Thương hiệu thời trang Việt ngày càng teo tóp
Thị trường thời trang Việt Nam đang trải qua giai đoạn suy giảm nghiêm trọng, với nhiều thương hiệu nội địa dần biến mất. Mới đây, nhà sáng lập thương hiệu thời trang công sở nữ Hnoss đã thông báo đóng cửa, tiếp tục làm dài thêm danh sách những thương hiệu Việt 'bay màu'.
Tình hình này phản ảnh thực trạng của ngành công nghiệp thời trang trong nước, khi các thương hiệu thời trang ngoại vẫn không ngừng mở rộng kinh doanh trong bối cảnh một thị trường được dự báo đạt giá trị hàng tỉ đô la Mỹ.

Thương hiệu Hnoss sắp rời thị trường. Ảnh: Hnoss
Thương hiệu nội địa rơi rụng
“Hnoss khép lại, không chỉ là một thương hiệu, mà là cả một chặng đường của đam mê và những giấc mơ tuổi trẻ. Có buồn không? Có chứ… Đóng cửa một đứa con tinh thần chưa bao giờ là điều dễ dàng”, trên trang Facebook cá nhân, bà Cổ Huệ Anh, nhà sáng lập Hnoss vừa chia sẻ cảm xúc buồn khi phải khép lại “đứa con tinh thần”.
Hnoss có từ năm 2008, từng có đến 36 cửa hàng trên toàn quốc với doanh số công bố lên đến cả trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng cũng như nhiều thương hiệu khác, thương hiệu này không thể vượt qua những khó khăn chồng chất của thị trường.
Với thương hiệu giày MỘT, câu chuyện cũng tương tự. MỘT ra đời vào năm 2018, từng thu hút sự quan tâm của giới trẻ bởi thiết kế đơn giản và chất lượng nhưng nay cũng phải dừng lại trong sự tiếc nuối của nhiều người.
Trong khi đó, Catsa, từng là một trong những thương hiệu hàng đầu với hơn 40 cửa hàng và doanh thu lên khoảng 100 tỉ đồng mỗi năm cũng phải ngừng hoạt động sau 13 năm. Lý do, theo CEO Nguyễn Thùy Linh Cát là Catsa đã pháo triển đến ngưỡng và không thể mở rộng thêm do thị trường quá biến động và cạnh tranh khốc liệt.
Một số thương hiệu khác như Lep', Elpis, Miêu hay nhiều thương hiệu đã xuất hiện rầm rộ vào năm 2010 trên những tuyến phố sầm uất cũng không tránh khỏi số phận tương tự do không vượt qua những khó khăn lớn của thị trường.
Đó là, sức mua giảm, chi phí sản xuất tăng và sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng ngoại. Cùng với đó là khả năng chi tiêu của người dân ngày càng hạn chế, đặc biệt với các mặt hàng không thiết yếu như thời trang, như ý kiến của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtek).
Vẫn còn nhiều 'đất diễn'
Theo ông Chủ tịch Agtek, quyết định rời khỏi thị trường của nhiều doanh nghiệp may mặc chủ yếu là do tình trạng ế ẩm và áp lực cạnh tranh lớn, với những thương hiệu thời trang nhanh, mỏng vốn không đủ sức để bám trụ trong giai đoạn khó khăn này.
Trong bối cảnh đó, việc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn với khoảng 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, từ cao cấp đến trung bình, liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ.
Do đó, theo ông Hồng, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cần thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm, tập trung vào việc phát triển các thương hiệu thời trang thuần Việt với chất lượng cao. Đây là điều kiện cần thiết để có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa, thậm chí mở rộng ra thị trường quốc tế.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng thị trường nội địa gần 5 tỉ đô la đang chứng kiến sự chuyển mình với việc doanh nghiệp thay đổi mô hình thiết kế mẫu mã và quảng bá thương hiệu để phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt nhờ đầu tư vào công nghệ hiện đại và thiết kế phù hợp với gu thẩm mỹ Việt Nam; xây dựng các phân khúc và đối tượng khách hàng riêng biệt, tạo ra giá trị và khẳng định vị thế như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, Việt Thắng... Làm mới hình ảnh và sản phẩm để thu hút khách hàng là điều vô cùng thử thách, tuy nhiên điều đó cần thiết để tồn tại trong thị trường đầy biến động này.
