân gian cho đến theo xu hướng hiện đại thì các vở diễn đều được dàn dựng nghiêm túc, công phu, bám sát các đặc trưng của nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nhiều trích đoạn thể hiện rõ sự nỗ lực khám phá và tìm tòi phong cách thể hiện sân khấu mới, tạo ra những sự đột phá trong sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật sân khấu của đồng bào Khmer Nam bộ. Anh Thạch So Khon - nghệ sĩ đến từ Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Chúng tôi đến với chương trình biểu diễn nhằm góp phần bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Mình biết ít thì góp ít, biết nhiều thì góp nhiều...”.
Dù kê và rô băm là 2 loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer. Đứng trước nguy cơ mai một và ít sân khấu biểu diễn như hiện nay, những cuộc liên hoan như thế này đã góp phần làm sống lại 2 loại hình nghệ thuật độc đáo này, qua đó, bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc. Nghệ sĩ ưu tú Sơn Lương - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Sóc Trăng (Ban Giám khảo liên hoan) cho biết: “Liên hoan có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn dân gian, dân tộc truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ, nhất là trong bối cảnh nghệ thuật sân khấu truyền thống này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức của việc bảo tồn và đổi mới, đổi mới và phát triển”.