Góp phần phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững
Sau hơn 5 năm thực hiện Luật Chăn nuôi, đến nay, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển cả về quy mô và tính chuyên nghiệp trong sản xuất, từng bước hình thành các vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao. Qua đó nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp.
Hiện, đàn bò sữa của tỉnh đạt 17,6 nghìn con, đứng thứ 6 cả nước; đàn gia cầm hơn 12 triệu con, đứng thứ 12 cả nước; trong năm 2024 không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm lớn trên đàn gia súc, gia cầm.

Anh Nguyễn Văn Thiều, xã Thanh Vân (Tam Dương) xây dựng thương hiệu trứng gà an toàn.
Để triển khai hiệu quả Luật Chăn nuôi, từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp tổ chức 43 hội nghị tập huấn tuyên truyền cho hơn 3.000 hộ chăn nuôi, chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán thức ăn chăn nuôi; in ấn, cấp phát 95 nghìn tờ rơi, tờ gấp phổ biến nội dung của luật và một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi; ban hành 35 thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; cấp 6 giấy chứng nhận đủ điều kiện cho 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành khu dân cư xanh, sạch, đẹp, văn minh, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Đến nay, đã có 62/148 tổ dân phố không được phép chăn nuôi đã hoàn thành việc chấm dứt chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi; 823 cơ sở thuộc đối tượng hỗ trợ trong khu vực cấm chăn nuôi, diện tích chuồng trại 82.049 m2.
Từ năm 2024 đến nay, ngành nông nghiệp đã thu thập và phân tích 2.280 mẫu bệnh phẩm trên đàn gia cầm; 648 mẫu trên đàn lợn; 1.080 mẫu trên đàn trâu, bò để kịp thời phát hiện và hạn chế dịch bệnh.
Thông qua thực hiện Luật Chăn nuôi, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung như: Chăn nuôi bò sữa tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường; nuôi lợn tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Yên Lạc và nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc huyện Tam Dương, Tam Đảo.
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được người chăn nuôi đưa vào sản xuất như công nghệ nuôi chuồng kín, hệ thống máng ăn, nước uống tự động. Năm 2024, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng 5,03% so với năm 2023. Chăn nuôi đã trở thành ngành hàng sản xuất chính chiếm tỷ trọng 61,6% trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Thiều, xã Thanh Vân (Tam Dương) ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi.
Anh Nguyễn Văn Thiều, xã Thanh Vân (Tam Dương) là hộ chăn nuôi quy mô lớn ở địa phương với 70 nghìn gà đẻ. Anh Thiều đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ chuồng hở truyền thống sang hệ thống chuồng kín, nuôi gà trong lồng và đầu tư xây dựng hệ thống máng ăn, uống tự động; quạt thông gió kiểm soát nhiệt độ, hệ thống camera giám sát... Điều quan trọng là vòng đời của con gà đều được sống trong môi trường an toàn, sạch bệnh, đủ chất dinh dưỡng, giúp đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng trứng ổn định.
Theo anh Thiều, mô hình chăn nuôi gà trong lồng ứng dụng công nghệ cao giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh, giảm chi phí nhân công; đồng thời gia tăng số lượng nuôi trên cùng diện tích và kéo dài thời gian khai thác trứng từ 5-6 tháng.
Trước đây, 1.000 m2 chuồng trại nuôi theo truyền thống chỉ đạt 8.000 con nay tăng lên 10 nghìn con. Hiện nay, gia đình đang lắp đặt hệ thống nhặt trứng, dọn phân chuồng trại tự động... qua đó giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng trứng, góp phần xây dựng thương hiệu trứng gà Thanh Vân.
Để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Chăn nuôi; rà soát đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với chăn nuôi hữu cơ, sinh thái; khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi - giết mổ công nghiệp - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đồng thời thực hiện nghiêm quy định về khu vực không được phép chăn nuôi; dịch chuyển cơ sở chăn nuôi ra xa đô thị, khu dân cư; tập trung phát triển chăn nuôi ở các địa phương có quỹ đất rộng nhằm bảo đảm mật độ theo quy định.