Góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), trên địa bàn huyện Tương Dương có 86% thôn, bản có đường ô tô được cứng hóa về đến trung tâm; 99,8% bà con được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% được sử dụng điện lưới sinh hoạt; 99% được tham gia BHYT… Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống.

Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống

Là huyện vùng cao, Tương Dương có 18.846 hộ dân, với 79.930 khẩu. Trong đó có 16.898 hộ, 72.374 khẩu là dân tộc thiểu số (chiếm 89,7% số hộ, 90,6% số khẩu). Các dân tộc có dân số đông là: Thái (70%), Khơ Mú (13,5%), Mông, Thổ (Pọng), Ơ Đu… Cùng với địa hình đồi núi dốc, cách sông, cách các lòng hồ thủy điện nên giao thông đi lại của đồng bào nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm qua, chính quyền địa phương, cũng như UBND tỉnh Nghệ An đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các thôn, bản ra trung tâm các xã… Song, mức đầu tư cũng như nguồn lực chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, từ khi triển khai Chương trình 1719, trong giai đoạn 2021 – 2025 huyện Tương Dương được phân bổ hơn 700 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án.

Theo đó, thực hiện nội dung số 1, Dự án 4 về “Đầu tư cơ cở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, tính đến nay, toàn huyện đã có 51 công trình xây dựng từ nguồn vốn đầu tư... Nguồn lực đầu tư lớn, tiến độ thi công và giải ngân đúng tiến độ, đã giúp 86% thôn, bản trên địa bàn huyện Tương Dương có đường ô tô được cứng hóa về đến trung tâm xã (kế hoạch đầu nhiệm kỳ là 70%)... Đây được xem là một bước tiến lớn trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để bà con dân tộc thiểu số và miền núi nơi đây mở rộng giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, sau 4 năm thực hiện Chương trình 1719, các chỉ số liên quan đến chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Tương Dương cũng được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, huyện đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 90%, thì nay đã đạt 99,8%; tỷ lệ người dân sử dụng điện lưới sinh hoạt đạt 99%, thì nay đã đạt 100%; tỷ lệ đồng bào tham gia BHYT đạt 98%, thì nay đã đạt 99%; tỷ lệ thôn có đội văn hóa văn nghệ đạt 50%, thì nay đã đạt 100%...

Báo cáo của UBND huyện Tương Dương cũng cho biết: Hiện, thu nhập bình quân đầu người khoảng 37 triệu đồng/năm; dự kiến hết năm 2025 là 39 triệu đồng/năm… Đối với tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch là giảm hơn 3%/năm, thì nay địa phương đã đạt mức hơn 27%, dự kiến đến hết 2025 chỉ còn 23%.

 86% thôn, bản trên địa bàn huyện Tương Dương có đường ô tô được cứng hóa về đến trung tâm xã. Ảnh: baodantoc.vn

86% thôn, bản trên địa bàn huyện Tương Dương có đường ô tô được cứng hóa về đến trung tâm xã. Ảnh: baodantoc.vn

Theo Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh, Chương trình 1719 được triển khai góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa đã có sự phát triển đồng bộ; bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy…

Đơn cử, thực hiện Dự án 1, huyện Tương Dương đã thực hiện hỗ trợ đất ở cho 10 hộ dân ở xã Lượng Minh (trung bình mỗi hộ 205m2); hỗ trợ 133 nhà ở đáp ứng nhu cầu an cư của người dân vùng miền núi… Để người lao động có nghề, có nghiệp, huyện Tương Dương cũng đã thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, mua sắm máy móc cho 1.395 hộ, giúp người dân có thêm cơ hội bám làng, bám bản… Còn trong giai đoạn 2022 - 2024, đã có 4 công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư tại các xã Lưu Kiền, Hữu Khuông, Nga My, Tam Quang; 567 hộ gia đình được hỗ trợ công trình nước sinh hoạt phân tán…

Cần dựa trên nhu cầu thực tế

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng từ thực hiện các dự án, nội dung Chương trình 1719, song vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Tương Dương vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ dân trí chưa đồng đều giữa các vùng; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất còn nhiều hạn chế… Đáng chú ý, số hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện (tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 99,19% so với hộ nghèo chung của địa phương…).

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Chương trình 1719 những năm qua cũng cho thấy: công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án còn lúng túng; việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ của một số phòng, ngành cấp huyện với cấp xã có lúc chưa nhịp nhàng; chưa kể quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án, tiểu dự án và đánh giá hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ chưa được thường xuyên và kịp thời.

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình 1719 trong giai đoạn tới, huyện Tương Dương đã đề xuất nhiều vấn đề, nội dung cần sớm sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện… Theo lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, tại nội dung số 1, Tiểu dự án 1, Dự án 4 có ghi “Nội dung duy tu, bảo dưỡng công trình”; thì cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn nội dung “công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ giai đoạn trước” là công trình như thế nào; có yêu cầu về nguồn vốn đầu tư của công trình là từ nguồn nào không; giai đoạn trước được hiểu là từ khoảng thời gian nào để bảo đảm tính thống nhất trong cách hiểu và thực hiện tại cơ sở?

Theo đó, để bảo đảm tính khả thi của từng dự án và hiệu quả sử dụng nguồn vốn cần có lộ trình thực hiện các dự án, nhóm dự án theo mức độ tăng dần, hoàn thiện dần chương trình tránh thực hiện ồ ạt cùng một lúc, một thời điểm khi công tác ban hành văn bản để triển khai chưa đồng bộ, thống nhất, chưa kịp thời dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc… “Mặt khác, cấp trên cần xem xét lại cách thức tính điểm cho địa phương một cách hợp lý. Nguồn vốn phân bổ cho địa phương cần dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương, tránh tình trạng phân bổ vượt quá nhu cầu và đối tượng thụ hưởng”, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương đề xuất.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gop-phan-day-manh-phat-trien-kinh-te-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-post399596.html