Góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) nhiều năm qua được ví như những 'cánh tay' nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Thông qua hoạt động của tổ, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ ủy thác qua NHCSXH đã tới tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.
Được tổ TK và VV thôn Việt Yên, xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) nhận ủy thác, anh Trịnh Văn Quyên được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Lộc để đầu tư trang trại tổng hợp. Anh Quyên chia sẻ: “Tham gia tổ TK và VV, tôi được hướng dẫn chương trình tín dụng chính sách cho vay giải quyết việc làm, được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thủ tục giải ngân nhanh chóng. Với diện tích trên 3ha, bên cạnh đầu tư trồng các loại cây ăn quả, tôi trồng thêm cây dược liệu sâm báo, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động”.
Ông Hoàng Đạt Công, tổ trưởng tổ TK và VV thôn Việt Yên, cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, tổ TK và VV đã trở thành “điểm tựa” của các thành viên. Ngoài nhiệm vụ được NHCSXH ủy thác, như bình xét hồ sơ, giải ngân nguồn vốn và thu tiền gốc, tiền lãi hằng tháng, tổ còn là nơi để các thành viên chia sẻ khó khăn trong quá trình vay vốn. Hiện tổ TK và VV thôn Việt Yên có tổng dư nợ hơn 4 tỷ đồng, với 56 thành viên đang vay vốn. Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư phát triển trang trại, chăn nuôi lợn, trâu, bò, kinh doanh dịch vụ... Trong quá trình sử dụng vốn, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Những vướng mắc, khó khăn được báo cáo kịp thời cho tổ chức hội trực tiếp quản lý và cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết. Nhờ đó, các tổ viên luôn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, nhiều năm liền tổ không có nợ quá hạn và lãi tồn. Đời sống các tổ viên nâng lên rõ rệt, đến nay 100% tổ viên đều tham gia gửi tiết kiệm”.
Hiện nay, tổ TK và VV được phân bổ rộng khắp trên tất cả các thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh, trực tiếp thực hiện một số nội dung được NHCSXH ủy nhiệm như: tổ chức họp bình xét vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay; giáo dục, tuyên truyền ý thức trả nợ cho người vay; tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm; thực hiện tốt công tác thu lãi, thu tiết kiệm định kỳ hằng tháng; theo dõi đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn; phối hợp tốt công tác xử lý nợ tồn đọng, nợ bị rủi ro... Các tổ TK và VV đều do các tổ chức hội, đoàn thể như: hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh quản lý, nhận ủy thác với NHCSXH để giải ngân vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, nguồn vốn bảo đảm đến đúng đối tượng thụ hưởng, số lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay tăng.
Xác định vai trò quan trọng của các tổ TK và VV, NHCSXH Thanh Hóa và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên phối hợp rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ. Hằng năm, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra thường xuyên các tổ TK và VV về việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách và mục đích sử dụng vốn vay tại cơ sở; kiểm tra mục đích sử dụng vốn sau cho vay. Định kỳ hằng tháng, tại các buổi giao dịch cố định tại các xã, thị trấn, các tổ trưởng tổ TK và VV trực tiếp tham gia giao ban với ngân hàng, kịp thời nắm bắt chương trình, chính sách mới và phổ biến cho người dân; thông tin kịp thời những khó khăn, tồn tại của tổ và các hộ vay có hướng xử lý... Tính đến đầu tháng 8/2024, toàn tỉnh có 6.431 tổ TK và VV đang hoạt động, tổng dư nợ ủy thác thông qua các tổ TK và VV đạt hơn 14.269 tỷ đồng, chiếm 99% tổng dư nợ; số lượng tổ viên bình quân 39 người/tổ, dư nợ bình quân đạt gần 2,3 tỷ đồng/tổ. Nhờ hoạt động tích cực của tổ TK và VV nên nguồn vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện ổn định đời sống.