Góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống
Trên địa bàn tỉnh hiện có 550 di sản văn hóa phi thể. Nhằm duy trì, phát huy và quảng bá những di sản văn hóa này, thời gian qua, các câu lạc bộ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra những sân chơi bổ ích, thông qua việc tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 550 di sản văn hóa phi vật thể. Nhằm duy trì, phát huy và quảng bá những di sản văn hóa này, thời gian qua, các câu lạc bộ (CLB) văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra những sân chơi bổ ích, thông qua việc tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ.
CLB Tắc xình Cầu Bình của đồng bào dân tộc Sán Chí (gồm dân tộc Cao Lan và Sán Chay) ở xã Vô Tranh (Phú Lương) được thành lập từ năm 2014 với 10 thành viên, nay phát triển lên 20 thành viên. Khi mới thành lập, CLB chỉ tham gia biểu diễn mỗi năm từ 1-2 lần tại các ngày hội làng hay tổng kết xóm.
Cũng vì thế mà các thành viên trong CLB dần dần không còn mặn mà và ít tham gia các hoạt động của CLB. Nhằm duy trì hoạt động của CLB cũng như thu hút thêm các thành viên tham gia, trong 4 năm qua, CLB đã đẩy mạnh hoạt động giao lưu với những CLB văn hóa truyền thống khác của đồng bào Sán Chí trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Văn Thổ, Chủ nhiệm CLB Tắc xình Cầu Bình, cho biết: Với mong muốn được giao lưu, học hỏi và quảng bá rộng rãi văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình nên những năm qua CLB không chỉ mời các CLB ở các tỉnh khác về giao lưu tại địa phương mà còn đi giao lưu, biểu diễn tại nhiều tỉnh, thành khác, như: Hà Nội, Hà Nam, Tuyên Quang…
Mặc dù cách Thái Nguyên hơn 150km nhưng CLB Sình ca Hòa Cuông ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, vẫn thường xuyên về tỉnh Thái Nguyên giao lưu với các CLB của đồng bào dân tộc Sán Chí nơi đây. Bà Nịnh Thị Minh, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Ngoài việc tham gia giao lưu với các CLB trong tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi còn mời các CLB lên Yên Bái để giao lưu cùng. Trung bình mỗi năm cũng tổ chức được từ 5 buổi giao lưu trở lên. Những tiết mục chúng tôi tham gia chủ yếu là các điệu múa truyền thống, làn điệu Sình ca, Sấng cọ của đồng bào dân tộc Sán Chí.
Là một trong những địa phương có số CLB văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất tỉnh với 24 CLB, thời gian qua, huyện Định Hóa đã có những hoạt động hỗ trợ các CLB đi giao lưu, biểu diễn, như: Hỗ trợ trang phục biểu diễn cho CLB các xã Đồng Thịnh, Điềm Mặc; liên hệ để các CLB tham gia biểu diễn ở lễ hội nghề cá tại huyện Cát Bà (TP. Hải Phòng), lễ hội Ná Nhèm tại huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn)...
Ngoài ra, huyện và các xã, thị trấn còn thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện để các CLB được tham gia giao lưu với nhau thông qua các lễ hội và hoạt động khác. Bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa, cho biết: Hoạt động giao lưu không chỉ góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đến với công chúng trong và ngoài tỉnh mà còn góp phần duy trì hoạt động thường xuyên của các CLB. Qua đó sẽ thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở các địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Để hoạt động giao lưu đạt nhiều hiệu quả hơn nữa, nhiều CLB mong muốn trong thời tới, từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ các CLB, bởi kinh phí hoạt động hiện nay còn nhiều hạn chế và do các thành viên tự đóng góp là chính.