Ngay cả những thương hiệu lâu và mạnh như An Phước cũng phải điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi, với dự báo rằng áp lực cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài ngày càng gia tăng.
Để duy trì và phát triển, An Phước hiện đang chú trọng vào chất lượng sản phẩm và cải tiến mẫu mã, đồng thời mở rộng và đẩy mạnh sang các phân khúc tiềm năng như thời trang golf. Dù phải đối mặt với cạnh tranh khắc nghiệt, An Phước vẫn cam kết giữ vững phân khúc trung và cao cấp, với sự chú trọng vào chất liệu cao cấp và thiết kế tinh xảo. Hãng nhận thức rõ sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu ngoại nhưng tin rằng nếu tập trung vào chất lượng và giá trị cốt lõi, công ty vẫn có thể phát triển ổn định.
Tương tự, Công ty May 10, với hơn 30 nhà thiết kế và 200 nhân viên phát triển sản phẩm mới, đang mạnh mẽ áp dụng công nghệ trong thiết kế, từ AI đến mẫu 3D nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự hội nhập nhanh chóng với thiết kế quốc tế cũng là một lợi thế quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm nội địa.
Hệ thống cửa hàng đang kết hợp kênh bán hàng truyền thống với thương mại điện tử (TMĐT), nhằm tối ưu hóa sức bán và nâng cao nhận diện thương hiệu. Việc tìm kiếm và phát triển những nhãn hàng mới như DeTheia và Generos cho thấy quyết tâm của họ trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Trong cuộc cạnh tranh với các thương hiệu ngoại mạnh mẽ trên thị trường nội địa, ông Phạm Văn Việt, CEO của Việt Thắng Jean, cho rằng một bộ phận khách hàng Việt vẫn có thói quen ưa chuộng thương hiệu ngoại nhưng các doanh nghiệp dệt may trong nước, đặc biệt là sau khi trải nghiệm xuất khẩu, đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.

Dây chuyền may của Việt Thắng Jean.
Theo ông, khi sản xuất cho chính thương hiệu của mình, doanh nghiệp thường chú trọng hơn đến chất lượng, lựa chọn nguyên liệu kỹ càng và có sự am hiểu sâu sắc về thị trường nội địa. Việc đã làm gia công và OEM cho các nhãn hiệu nước ngoài giúp họ tích lũy kinh nghiệm quý giá để cải tiến sản phẩm của chính mình.
Theo ông, sản phẩm denim của Việt Thắng Jean hiện đã có thể cạnh tranh với những thương hiệu toàn cầu. Sản phẩm mang nhãn hiệu V-Sixtyfour đang bán chạy tại Hàn Quốc và Nhật Bản, với chất lượng cao nhưng giá chỉ bằng 50-60% so với các đối thủ như Guess, Lee..
Ông nhấn mạnh, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đã chuyển hướng sang chú trọng vào chất lượng, thời trang và giá cả thay vì chỉ thu hút bởi thương hiệu. Hiện chỉ có một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao mới thực sự tìm kiếm hàng hiệu còn lại sẽ ưu tiên sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và ngân sách của họ. Đây là cơ hội lớn để các thương hiệu nội địa phát triển và chiếm lĩnh thị trường.
Dù vậy, việc phát triển thương hiệu và sản phẩm trong nước đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn. Doanh nghiệp cần nghiên cứu thói quen tiêu dùng và điều chỉnh chiến lược phân phối, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử để tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh tỷ lệ lợi nhuận trong ngành may mặc chỉ khoảng 7-12%. Có như thế mới tìm được những ngách phát triển tốt trong thị trường đang cạnh tranh rất gay gắt này.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thuong-hieu-thoi-trang-viet-ngay-cang-teo-top/